(Xây dựng) - Tính đến ngày Chuyển đổi số quốc gia 2024 (10/10), Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đạt vùng phủ 4G đến 95% dân số, đáp ứng hoàn thành sớm nhất lộ trình tắt sóng 2G trên toàn quốc.
Với chủ đề Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động, Viettel đóng góp đầy đủ và chiếm tỷ trọng lớn các hạ tầng di động, Internet, dữ liệu của quốc gia.
Không chỉ đóng góp khoảng 40% hạ tầng di động 4G ở Việt Nam, Viettel đầu tư và khai thác cáp quang biển đóng góp trên 50% dung lượng quốc tế của Việt Nam khi tuyến ADC (Asia Direct Cable) đi vào hoạt động đầu năm 2025.
Về hạ tầng dữ liệu, Viettel sở hữu và khai thác 14 trung tâm dữ liệu công suất lớn nhất với tổng công suất 87 MW, phục vụ phát triển các ứng dụng xử lý dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo. Viettel cũng là doanh nghiệp đầu tiên phát triển trung tâm dữ liệu xanh ở Việt Nam, giảm phát thải cho các tác vụ tính toán hiệu năng cao.
Viettel đang có kế hoạch khai trương mạng 5G tại 63/63 tỉnh thành trong tháng 10, phát triển 24 trung tâm dữ liệu tổng công suất 560 MW (tổng công suất của Việt Nam hiện là 150 MW) và 4 tuyến cáp quang biển mới đáp ứng 60% nhu cầu kết nối quốc tế của Việt Nam vào năm 2030.
“Viettel đặt mục tiêu phát triển hạ tầng số lớn nhất, an toàn nhất với công nghệ tiên tiến nhất bao gồm hạ tầng truyền dẫn, hạ tầng lưu trữ, tính toán, từ đó hình thành những nền tảng, hệ sinh thái dịch vụ số để phục vụ chuyển đổi số trên toàn quốc, đáp ứng chiến lược quốc gia về kinh tế số và xã hội số”, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết.