Theo đánh giá tổng quan của Hiệp hội thép thế giới (WSA), thị trường thép thế giới năm 2024 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Xu hướng chủ đạo chung là giảm giá. Năm 2024 là năm thứ 3 liên tiếp nhu cầu tiêu thụ thép của thế giới không tăng trưởng.
TỔNG LƯỢNG TIÊU THỤ THÉP THÀNH PHẨM VƯỢT 21,3% MỤC TIÊU
WSA phân tích, các doanh nghiệp thép phải đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro, bất định trong bối cảnh kinh tế thế giới chịu nhiều áp lực từ xung đột quân sự, biến động chính trị, bất ổn tiếp tục leo thang tại một số quốc gia, khu vực,....điều này tác động sâu sắc và nhiều mặt đến sự phục hồi của thương mại, đầu tư toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu tiêu thụ thép thế giới...
Tại thị trường trong nước, theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2024, ngành thép Việt Nam có sự phục hồi so với năm trước, thể hiện qua kết quả tổng tiêu thụ thép các loại 11 tháng tăng trưởng 13% so với cùng kỳ; trong đó tiêu thụ thép nội địa tăng 17,6% và xuât khẩu thép tăng trưởng 2,8%. Dự kiến, kết quả tiêu thụ năm 2024 của toàn ngành sẽ duy trì tăng trưởng ờ mức 2 con số.
Với VNSTEEL, bên cạnh những nguyên nhân khách quan đến từ khó khăn chung của thị trường, như công suất thép xây dựng trong nước vượt xa cầu, giá thép giảm liên tục, đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh thép xây dựng trong hệ thống VNSTEEL còn tồn tại những khó khăn chủ quan ảnh hưởng đển việc thực hiện kế hoạch năm 2024.
Cụ thể, do tiêu thụ chậm, để kiểm soát tồn kho, các đơn vị phải tiết giảm sản xuất, không phát huy tối đa công suất, dẫn đến tăng các chi phí cố định như chi phí khấu hao, tiền lương,... tính trên đầu tấn sản phẩm. Bên cạnh đó, giá thép giảm liên tục với giá thép thành phẩm giảm sâu hơn giá nguyên liệu đầu vào, khiến cho biên lợi nhuận ngày càng thu hẹp. Nhiều đơn vị để duy trì sản xuất chấp nhận bán dưới giá vốn dẫn đến thua lỗ.
Ngoài ra, năng lực sản xuất và giá thành của hầu hết các đơn vị trong hệ thống không cạnh tranh bằng các đổi thủ trực tiếp. Các đơn vị trong hệ thống với công nghệ thiết bị hầu hết đều xuống cấp, công suất nhỏ, năng lực sản xuất và chủng loại sản phẩm hạn chê, một số đơn vị năng lực sản xuất đã chạm giới hạn. Trong khi đó, các đối thủ không ngừng mở rộng quy mô sản xuất với công nghệ hiện đại và khép kín, phát triển đa dạng hóa sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Chính sách bán hàng của các đơn vị trong hệ thống của Tổng công ty cũng bị hạn chế, kém linh hoạt so với các doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp FDI. Do tỷ lệ vốn nhà nước cao nên các đơn vị chịu nhiều quy định ràng buộc về việc phải đảm bảo hiệu quả, bảo toàn vốn, dẫn đến nhiều thời điểm trong năm các đơn vị phải xem xét điều tiết giảm sản xuất để đảm bảo hiệu quả, không thể chạy theo thị phần dẫn đến hiệu quả giảm sút.
Năm 2024 tiếp tục là một năm khó khăn với các đơn vị sản xuất kinh doanh thép xây dựng phía Nam. Trong bối cảnh ít dự án triển khai hơn Miền Bắc và Miền Trung, dung lượng nhu cầu thị trường miền Nam có hạn, các đơn vị phía Nam còn phải cạnh tranh với các nhà sản xuất lởn tại khu vực miền Trung như Hòa Phát Dung Quất và VAS - Nghi Sơn.
Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2024, song Tổng công ty đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu lợi nhuận. Tính đến ngày 31/12/2024, ước kết quả thực hiện các chỉ tiêu tài chính chủ yếu năm 2024 của Tổng công ty như sau: Tổng doanh thu trên báo cáo tài chính riêng là 1.597 tỷ đồng, đạt 68,2% kế hoạch năm và tăng 20,5% so với năm 2023.
Theo đó, tổng doanh thu trên báo cáo tài chính chung đạt 33.000 tỷ đồng, vượt 4,8% kể hoạch năm và tăng 6,9% so với năm 2023. Lợi nhuận trước thuế trên báo cáo tài chính riêng ước lãi 18 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch và tăng 34,5% so với năm 2023.
Lợi nhuận trước thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất ước lãi 230 tỷ đồng, vượt 91,7% kế hoạch.
Về sản phẩm, tổng lượng tiêu thụ thép thành phẩm các loại vượt 21,3% mục tiêu đặt ra, trong đó có đóng góp tăng trưởng lớn của mặt hàng thép cán nguội và tôn mạ. Các đơn vị trong khối dẹt đều vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2024.
Riêng mặt hàng thép xây dựng, mặc dù tăng trưởng 10,7% so với năm trước nhưng sản lượng tiêu thụ chưa đạt kế hoạch năm. Theo lý giải của VNSTEEL, nhóm các đơn vị thép dài phía Nam có tỷ lệ đạt kế hoạch năm thấp, chỉ bằng 81,6 - 98,5% kế hoạch, tỷ lệ tiêu thụ so với công suất thiết kể đều chưa đạt 70%. Còn lại, các đơn vị thép xây dựng phía Bắc đều 100% hoàn thành vượt mức kế hoạch và có tăng trưởng so với năm 2024.
