Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

VNG mất trắng hơn 500 tỷ vì đầu tư vào giấc mộng chinh phục 'lực lượng' cửa hàng nhỏ thống trị thị trường bán lẻ Việt Nam

Markettimes 4 Giờ trước

Startup thương mại điện tử B2B Telio đã giải thể vào tháng 12/2024, sau khi công ty không thể huy động thêm vốn hay tìm được bên mua lại.

Khoảng 400 nhân viên bị sa thải, bao gồm cả đội ngũ nhân viên công nghệ tại Ấn Độ. Telio là công ty liên kết của 'Kỳ lân công nghệ' Việt Nam - CTCP VNG (mã chứng khoán VNZ).

VNG mất 515 tỷ đồng

VNG chính thức đầu tư 515 tỷ đồng để mua 20,33% vốn cổ phần của Telio vào năm 2022 (tính đến 13/4/2022). Sau đó tỷ lệ sở hữu giảm dần do VNG không tham gia mua cổ phần tại các đợt phát hành thêm của Telio.

Từ ngày 8/3/2022 - 5/6/2022, Telio hoàn tất phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và VNG không tham gia mua, do đó tỷ lệ sở hữu tính từ giữa năm 2022 giảm còn 16,7%.

Vào ngày 6/10/2023, Telio đã hoàn tất phát hành thêm công cụ tài chính cho các nhà đầu tư nhằm tăng vốn. Tuy nhiên, VNG không tham gia quá trình này, do đó tính đến cuối năm 2023, VNG chỉ nắm 16,55% vốn cổ phần của Telio.

Nếu như năm 2022, phần lỗ từ Telio tính cho VNG mới chỉ 80 tỷ đồng thì trong năm 2023, phần lỗ này là 219 tỷ đồng. Năm 2024, phần lỗ là 215,8 tỷ đồng. Theo đó, tính đến cuối năm 2024, toàn bộ 515 tỷ đồng của VNG đã được "đốt" sạch và khoản đầu tư vào Telio ghi nhận giá trị 0 đồng.

Việc Telio thông báo giải thể không khiến cho lợi nhuận trong tương lai của VNG giảm thêm.

screenshot-2025-02-10-004208.png

Trong bài viết kỷ niệm 20 năm thành lập của VNG, ông Lê Hồng Minh - nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT của VNG hiện nay - tự đánh giá: "5 năm gần đây là giai đoạn VNG “thất bại” nhiều nhất”.

Theo ông Minh, 10-20 năm trong ngành công nghệ sẽ tương đương với 40-50 năm ở các ngành truyền thống khác, nên áp lực về sự thay đổi, áp lực phải tiến lên là vô cùng lớn. Điều này buộc ban lãnh đạo phải không ngừng tìm kiếm cơ hội mới và ra quyết định nhanh chóng.

Thời gian trước, công ty liên tục đầu tư vào các startup như Tiki Global, Telio và Open Commerce (cùng trong lĩnh vực thương mại điện tử), Wildseed Games, Rocketeer, Ecotruck ... Tuy vậy, do khó khăn trong và sau đại dịch, hầu hết những đơn vị này vẫn duy trì trạng thái thua lỗ và “ăn” hết phần vốn đầu tư của VNG.

Telio và giấc mộng chinh phục 'lực lượng' cửa hàng nhỏ lẻ, hộ gia đình

Thành lập tháng 11/2018, Telio là nền tảng thương mại điện tử B2B liên kết các nhà bán lẻ với các nhãn hiệu, nhãn hàng và đơn vị bán buôn.

Nhà sáng lập Bùi Sỹ Phong cho rằng, các kênh phân phối truyền thống, nhiều tầng lớp và phân tán vẫn đang thống trị thị trường bán lẻ Việt Nam.

Các cửa hàng bán lẻ, kinh doanh hộ gia đình chiếm trên 60% thị phần nhóm hàng tiêu dùng nhanh tại khu vực đô thị và trên 90% ở khu vực nông thôn Việt Nam.

Các cửa hàng nhỏ lẻ thường cần liên hệ từ 50 đến 80 nhà bán buôn và nhà phân phối để đặt hàng, và mất tới một tuần để mua đầy đủ các mặt hàng cho cửa hàng của mình. 

Telio ra đời một nền tảng giao dịch tập trung duy nhất với mục tiêu tối ưu hóa quá trình nói trên, giúp các cửa hàng bán lẻ có nhiều lựa chọn về hàng hóa, giá cả và vận chuyển hiệu quả. 

Telio vận hành trên đa nền tảng, bao gồm website, ứng dụng Telio và đặc biệt là gian hàng Telio trên Zalo, giúp các đại lý thuận tiện nhập và theo dõi đơn hàng. Ngoài ra, Telio còn có ứng dụng Teliobooks giúp chủ đại lý tạp hóa quản lý công nợ, doanh thu với các tính năng hỗ trợ, tổng kết, nhắc nhở tự động qua SMS, Zalo.

Tại thời điểm đỉnh cao, Telio đã mở rộng hoạt động tại 26 tỉnh, thành trên khắp cả nước, bao gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hải Dương, Thanh Hóa, Nam Định, Thái Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Huế, Cần Thơ...

Trong quá trình hoạt động, Telio huy động được 52,5 triệu USD qua 5 vòng gọi vốn. Công ty nhận đầu tư từ nhiều quỹ lớn như Tiger Global, Granite Asia, Peak XV và VNG.

Theo thỏa thuận hợp tác chiến lược, ngoài hỗ trợ Telio tăng trưởng và mở rộng hoạt động kinh doanh cũng như độ phủ sóng, VNG cũng sẽ đồng hành cùng Telio trong việc tăng độ phổ biến gian hàng trên nền tảng Zalo, giúp các đại lý dễ dàng số hóa hoạt động đặt hàng và theo dõi đơn hàng.

Tháng 10/2020, Telio đã trở thành nền tảng B2B đầu tiên và duy nhất ra mắt gian hàng trên Zalo, thúc đẩy việc bán hàng số không tiếp xúc với khả năng phủ sóng khắp mọi miền tổ quốc.

Từ giữa năm 2022, Telio bắt đầu thu hẹp hoạt động và cắt giảm chi phí. Công ty tập trung tối ưu hóa mô hình kinh doanh và hạn chế bán các mặt hàng có lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, những thay đổi này đến quá muộn vì công ty đã mở rộng quá nhanh trong hai năm đầu.

Telio không thể giải quyết những thách thức lớn của thương mại điện tử B2B. Công ty gặp khó khăn vì chi phí vận hành cao, biên lợi nhuận thấp từ hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) và chuỗi cung ứng nhiều tầng trung gian.

Theo nhà sáng lập Bùi Sỹ Phong, quy mô hoạt động khiến Telio không thể áp dụng chiến lược kinh doanh lợi nhuận cao nhưng khối lượng thấp.

Trước khi đóng cửa, Telio đạt doanh thu 2,5-3 triệu USD mỗi tháng. Tuy nhiên, do nguồn vốn cạn kiệt, công ty không còn lựa chọn nào khác ngoài việc ngừng hoạt động.

telio1-1738976365191-17389763659111064252511.jpgÔng Bùi Sỹ Phong (ở giữa) cùng các cộng sự tại Telio.

Sàn thương mại điện tử Telio được quản lý và vận hành bởi công ty TNHH Telio Việt Nam. Doanh nghiệp này do ông Bùi Sỹ Phong làm người đại diện theo pháp luật, vốn điều lệ 1.086 tỷ với 100% do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ. 

Xem bản gốc