Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Vĩnh Phúc Tập trung đầu tư các công trình tạo điểm nhấn phát triển du lịch

Báo xây dựng 1 Tháng trước

(Xây dựng) - Vĩnh Phúc đã và đang tập trung nguồn lực để đầu tư các công trình trọng điểm tạo điểm nhấn phục vụ cho phát triển du lịch, với tổng vốn các công trình trọng điểm là 2.193 tỷ đồng, chiếm 93,1% vốn ngân sách tỉnh đầu tư vào du lịch.

 Tập trung đầu tư các công trình tạo điểm nhấn phát triển du lịch
Flamingo Đại Lải điểm đến du lịch, nghỉ dưỡng khi đến với Phúc Yên.

Dồn lực cho các công trình trọng điểm, tạo điểm nhấn

Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng; thị trường dịch vụ du lịch giảm; giá cả các nguyên liệu vật tư không ổn định. Nhu cầu vốn để xây dựng các công trình hạ tầng du lịch đòi hỏi lớn, nhưng nguồn vốn dành cho đầu tư công còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Trong giai đoạn 2017 - 2023, tổng số vốn ngân sách Nhà nước được tỉnh Vĩnh Phúc dành đầu tư cho lĩnh vực du lịch là 2.285 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng trong khu du lịch là 159,1 tỷ đồng (chiếm 6,9% vốn đầu tư toàn tỉnh vào du lịch). Vĩnh Phúc tập trung nguồn lực để đầu tư các công trình trọng điểm tạo điểm nhấn phục vụ cho phát triển du lịch với tổng vốn các công trình trọng điểm là 2.193 tỷ đồng, chiếm 93,1% vốn ngân sách tỉnh đầu tư vào du lịch.

Để tạo bước đột phá phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong những năm qua tỉnh luôn chú trọng nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch bằng nguồn vốn đầu tư công, các dự án tập trung chủ yếu vào các hạng mục công trình như đường giao thông, điện chiếu sáng, cấp, thoát nước...

 Tập trung đầu tư các công trình tạo điểm nhấn phát triển du lịch
Hệ thống cáp treo Tây Thiên đi vào hoạt động đã mang lại sự thuận lợi cho du khách trong hành trình “Đến với Phật về với Mẫu”.

Phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh

Bên cạnh đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước, tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động trong công tác lập quy hoạch chi tiết các khu vực có tiềm năng lợi thế du lịch; chủ động dành quỹ đất cho các dự án đầu tư du lịch. Hiện có 17 dự án lớn với tổng vốn đầu tư hơn 9.600 tỷ đồng đã và đang được triển khai tại Vĩnh Phúc.

Các dự án tiêu biểu bao gồm: Dự án Flamingo Đại Lải, đạt tiêu chuẩn 5 sao với tổng vốn đầu tư đăng ký 4.630,46 tỷ đồng (trong đó giai đoạn 2 là 3.560,81 tỷ đồng), giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động; Dự án Tam Đảo II của Tập đoàn SunGroup với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 là 2.987 tỷ đồng; Dự án FLC Luxury Resort Vĩnh Phúc (giai đoạn 1 đã đi vào hoạt động, tổng mức đầu tư đã thực hiện khoảng 600 tỷ đồng); Dự án cáp treo Tây Thiên của Công ty Cổ phần Đầu tư Lạc Hồng, vốn đầu tư là 245 tỷ đồng (đã đi vào hoạt động)...

Trong giai đoạn 2017-2023, toàn tỉnh có khoảng 36 dự án DDI (vốn trong nước) đầu tư vào lĩnh vực du lịch với tổng số vốn cam kết là 20.612 tỷ đồng, trong đó đã thực hiện 11.336 tỷ đồng, đạt 55% số vốn cam kết đề ra.