Năm 2024, nhóm thép cán nguội và tôn mạ của hệ thống Tổng công ty có sự tăng trưởng rất tốt và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm. Nhóm các công ty khối kim khí cũng có kết quả tiêu thụ tốt. Riêng khối thép cán dài mặc dù có tăng trưởng 10,7% so với năm 2023 nhưng chỉ đạt 99,2% kế hoạch năm do một số đom vị chưa hoàn thành kế hoạch năm.
VNSTEEL ĐẶT MỤC TIÊU SẢN XUẤT 3,5 TRIỆU TẤN THÉP TRONG NĂM 2025
Theo dự báo của Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) công bố tháng 10/2024 nhu cầu thép thành phẩm toàn cầu năm 2025 ước đạt 1.771,5 triệu tấn, tăng trưởng 1,2% so với năm 2024.
Như vậy, sau 3 năm liên tiếp 2022, 2023 và 2024 không có tăng trưởng, WSA đã đưa ra mức dự báo lạc quan nhưng thận trọng về sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ thép toàn cầu trong năm 2025.
Ngoài ra, WSA cũng dự báo việc tăng giá thép phế và giảm giá quặng sắt năm 2025 cho thấy các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lò điện sẽ tiếp tục suy giảm lợi thế do giá thành cao hơn các doanh nghiệp công nghệ lò cao, trung tần.
Do đó, ngành thép Việt Nam nói chung và VNSTEEL nói riêng sẽ phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi trong năm 2025. Cụ thể, thị trường thép Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng cung vượt cầu, cạnh tranh ngày càng gay gắt; áp lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN gia tăng; trong khi thị trường xuất khẩu chịu tác động bởi chính sách phòng vệ thương mại gia tăng của các nước, nhất là việc áp thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp (thép dài, thép tôn mạ, HRC, thép ống....) trong khu vực ASEAN, EU và Hoa Kỳ.
Đối với các doanh nghiệp thép xây dựng, nhu cầu tiêu thụ thép phụ thuộc nhiều vào sự phục hồi của thị trường bất động sản. Mặc dù năm 2025 được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ là năm đầu tiên của chu kỳ phát triển mới của thị trường bất động sản, tuy nhiên xu hướng và tốc độ phục hồi của thị trường bất động sản sẽ chỉ thực sự rõ nét dần từ nửa cuối năm 2025 trở đi.
Ngoài ra, trong lĩnh vực thép xây dựng, dư địa công suất chưa khai thác hết của toàn ngành còn rất lớn. Hiện tổng công suất thiết kế của toàn hệ thống tổng công ty là hơn 18,1 triệu tấn/năm trong khi sản lượng những năm gần đây chỉ quanh mức 12,3 triệu tấn (tỷ lệ huy động công suất chưa được 70%). Do đó sang năm 2025, thị trường thép xây dựng nội địa tiếp tục chịu sự cạnh tranh khốc liệt, chủ yếu cạnh tranh về giá.
Đối với doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép dẹt và tôn mạ, năm 2024 thị trường tôn mạ có lợi thế nhờ đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, sang năm 2025 thị trường xuất khẩu được nhận định không còn thuận lợi do các chính sách thương mại và thuế quan mới, các nước đối tác sẽ tăng cường chính sách bảo hộ hàng hóa trong nước.
Theo nhận định của VNSTEEL, khi xuất khẩu bị hạn chế, các doanh nghiệp sẽ quay lại tranh giành thị trường tiêu thụ nội địa dẫn đến áp lực cạnh tranh lớn về giá. Bên cạnh đó, thị trường trong nước còn chịu áp lực thêm từ nguồn thép nhập khẩu giá thấp, nhất là với các mặt hàng tôn mạ.
Hơn nữa, năm 2025 sẽ có thêm các nhà máy mới sản xuất thép được đưa vào sản xuất và cung cấp sản phẩm ra thị trường như: Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất 2 với công suất 5,6 triệu tấn thép HRC, Tôn Đại Đông công suất 600.000 tấn/năm; Tôn Đông Á công suất 300.000 tấn/năm (giai đoạn 1); Tôn Nam Kim công suất 1,2 triệu tấn/ năm; Tôn Việt Pháp với nhà máy cán nguội công suất 350.000 tấn/năm,... Những dự án này sẽ ảnh hưởng ngay và trực tiếp đến thị trường nội địa, gia tăng sự cạnh tranh.
Ngoài ra, giá cước vận tải toàn cầu, tỷ giá USD/VNĐ, giá điện, năng lượng tiếp tục là các yếu tố tiềm ẩn làm tăng chi phí mua nguyên vật liệu, tài chính cho doanh nghiệp.
Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7%, trong đó ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với ồn định kinh tể vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Điều này sẽ tác động tích cực đến nhu cầu thép trong nước, nhất là trong lĩnh vực xây dựng và cơ sở hạ tầng.
Trong bối cảnh đó, năm 2025, VNSTEEL đặt mục tiêu sản xuất 3.505.000 tấn thép thành phẩm. Tổng doanh thu họp nhất: 34.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 180 tỷ đồng; tổng doanh thu riêng 1.809 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế riêng 20 tỷ đồng.
Để thực hiện được mục tiêu trên, VNSTEEL đề nghị Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét và giải quyết các vấn đề liên quan đề tạo điều kiện thuận lợi cho Tổng công ty sớm hoàn thành công tác quyết toán cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty.
Đồng thời, đề nghị Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tiếp tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác phóng vệ thương mại, phối hợp trao đổi thông tin thị trường, các chính sách liên quan đến ngành thép trong nước và khu vực.