Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Việt Nam sắp công bố bộ thẻ điểm xếp hạng DN trong một lĩnh vực: Giúp thu hẹp khoảng cách với ASEAN?

Markettimes 1 Tháng trước

Đó là thẻ điểm VNCG50.

Thông tin này vừa được chia sẻ tại họp báo của Diễn đàn Thường niên về Quản trị Công ty lần thứ 7 (AF7) với chủ đề "Đầu tư vào Quản trị Công ty Chiến lược thu hút Nhà đầu tư có trách nhiệm trong xu thế Quốc tế hóa thị trường" vào ngày 29/11, tại trụ sở Báo Đầu tư. Đây không chỉ là chủ đề của Diễn đàn AF7 sẽ diễn ra ngày 05/12/2024  tại TP HCM mà còn là cơ hội để cho các doanh nghiệp niêm yết tìm kiếm, lựa chọn nhà đầu tư tiềm năng và thu hút vốn đầu tư bền vững.

Năm 2024 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng quản trị công ty (QTCT) tại Việt Nam. Khi các yêu cầu về QTCT ngày càng gia tăng, việc đầu tư vào quản trị hiệu quả gắn với ESG không chỉ là lựa chọn mà đã trở thành nhu cầu quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết và các công ty đại chúng. Hiện nay, các nhà đầu tư, đặc biệt là các quỹ đầu tư quốc tế, đang tập trung và dịch chuyển các khoản đầu tư bền vững vào những doanh nghiệp thực thi QTCT gắn với đo lường mức độ tạo tác động đến môi trường và xã hội.

o-minh.jpgÔng Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, tại họp báo Diễn dàn AF7.

Tại Diễn dàn AF7, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư khẳng định: "QTCT được đánh giá là một kênh rất quan trọng để dẫn vốn vào thị trường, vào doanh nghiệp. QTCT (nhất là yếu tố G) gắn với ESG giờ đây đã trở thành một thước đo năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong việc tạo niềm tin đối với thị trường, các nhà cung cấp và là công cụ đo lường hành động và cam kết của doanh nghiệp đối với tạo tác động tới môi trường (yếu tố E) và xã hội (yếu tố S). Đó cũng là nền tảng tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp khi thực thi chiến lược Phát triển bền vững".

Quản trị công ty mang lại lợi ích gì?

ba-thanh-1.jpgBà Hà Thu Thanh, Chủ tịch VIOD chia sẻ về Diễn đàn AF7 và tầm quan trọng của QTCT trong doanh nghiệp. 

Phát biểu tại họp báo Diễn đàn AF7, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) cho biết, niềm tin của thị trường với doanh nghiệp được xây dựng dựa trên hệ thống QTCT và tính chính trực của những nhà lãnh đạo (bao gồm hội đồng quản trị, tổng giám đốc và ban điều hành).

Theo bà Hà Thu Thanh, đầu tư vào QTCT là khoản đầu tư vô cùng thông minh, mang tính chiến lược không chỉ giúp ứng phó với rủi ro mà còn thu hút các nhà đầu tư "có trách nhiệm" hơn. Nếu doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì QTCT không còn là sự lựa chọn. Thay vào đó, đây là việc chắc chắn phải làm,  phải hành động.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị VIOD nhấn mạnh rằng việc QTCT tốt sẽ giúp tăng năng lực cạnh tranh "mềm" cho các doanh nghiệp. Theo đó, năng lực cạnh tranh "cứng" đến từ chất lượng sản phẩm, dịch vụ và tương tác của sản phẩm, dịch vụ trên thị trưởng. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh "mềm" lại đến từ hệ thống QTCT. Đây là nơi mà tính minh bạch được rõ ràng và nơi quản trị rủi ro được gọi tên.

"Thực tế kinh doanh là phải có rủi ro nhưng điều quan trọng khi rủi ro xảy ra thì chúng ta có khả năng ứng phó. Doanh nghiệp có quản trị rủi ro mạnh sẽ cho khả năng ứng phó với rủi ro tốt nhất, từ đó giúp tránh gián đoạn sản xuất kinh doanh", đại diện VIOD chia sẻ.

Ngoài ra, theo bà Hà Thu Thanh, QTCT tốt còn giúp cho doanh nghiệp vượt lên trên sự tuân thủ. Khi đó, doanh nghiệp không chỉ làm đúng, là tốt các quy định mà còn làm hay và làm tốt. Điều này rất quan trọng với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các ngân hàng trong quá trình đánh giá doanh nghiệp.

Lần đầu tiên giới thiệu sáng kiến Bộ thẻ điểm VNCG50

a-long-1.jpgPhan Lê Thành Long, Tổng Giám đốc điều hành VIOD, điểm QTCT bình quân của Việt Nam trong những năm gần đây luôn dưới mức trung bình.

Trong khuôn khổ Diễn đàn AF7 sắp tới vào ngày 5/12, VIOD lần đầu tiên công bố sáng kiến VNCG50. Đây là bộ thẻ điểm được xây dựng dựa trên những chỉ số đánh giá của ACGS theo các thông lệ tốt và tình hình thực tiễn về quản trị công ty tại Việt Nam. Theo đại diện VIOD, VNCG50 được đánh giá bởi Hội đồng do VNX chủ trì, bao gồm các thành viên là các chuyên gia đến từ các Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), đại diện quỹ, công ty chứng khoán và chuyên gia độc lập.

