Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Việt Nam học được gì từ kinh nghiệm chuyển đổi sang xe điện nhằm giảm ô nhiễm của thế giới

Báo xây dựng 3 Giờ trước

(Xây dựng) - Theo nhiều chuyên gia, nhìn vào những mô hình thành công ở Trung Quốc hay Na Uy, Việt Nam cần thêm những “cú đấm thép” về chính sách để ủng hộ xe điện và cứu bầu không khí đang ngày càng ô nhiễm, đặc biệt tại các thành phố lớn có tình trạng ô nhiễm báo động như Hà Nội

Việt Nam học được gì từ kinh nghiệm chuyển đổi sang xe điện nhằm giảm ô nhiễm của thế giới?

Nhìn từ bài học “giành lại bầu trời xanh” trên thế giới

2013 là năm xảy ra “ngày tận thế không khí” ở Bắc Kinh, khi tỷ lệ bụi mịn PM2.5 đạt mức 900 microgram/m3, cao gấp 90 lần khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bầu trời thành phố thường xuyên bị phủ một lớp khói mù xám xịt, tạo ra không khí ngột ngạt, khó thở, gây tổn hại sức khoẻ của người dân.

Thế nhưng, chỉ vài năm sau đó, tình hình không khí ở Bắc Kinh đã bắt đầu cải thiện rõ rệt. Đến năm 2021, Bộ trưởng Sinh thái và Môi trường Trung Quốc Hoàng Nhuận Thu đã tuyên bố: “Màu xanh của Bắc Kinh đã trở thành bình thường mới” sau khi ghi nhận chất lượng không khí hàng tháng tốt nhất kể từ 2013.

Theo TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, câu chuyện của Bắc Kinh là thành công điển hình trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí trên thế giới, mà trong đó, biện pháp được thực hiện quyết liệt nhất chính là khuyến khích người dân chuyển đổi từ các phương tiện giao thông chạy nguyên liệu hóa thạch sang các phương tiện xanh như xe điện.

“Trong thời gian ngắn, Bắc Kinh đã chuyển đổi toàn bộ hơn 10.000 xe buýt chạy dầu sang xe điện, yêu cầu sử dụng xe chạy điện cho tất cả các dịch vụ như bưu điện, giao hàng trong nội thành, các phương tiện thực hiện công tác vệ sinh môi trường”, vị chuyên gia phân tích.

Không chỉ riêng Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc đã đưa ra “cú đấm thép” để phát triển ngành công nghiệp xe điện như một cách hữu hiệu để “cứu bầu trời xanh”. Tháng 6/2023, Trung Quốc đã công bố gói giảm thuế trị giá 72,3 tỷ USD trong vòng 4 năm đối với xe điện: như ưu đãi cả về thuế, phí cho các nhà sản xuất xe điện và hỗ trợ người dân về mặt kinh tế khi mua xe điện.

Thậm chí, khi định mức tăng trưởng xe điện chưa đạt như kỳ vọng, đến tháng 7/2024, đất nước tỷ dân đã tăng gấp đôi mức hỗ trợ lên tới 20.000 nhân dân tệ (2.770 USD), cho người tiêu dùng thay thế xe xăng dầu bằng xe điện, và đã thu về kết quả ấn tượng.

Ở châu Âu, Na Uy là một hình mẫu cho sự thành công của việc xanh hóa phương tiện giao thông, nhờ chính sách kích cầu vĩ mô từ nhà nước. Nhằm mục tiêu đẩy mạnh chuyển đổi giao thông xanh, Na Uy đã mạnh tay loại bỏ khoản thuế 25% áp cho khách hàng mua xe điện, bên cạnh miễn giảm các khoản phí đường bộ, thậm chí miễn phí cho xe điện tại các bãi đỗ xe của thành phố. Theo Reuters, cứ 10 ô tô mới được bán ra tại quốc gia này thì có 9 chiếc sử dụng năng lượng từ pin, đưa Na Uy đến gần mục tiêu tất cả xe mới được bán ra trên thị trường sẽ là ô tô điện vào năm 2025.

Ủng hộ xe điện là vấn đề sống còn

Từ câu chuyện của Trung Quốc, Na Uy, giới quan sát nhìn nhận, khi tình trạng ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM đang ở mức báo động, việc ưu tiên những phương tiện giao thông xanh, thân thiện với môi trường để giảm phát khí thải là vấn đề “sống còn”.

Thực tế, chỉ trong vòng vài năm gần đây, cuộc cách mạng xanh hóa phương tiện giao thông đã có những bước tiến mạnh mẽ. Lần đầu tiên trong lịch sử ngành ô tô, VinFast - một thương hiệu xe điện đã vươn lên trở thành hãng xe có doanh số số 1 thị trường với hơn 87.000 xe bàn giao trong năm 2024. Bên cạnh đó, hệ sinh thái xe điện cũng liên tục được mở rộng với dàn xe bus điện VinBus, thương hiệu taxi điện Xanh SM, đơn vị cho thuê xe điện FGF, mạng lưới 150.000 cổng sạc điện trên toàn quốc vận hành bởi V-Green…

Đồng thời, Vingroup và VinFast liên tục phát động những chính sách kích cầu, mang xe điện tới gần người dùng hơn. Mới đây nhất là chương trình “Vì Thủ đô trong xanh” với loạt ưu đãi cho người dân Hà Nội khi mua ô tô, xe máy điện VinFast và sử dụng các dịch vụ trong hệ sinh thái xe điện của Vingroup và đối tác, trong bối cảnh Hà Nội liên tục đứng Top đầu danh sách các thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới.

Đánh giá cao nỗ lực của Vingroup và VinFast khi luôn tiên phong và quyết liệt hành động để giảm thiểu ô nhiễm không khí, nhưng chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, sự hỗ trợ của Nhà nước có vai trò quyết định trong việc chuyển đổi xanh. Theo đó, Việt Nam cần xem xét những chính sách khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện đã được các nước áp dụng thành công như: hỗ trợ tài chính cho người dân chuyển đổi sang xe điện, miễn lệ phí trước bạ cho xe điện, tạo điều kiện về mặt bằng xây dựng trạm sạc….

“Nhà nước hoàn toàn có thể kéo dài chính sách hỗ trợ 100% phí trước bạ. Người dân sẽ hoan nghênh cách hỗ trợ này, vì không chỉ người tiêu dùng được hưởng lợi mà là sự đóng góp cho xã hội, cho môi trường chung. Đây là cách sử dụng tiền thuế của người dân hiệu quả từ Nhà nước, ngoài ra cũng là hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt phát triển cho thương hiệu Việt, cho sản xuất nội địa”, bà nhận định.

Đồng quan điểm, TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, việc bảo vệ môi trường cần có sự ủng hộ, đồng lòng từ mỗi cá nhân. “Bầu không khí không phải là của riêng ai. Một mình Vingroup không thể thay đổi được tình trạng ô nhiễm trầm trọng hiện nay. Tôi mong tất cả chúng ta, mỗi người dân, doanh nghiệp chung tay cùng chính quyền bằng những hành động của mình góp phần giảm thiểu ô nhiễm không khí”, TS Tùng khẳng định.

Xem bản gốc