Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Vinaland muốn chuyển nhượng 30% vốn tại công ty con

Vietstock 4 Tuần trước

Vinaland muốn chuyển nhượng 30% vốn tại công ty con

CTCP Đầu tư Bất động sản Việt Nam (Vinaland, UPCoM: VNI) muốn chuyển nhượng bớt 30% cổ phần tại công ty con sau khoảng 9 tháng thành lập.

HĐQT Vinaland vừa thông qua chủ trương chuyển nhượng 150 ngàn cổ phần, chiếm 30% vốn tại công ty con là CTCP Học viện Chiến lược Bất động sản Toàn Cầu. Thời gian thực hiện trong tháng 12/2024.

Giao cho ông Trần Minh Hoàng - Chủ tịch VNI và ông Hồ Đắc Hưng - Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VNI tìm kiếm đối tác có nhu cầu để đàm phán, ký kết và thực hiện các thủ tục chuyển nhượng theo quy định.

Nếu thành công, VNI sẽ giảm sở hữu tại Bất động sản Toàn Cầu về còn 250 ngàn cổ phần, tương đương 50% vốn điều lệ tại công ty này.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2024, HĐQT VNI thông qua góp 4 tỷ đồng, chiếm 80% vốn điều lệ để thành lập công ty con Bất động sản Toàn Cầu, hoạt động chính trong lĩnh vực đạo tào, tư vấn và nghiên cứu. Hiện, Vinaland còn một công ty con khác là CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Phước Long (VNI sở hữu 98%).

Giai đoạn 2019-2023, các BCTC kiểm toán của Vinaland liên tục nhận ý kiến ngoại trừ của tổ chức kiểm toán. Đây cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến cổ phiếu VNI nhận “combo” án phạt từ HNX, bị đưa vào diện cảnh báo đến đình chỉ giao dịch.

Trong BCTC kiểm toán 2023 gần nhất, đơn vị kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ về việc VNI không thể tiến hành các thủ tục giải thể hoặc nắm quyền điều hành đối với Công ty Phước Long.

Theo đơn vị kiểm toán, số liệu của công ty con này dùng để lập BCTC hợp nhất năm 2023 là số liệu của BCTC năm 2018. Trong đó, tổng tài sản của công ty Phước Long gần 11 tỷ đồng. Việc VNI lập BCTC hợp nhất không đồng nhất về thời gian là chưa tuân thủ theo quy định nên không thể xác định ảnh hưởng của các vấn đề đến BCTC hợp nhất năm 2023.

Bên cạnh đó, Công ty không thể làm thủ tục xác nhận số dư hơn 2 tỷ đồng gửi tại ngân hàng và chưa thực hiện việc đối chiếu xác nhận nợ đối với số dư các khoản vay ngắn hạn hơn 34 tỷ đồng, vay dài hạn gần 93 tỷ đồng. Do vậy, đơn vị kiểm toán không xác định được tính chính xác cũng như ảnh hưởng của vấn đề đến BCTC hợp nhất tại ngày 31/12/2023.

Ngoài ra, nợ ngắn hạn của VNI đã vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 158 tỷ đồng, cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty. Tại cuối năm 2023, VNI cũng đang lỗ lũy kế gần 56 tỷ đồng.

Các BCTC này cũng gián tiếp khiến VNI nhận loạt án phạt từ HNX. Nửa đầu năm 2023, VNI bị hạn chế giao dịch do chậm công bố BCTC 2022 quá thời hạn quy định, sau đó bị đình chỉ giao dịch từ ngày 15/12/2023 do không khắc phục. Ngày 05/11/2024, Công ty công bố BCTC kiểm toán 2022 và 2023, nhưng dường như thời gian chưa đủ để xem xét đưa ra khỏi diện đình chỉ giao dịch. Gần nhất, vào ngày 13/11/2024, cổ phiếu VNI bị đưa vào diện cảnh báo do BCTC bị tổ chức kiểm toán cho ý kiến ngoại trừ 3 năm liên tiếp (2021, 2022 và 2023), thuộc trường hợp bị cảnh báo theo quy định.

Đến ngày 06/12, HNX đưa cổ phiếu VNI ra khỏi diện đình chỉ giao dịch do Công ty đã nộp cho HNX đầy đủ các BCTC hợp nhất từ năm 2019-2023 đã được kiểm toán.

Phiên chiều 17/12, giá cổ phiếu VNI đang giao dịch quanh 10,100 đồng/cp, tăng 32% so với đầu năm, thanh khoản bình quân chỉ 16 cp/ngày.

Thanh Tú

FILI

Xem bản gốc