Theo ông Phan Lê Thành Long, Tổng Giám đốc điều hành VIOD, căn cứ theo Quyết định số 1726 /QĐ-TTg/2023 về Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, việc nâng cao chất lượng QTCT của các doanh nghiệp niêm yết trên mức bình quân so với khu vực Đông Nam Á là việc quan trọng hiện nay. Hơn nữa, thực tế Việt Nam đã tham gia 7 kỳ đánh giá chương trình Thẻ điểm QTCT ASEAN (ACGS), nhưng nước ta liên tiếp giữ thứ hạng thấp trong cả 7 kỳ đánh giá. Điểm QTCT bình quân của Việt Nam luôn dưới mức trung bình.

Theo ông Long, trong kỳ đánh giá năm 2026, Việt Nam hướng tới cải thiện mức điểm dưới trung bình lên trung bình trong đánh giá ACGS. Trong năm 2024, nước ta chỉ có 69 doanh nghiệp được lựa chọn đánh giá, thấp hơn so với kỳ đánh giá trước.

Các doanh nghiệp Việt Nam thường tập trung và thực hiện tốt tiêu chí tuân thủ nhưng mảng điểm về tiêu chí thông lệ cần phải cố gắng và nỗ lực gấp nhiều lần để kéo thứ hạng 6/6 của mình.

Theo ông Long, xuất phát từ thực tiễn trên, cần xây dựng một Bộ tiêu chí QTCT để cải thiện và tiệm cận với mức điểm QTCT bình quân trong khu vực Đông Nam Á. Đây cũng chính là tiền đề quan trọng để xây dựng bộ chỉ số VNCG50 và thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam.

hop-bao-viod.jpgToàn cảnh buổi họp báo của Diễn đàn AF7. 

Đại diện của VIOD cho biết, VNCG50 sẽ mang lại nhiều giá trị cho các bên, bao gồm doanh nghiệp niêm yết và các sở giao dịch chứng khoán. Thứ nhất, VNCG50 sẽ giúp doanh nghiệp niêm yết được hỗ trợ kỹ thuật và thu hẹp khoảng cách thực hành so với thông lệ tốt; có sở hội tiếp cận vốn đầu tư từ nhà đầu tư có tổ chức khi nằm trong bộ chỉ số này. Đồng thời, việc lọt vào VNCG50 còn giúp doanh nghiệp niêm yết được lựa chọn vào danh sách đề cử đánh giá theo bộ thẻ điểm ACGS định kỳ.

Thứ hai, về phía các sở giao dịch chứng khoán, VNCG50 giúp hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong thực hành quản trị minh bạch hiệu quả; đồng thời đáp ứng mục tiêu theo định hướng chiến lược phát triển Thị trường chứng khoán đến năm 2030.

Vì sao là VNCG50 mà không phải là VNCG100?

a-long-2.jpgÔng Phan Lê Thành Long chia sẻ thêm thông tin về VNCG50. 

Theo ông Phan Lê Thành Long, bộ thẻ điểm VNCG50 ra đời xuất phát từ thực tế của chúng ta khi chấm điểm về QTCT của ACGS. Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 50 – 60 doanh nghiệp đang đảm bảo các yếu tố về mặt công cụ, công bố thông tin bằng tiếng Anh, công nghệ tốt.

"Giả sử chúng ta lấy tên là VNCG30 thì sẽ không hướng được đến mục tiêu nâng điểm ACGS bình quân của Việt Nam lên mức trung bình của khối ASEAN. Ngược lại, nếu con số quá lớn thì cũng chưa thể đáp ứng hỗ trợ cho các doanh nghiệp này và thậm chí có thể kéo điểm trùng bình ACGS của Việt Nam xuống. Sau khi tiến hành rà soát về số liệu cũng như kết quả chấm điểm của ACGS nên cuối cùng chúng tôi thống nhất chọn con số 50 doanh nghiệp trong danh sách này", đại diện của VIOD giải thích.

Theo ông Phan Lê Thành Long, để đảm bảo tính công bằng, Hội đồng đánh giá sẽ công bố toàn bộ chi tiết các bảng chấm điểm VNCG50 cho các doanh nghiệp.

"Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự chấm điểm cho chính mình, đồng thời nếu chưa đạt và muốn phấn đấu vào danh sách này thì họ sẽ cần phải làm gì, cũng như được lợi ích gì. Việc công khai các bảng chấm điểm VNCG50 cũng để giảm bớt các tranh cãi, đồng thời tăng tính công khai và minh bạch của thẻ điểm", ông Phan Lê Thành Long nhấn mạnh.

Diễn đàn được coi là sự kiện chuyên môn uy tín nhất ở Việt Nam về Quản trị công ty (QTCT) tích hợp với ESG và Phát triển bền vững được Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD) tổ chức, với sự đồng hành của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), Cục Kinh tế Thụy Sĩ (SECO) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cùng hỗ trợ chuyên môn của hai Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Quy trình đề cử doanh nghiệp theo VNCG50

Dựa trên VNX Allshare, các doanh nghiệp sẽ được tiến hành rà soát thực hành công bố thông tin về quản trị và báo cáo thường niên bằng tiếng Anh, xem xét việc tham gia đánh giá ACGS 3 năm gần nhất và sau đó đề cử ra 64 doanh nghiệp cho Hội đồng đánh giá lựa chọn. Cuối cùng, Hội đồng đánh giá lựa chọn ra 50 doanh nghiệp vào danh sách VNCG50.

Xem bản gốc