Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Vượt qua thách thức, doanh nhân nữ sẽ làm chủ trong tiến trình chuyển đổi kép

Vneconomy 1 Tuần trước

Tại Diễn đàn doanh nhân nữ Việt Nam 2024 với chủ đề “Phụ nữ làm chủ kỷ nguyên chuyển đổi kép” ngày 7/11 do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Quỹ Châu Á tổ chức, các chuyên gia nhận định: Tiến trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đối với các doanh nghiệp do nữ làm chủ đang trở nên vô cùng thách thức. Các nữ doanh nhân vẫn chịu sự phân biệt trong tiếp cận kinh doanh, cơ hội kết nối, tiếp cận các nguồn lực trong chuyển đổi kép.

RÀO CẢN “CẢN” CHUYỂN ĐỔI

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 8/2024 cả nước có khoảng 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp hơn 60% GDP, tạo việc làm cho khoảng 30% lao động trong nền kinh tế. Trong số đó, có hơn 20% là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

Phát biểu tại diễn đàn, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam khẳng định, chuyển đổi số và xanh là quá trình tất yếu với mọi quốc gia và với mọi doanh nghiệp để nâng cao tính cạnh tranh và phát triển trong thế kỷ 21. Do đó, doanh nhân nữ Việt Nam phải chủ động nắm bắt được quá trình này.

Bà Pauline Tamesis cho rằng Việt Nam đạt được những bước tiến đáng kể trong nền kinh tế, đặc biệt trao quyền cho phụ nữ. Tuy nhiên, các nữ doanh nhân vẫn gặp phải các thách thức trong tiếp cận cơ hội do quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh mang lại.

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam. Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Đầu tiên, tài chính số và xanh thực sự là rào cản với họ. Dù tài chính số đã mở ra nhiều cơ hội để tiếp cận nhưng chúng ta vẫn nhìn khoảng cách số, đặc biệt những quan ngại về an ninh mạng cản trở phụ nữ áp dụng công nghệ.

Việc hỗ trợ các doanh nghiệp giảm các chi phí để thực hiện chuyển đổi xanh thông qua các ưu đãi về thuế, tín dụng cũng là những yếu tố quan trọng để chuyển đổi thành công.

Bên cạnh đó, định kiến và phân biệt giới làm hạn chế tham vọng kinh doanh và khát vọng của phụ nữ. Các nữ doanh nhân vẫn chịu sự phân biệt trong tiếp cận kinh doanh, cơ hội kết nối, tiếp cận các nguồn lực trong chuyển đổi kép.

Đặc biệt, theo bà Pauline Tamesis, việc thiếu các kỹ năng số, khả năng tiếp cận công nghệ để phát triển khiến cho các nữ doanh nhân nhất là những phụ nữ ở nông thôn gặp nhiều bất lợi.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra một số “rào cản” đối với doanh nghiệp do nữ làm chủ trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Đầu tiên là nguồn vốn, bà Thuỷ cho rằng hiện Việt Nam chỉ có khoảng 3 - 5% là doanh nghiệp có quy mô lớn, có nguồn lực sẵn sàng để chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Còn lại 95 - 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô vốn bình quân từ 10 - 20 tỷ đồng, do đó nguồn vốn cho vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là rào cản vô cùng lớn. Trong khi đó, chúng ta chưa có chính sách rõ ràng về tiêu chí xanh, dự án xanh cho ngân hàng giải ngân.

Vấn đề nhân sự cũng khiến doanh nghiệp nữ lúng túng. Theo bà Thuỷ, có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đi lên từ hộ gia đình, nên khó để chuyển đổi số vì thiếu đội ngũ nhân lực am hiểu về công nghệ.

THÚC ĐẨY SÁNG KIẾN TƯ NHÂN VÀ HỖ TRỢ TỪ CHÍNH PHỦ

Đồng hành cùng doanh nhân nữ trong chuyển đổi kép, bà Pauline Tamesis cho rằng Việt Nam cần xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp và các bên liên quan để đảm bảo sự sẵn sàng cho chuyển đổi xanh.

