FWC 2025 do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đấu thầu giành quyền đăng cai từ năm 2017. Qua nhiều nỗ lực và những gián đoạn vì Covid-19, tới năm 2022, VLA chính thức giành quyền đăng cai FWC 2025 tại FWC 2022 (tổ chức tại Hàn Quốc).
Sau khi dành được vinh dự này, VLA đã nhanh chóng làm việc với các Bộ ngành, cơ quan liên quan, khẩn trương chuẩn bị cho việc tổ chức Đại hội. Việc tổ chức FWC 2025 đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ từ Chính phủ và các Bộ ngành địa phương.
Phát biểu tại lễ nhận quyền trượng, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch VLA, gửi lời mời các đại biểu tới tham dự FWC 2025 và trải nghiệm nền kinh tế năng động, đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam (dự báo tăng trưởng GDP trên 6% vào năm 2024).
Theo Chủ tịch VLA, Việt Nam là “cửa ngõ” của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Thậm chí, với vị trí đặc biệt quan trọng trong dòng chảy thương mại toàn cầu, Việt Nam được kỳ vọng trở thành trung tâm logistics và thương mại của khu vực và thế giới.
Đặc biệt hơn, với 19 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu, dự kiến tăng trưởng xuất nhập khẩu sẽ vượt 15% vào năm tới. Sự mở rộng thương mại này được hỗ trợ bởi ngành logistics Việt Nam, nơi có hơn 45.000 công ty đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Việt Nam với thế giới.
Đồng thời, cam kết phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam được thể hiện qua thành công của cảng Cái Mép. Cảng được xếp hạng thứ 7 trong số các cảng container hiệu quả nhất thế giới vào năm 2023.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái hậu cần mạnh mẽ bổ sung cho vị thế là một trung tâm sản xuất hàng đầu của Việt Nam, với những “gã khổng lồ” toàn cầu như Samsung, LG, Intel và Foxconn… chọn Việt Nam làm địa điểm hoạt động chính của họ. Không chỉ vậy, Việt Nam còn là quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu nông sản như cà phê, thuỷ sản…
Với chủ đề “logistics xanh và thích ứng nhanh”, FWC 2025 sẽ được tổ chức từ ngày 6 đến ngày 10/10/2025 với các cuộc thảo luận quan trọng về tương lai của ngành logistics trong một thế giới ngày càng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm bảo vệ môi trường của mình.
Chủ tịch VLA cho rằng tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang phải đối mặt các thách thức về chi phí logistics cao, thách thức trong vận tải đa phương thức, tính thiếu bền bỉ của chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như những “cú sốc” của các chuỗi cung ứng phức tạp… Thực tế này dẫn tới một số xu hướng như đưa hàng hoá về điểm gần hơn, các quốc gia có chính sách tương đồng.
Vấn đề biến đổi khí hậu cũng được các doanh nghiệp đặc biệt nhấn mạnh. Điều này yêu cầu các doanh nghiệp logistics phải xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt, vừa nhanh, vừa phải “kinh tế” và bền vững.
“Tính bền vững là ưu tiên cốt lõi của Việt Nam. Cam kết của chúng tôi về một tương lai không phát thải ròng đã được thể hiện trong cam kết tại COP26, và chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực xây dựng một nền kinh tế vừa xanh vừa bền vững. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ đề của Đại hội FWC 2025, khi Việt Nam nỗ lực đưa ngành logistics tiến tới một tương lai bền vững và có trách nhiệm hơn. Việt Nam không chỉ là điểm đến cho doanh nghiệp logistics, mà còn là nơi các cơ hội nảy nở, các nền văn hóa kết nối và một tương lai tươi sáng hơn, bền vững hơn được xây dựng”, Chủ tịch VLA nhấn mạnh, đồng thời bày tỏ mong muốn được chào đón các doanh nghiệp logistics quốc tế đến Hà Nội.