Vĩnh Phúc đang tích cực vận động, thực hiện các các giải pháp để thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư vào các khu đô thị kết hợp với du lịch, khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí có quy mô lớn với giá trị đầu tư cam kết của nhà các nhà đầu tư như: Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Vĩnh Thịnh - An Tường với số vốn cam kết 1,1 tỷ USD; Dự án Tam Đảo II khoảng 1 tỷ USD; Dự án trường đua ngựa quốc tế với quy mô vốn đầu tư khoảng 1,44 tỷ USD… Đây là các dự án sẽ có tác động mạnh mẽ, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh trọng điểm về du lịch của cả nước.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, ngành du lịch địa phương cũng nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh bằng việc ban hành nhiều nghị quyết, chương trình hành động, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch làm nền tảng vững chắc, tạo động lực để xây dựng phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hệ thống các văn bản đã có sự triển khai đồng bộ đến các cấp, các ngành và từng địa phương. Công tác quản lý, hướng dẫn về văn hóa, du lịch, dịch vụ được thực hiện chặt chẽ, bước đầu tạo được thương hiệu cho tỉnh về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh tại các khu du lịch trọng điểm như: Đại Lải, Tam Đảo, Tây Thiên, Vĩnh Yên…

 Tập trung đầu tư các công trình tạo điểm nhấn phát triển du lịch
Hoạt động Lễ hội đường phố thu hút các du khách đến với Flamingo Đại Lải.

Phúc Yên – Phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Trong giai đoạn 2023-2025, thành phố Phúc Yên dự kiến đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển du lịch Đại Lải, với tổng mức đầu tư các dự án hơn 550 tỷ đồng.

Thành phố dành quỹ đất khá lớn để phát triển các dự án phục vụ thương mại, du lịch lớn như: Khu đô thị du lịch dịch vụ hồ Lập Đinh diện tích hơn 500ha; tổ hợp khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, sân golf và dịch vụ vui chơi giải trí diện tích hơn 600ha. Thành phố đang kêu gọi đầu tư phát triển du lịch đối với các dự án: Khu du lịch Bắc Ngọc Thanh; Khu nghỉ dưỡng cao cấp phía Tây hồ Đại Lải; đầu tư hạ tầng khu du lịch Hang Dơi; đầu tư hạ tầng khu du lịch Thanh Cao.

Thành phố Phúc Yên hiện có khoảng 2.000 phòng lưu trú. Lượng khách du lịch trong năm 2024 khoảng 1,1 triệu người, doanh thu đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Dự báo giai đoạn 2025-2030, lượng khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Phúc Yên đạt từ 1,5 triệu người đến 2,5 triệu người; số lượng phòng lưu trú tăng thêm khoảng 500 phòng.

Ông Phan Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phúc Yên nêu rõ: Thành phố hướng tới mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều sản phẩm du lịch đa dạng như: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái gắn với vui chơi, giải trí; du lịch khám phá, mạo hiểm; du lịch trải nghiệm; du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề, du lịch văn hoá tâm linh. Khu du lịch Đại Lải tiếp tục được đầu tư trở thành công trình trọng điểm, kết hợp bảo tồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể với phát triển du lịch tâm linh.

Phúc Yên cũng hợp tác phát triển du lịch với các huyện trong tỉnh và các tỉnh lân cận, xây dựng các tour, tuyến nối kết với Tam Đảo, Tây Thiên, Đền Hùng, an toàn khu Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Nội; đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển du lịch, giao thông kết nối giữa các địa điểm du lịch.

Để hoạt động du lịch thành điểm nhấn của thành phố, Phúc Yên tổ chức Chương trình quảng bá du lịch thành phố Phúc Yên “Festival Đại Lải” năm 2024 diễn ra vào 2 ngày 25-26/10/2024. Chương trình được tổ chức quy mô nhằm khuyến khích du khách và người dân Vĩnh Phúc đến với khu du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch trải nghiệm, đồng thời giới thiệu các giá trị độc đáo, đặc sắc của nghề truyền thống, sản phẩm OCOP và ẩm thực tại thành phố Phúc Yên; tổ chức các tour du lịch đến các địa điểm du lịch, di tích lịch sử khác của thành phố Phúc Yên như: Chùa Bảo Sơn, đền Ngô Tướng Công, đình Ngọc Quang, chùa Thanh Cao…

Trong đó, Chương trình khai mạc sẽ diễn ra: Biểu diễn nhạc nước trên mặt hồ, Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Vũ khúc thiên nhiên” (thời lượng 60 phút). Đặc biệt, chương trình Đêm nhạc “Thủy khúc đêm trăng”: Đêm nhạc biểu diễn các bản nhạc tình ca, các bài hát nhạc trẻ với sự thể hiện của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng và ban nhạc hiện đại trên sân khấu thực cảnh hồ Đại Lải.

Festival Đại Lải năm 2024 diễn ra sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ của các cấp Đảng ủy, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội, qua đó phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành dịch vụ quan trọng, để du lịch thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác.

Xem bản gốc