Cùng với đó, cần có cơ sở hạ tầng số toàn diện đặc biệt là một hệ sinh thái xanh hỗ trợ để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế số và xanh. Điều này gắn với việc kết nối Internet đáng tin cậy, giá cả phải chăng cùng với các công cụ, chính sách để hỗ trợ phát triển kinh tế xanh.

Vượt qua thách thức, doanh nhân nữ sẽ làm chủ trong tiến trình chuyển đổi kép - Ảnh 1

Chúng ta cần một cách tiếp cận đa diện bao gồm các chính sách quốc gia, không chỉ với doanh nhân nữ mà cần phải có một tiếp cận từ góc độ chính sách Chính phủ, từ chính các sáng kiến của doanh nghiệp, sự hỗ trợ của các bộ ngành.

“Cần thúc đẩy sáng kiến tư nhân và hỗ trợ từ Chính phủ để giải quyết những thách thức này. Việc trao quyền cho các nữ doanh nhân, thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh của mình”, bà Pauline Tamesis nhấn mạnh.

Ông Michael R. DiGregorio, Trưởng Đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam thừa nhận, chuyển đổi kép không có gì dễ dàng. Công nghệ thông tin, công nghệ số, các thông tin có sẵn trên Internet, cơ hội hợp tác từ xa đã có, khả năng quản lý tài chính xuyên biên giới. Hay công nghệ cho phép theo dõi thời gian thực về các điều kiện như trang trại, khí thải nhà máy điện, chất lượng không khí… Đây là những công cụ trong hộp công cụ kinh tế xanh của chúng ta.

“Hãy tưởng tượng thế giới tươi đẹp mà chúng ta muốn có cho con - cháu của chúng ta. Do đó hãy làm việc với nhau để hướng tới sự thay đổi. Đừng ngần ngại mà hãy hành động”, ông Michael R. DiGregorio nhắn nhủ cộng đồng doanh nhân nữ Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng, Việt Nam đang có nhiều cơ hội lớn từ chuyển đổi kép. Đó là những thành tựu to lớn mà đất nước đã đạt được sau 40 năm đổi mới. Đây là nền tảng quan trọng để tích luỹ và tạo sự phát triển bứt phá trong thời gian tới.

Hiện nay quy mô của nền kinh tế sang năm 2023 đã tăng gấp 96 lần so với năm 1986, đứng thứ 34 trong các nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới về quy mô thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài… đây là những nền tảng quan trọng để tận dụng cơ hội trong giai đoạn hiện nay.

Lợi thế nữa là chúng ta đang triển khai rất hiệu quả đường lối đối ngoại đúng đắn mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra. Đó là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá đa dạng hoá, là bạn và đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Điều đó đã tạo ra cho chúng ta một cục diện đối ngoại hoà bình, ổn định thuận lợi cho sự phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một nước đang phát triển, đi sau trong quá trình chuyển đổi kép nên có cơ hội nắm bắt, đón đầu để phát triển vượt bậc. Cùng với nguồn nhân lực dồi dào trong đó có sự đóng góp quan trọng của lao động nữ và doanh nhân nữ.

Cùng với những thuận lợi, doanh nghiệp nữ vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với bản lĩnh kiên cường của phụ nữ Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao tin tưởng doanh nhân nữ Việt Nam sẽ sẵn sàng đối mặt, vượt qua thử thách, biến thách thức thành cơ hội để phát triển trong kỷ nguyên chuyển đổi kép.

Trong bối cảnh này, theo bà Hằng để thành công cần có tư duy phát triển và cách tiếp cận mới. Doanh nhân nữ cần chủ động trong đổi mới tư duy, nắm bắt công nghệ tri thức mới để chủ động trong tiến trình chuyển đổi kép.

Xem bản gốc