Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

VN-Index đóng cửa một năm thăng trầm: Tăng 12,11%, khối ngoại bán ròng kỷ lục lịch sử hơn 90.000 tỷ đồng

Vneconomy 2 Tuần trước

VN-Index chính thức khép lại một năm giao dịch đầy biến động với bất ngờ được tạo ra vào phút chót, chỉ số thay vì kéo tăng chốt NAV thì bốc hơi 5 điểm về vùng giá 1.266. Như vậy tính từ đầu năm, VN-Index chỉ còn tăng 12,11% với khối ngoại bán ròng 90.000 tỷ đồng, kỷ lục chưa từng có trên thị trường chứng khoán Việt Nam. 

Nhìn lại có 3 yếu tố chính tác động lên thị trường chứng khoán năm 2024. Thứ nhất là tỷ giá. Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), đã dừng ở mức 108,06 tăng 0,06 điểm so với giao dịch ngày 30/12/2024. Vào đầu phiên giao dịch ngày 31/12, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 5 đồng, hiện ở mức 24.327 đồng. Tại các Ngân hàng thương mại, ở mức 25.543 VNĐ/USD. 

Thứ hai là khối ngoại bán ròng. Trước áp lực tỷ giá tăng cao, dòng tiền có xu hướng rút từ các thị trường mới nổi quay trở về Mỹ. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 90.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán. Với riêng ETF,  giá trị rút ròng lũy kế từ đầu năm 2024 ở các quỹ ETF gần 21,7 nghìn tỷ đồng, gấp 13,6 lần so với tổng giá trị rút ròng của năm 2023 (hơn 1,5 nghìn tỷ đồng) và tương đương 27,9% giá trị bán ròng của khối ngoại từ đầu năm 2024.

Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ ETF bao gồm ETF nước ngoài và trong nước đạt 57,1 nghìn tỷ đồng trong tuần 23/12 – 27/12/2024, giảm -0,14% so với tuần trước đó . Cần lưu ý đây là tổng giá trị tài sản ròng chỉ tính cho thị trường Việt Nam.

Thứ ba là bầu cử Tổng thống Mỹ. Ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ cùng với những chính sách thuế dự kiến được nhận định là bất lợi cho nhiều ngành nghề xuất khẩu của Việt Nam. 

 Tăng 12,11%, khối ngoại bán ròng kỷ lục lịch sử hơn 90.000 tỷ đồng  - Ảnh 1

Nhận định về triển vọng thị trường chứng khoán cả năm 2025, Chứng khoán KBSV cho rằng sẽ có 3 yếu tố chính định hình xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đầu tiên, dự báo tăng trưởng EPS bình quân toàn HSX đạt 16.7% trong năm 2025 so với cùng kỳ với nhờ bối cảnh vĩ mô thuận lợi bao gồm: Chính sách tiền tệ với xu hướng nới lỏng là chủ đạo và ưu tiên duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp; Kế hoạch đầu tư công, hạ tầng chiến lược, tầm nhìn đến 2030-2035; Các bộ Luật sửa đổi nhằm tháo gỡ vướng mắc về vận hành, pháp lý; và các yếu tố khác như tăng trưởng thương mại, thu hút vốn FDI, xu hướng đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam ở lĩnh vực công nghệ, dữ liệu AI.

Tiếp theo, sau năm 2024 tăng mạnh, chỉ số DXY được kỳ vọng sẽ chỉ tăng nhẹ trong năm 2025 và kết thúc năm ở mức 108-110, qua đó hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư trong nước, giúp khối ngoại mua ròng trở lại, và ổn định vấn đề tỷ giá. Các yếu tố giúp DXY hạ nhiệt trong năm sau bao gồm: FED hạ lãi suất 2 lần trong năm 2025, tình trạng thâm hụt ngân sách ở Mỹ thêm trầm trọng, chỉ số DXY đang ở vùng cao, và tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ không quá vượt trội so với phần còn lại của thế giới như được chứng kiến trong năm 2024.

Cuối cùng, trong năm 2025, dự báo các điều kiện vĩ mô có phần ổn định hơn về nửa cuối năm, dù giai đoạn đầu năm vẫn có thể còn nhiều xáo trộn. Cụ thể, tính cho cả năm 2025, áp lực tỷ giá sẽ không quá căng thẳng với tỷ giá USD/VND tăng 1-2% so với cuối năm 2024, trong khi mặt bằng lãi suất chỉ tăng nhẹ và vẫn ở vùng thấp so với lịch sử. Trong đó, lãi suất huy động tăng 0,3%- 0,5% ở nhóm ngân hàng quốc doanh và mức tăng có phần cao hơn ở nhóm ngân hàng thương mại.

Về cơ bản, đây là điều kiện thuận lợi để dòng tiền có thể quay trở lại thị trường chứng khoán và nâng mức định giá P/E của chỉ số VNIndex cao hơn so với hiện tại.

Đối với triển vọng thị trường trong năm 2025, KBSV kỳ vọng chỉ số VN-Index đạt mức 1.460 điểm, tương ứng mức tăng trưởng EPS toàn thị trường 16,7% và mức định giá P/E của VN-Index đi ngang so với thời điểm cuối 2024 ở mức 14,6 lần thấp hơn mức bình quân 10 năm gần nhất là 16,6 lần.

Về mặt tích cực, các yếu tố thúc đẩy sự cải thiện định giá P/E của chỉ số VN-Index trong năm 2025 bao gồm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế vẫn sẽ duy trì ở mức thấp so với lịch sử với mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ 0,3- 0,5%, trong khi lãi suất cho vay đi ngang hoặc tăng nhẹ; Việt Nam được nâng hạng thị trường theo FTSE; và bối cảnh tăng trưởng vĩ mô tích cực.

Dù vậy, bối cảnh 2025 cũng tồn tại nhiều biến số rủi ro khó lường liên quan đến nhiệm kỳ mới của ông Trump, sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc, các xung đột địa chính trị lan rộng… Theo đó, chúng tôi duy trì mức P/E kỳ vọng năm 2025 ở 14.6 lần. 

Xem bản gốc