(Xây dựng) – Ngày 17/12, tại thành phố Quy Nhơn, Hội Khoa học gặp gỡ Việt Nam và Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tổ chức “Hội thảo khoa học Hiển vi Việt Nam 2024” (VWM-2024). Hội thảo quy tụ gần 60 nhà khoa học, nhà nghiên cứu trẻ và nghiên cứu sinh từ gần 20 trường đại học, đơn vị nghiên cứu trong nước và các nhà khoa học hiển vi Việt Nam ở nước ngoài tham dự.
PGS.TS Trần Quang Huy, Trưởng Ban tổ chức VWM-2024 chia sẻ tại Hội thảo. |
Các chủ đề chính của “Hội thảo khoa học Hiển vi Việt Nam 2024” (VWM-2024) bao gồm các kỹ thuật xử lý hình ảnh hiển vi tiên tiến như hiển vi huỳnh quang, hiển vi đồng tiêu, TEM, SEM, hiển vi điện tử lạnh (Cryo-EM), nhiễu xạ tán xạ điện tử ngược (EBSD), AFM và xử lý ảnh hiển vi; ứng dụng kỹ thuật hiển vi trong khoa học sự sống và khoa học vật liệu; Những tiến bộ trong kỹ thuật và công nghệ hiển vi.
PGS.TS Trần Quang Huy, Trưởng Ban tổ chức VWM-2024, trường Đại học Phenikaa cho biết: “Chúng ta không thể khám phá được những gì đang thực sự diễn ra ở thế giới siêu vi mô như tương tác giữa các đại phân tử hay cấu trúc nano nếu không có sự hỗ trợ của các thiết bị nghiên cứu hiện đại như các dòng kính hiển vi tiên tiến. Trên thế giới, trong khu vực và rất nhiều nước đều có những hiệp hội hay hội khoa học hiển vi, họ thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo để chia sẻ những khám phá cũng như kinh nghiệm nghiên cứu từ các thiết bị hiển vi tiên tiến”.
“Hơn 20 năm qua, Việt Nam chưa tổ chức được hội thảo khoa học hay khóa đào tạo nào về hiển vi và VWM-2024 là cơ hội để các nhà khoa học hiển vi Việt Nam và thế hệ trẻ gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về những khám phá của mình trong lĩnh vực khoa học sự sống và khoa học vật liệu”, PGS.TS Trần Quang Huy cho hay.
Quang cảnh Hội thảo. |
Được biết, kính hiển vi là một trong những phát minh quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của khoa học và công nghệ. Nhờ kính hiển vi, con người có thể khám phá thế giới vi mô và siêu vi mô mà mắt thường không thể quan sát được. Ngày nay, kính hiển vi trở thành công cụ không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực như khoa học sự sống, y học, công nghệ kỹ thuật, khoa học vật liệu và công nghệ nano.
Trong khoa học sự sống, kính hiển vi giúp quan sát hình thái, cấu trúc tế bào và nghiên cứu sự tương tác giữa các tác nhân gây bệnh như nấm, vi khuẩn, virus với tế bào, đồng thời phân tích đặc tính của từng phân tử. Trong y học, kính hiển vi hỗ trợ chẩn đoán các bất thường trong tế bào và phát hiện mầm bệnh. Trong công nghệ và kỹ thuật, kính hiển vi giúp phát hiện các khiếm khuyết siêu nhỏ trong linh kiện điện tử và bộ phận máy móc để sửa chữa và cải tiến. Trong khoa học vật liệu, kính hiển vi được sử dụng để quan sát cấu trúc, kích thước và tính chất của mẫu, giúp tối ưu hóa quy trình chế tạo cho các ứng dụng cụ thể.
Tại Việt Nam, kính hiển vi được sử dụng rộng rãi trong bệnh viện, trường học, viện nghiên cứu và nhà máy. Các loại kính hiển vi tiên tiến như kính hiển vi đồng tiêu, kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM) hoặc kính hiển vi quét (SEM) và kính hiển vi lực nguyên tử (AFM) đã được trang bị. Tuy nhiên, phần lớn người sử dụng vẫn tự học hoặc được đào tạo cơ bản từ nhà cung cấp, chưa có nhiều chương trình đào tạo chính quy về kỹ thuật hiển vi. Điều này dẫn đến việc khai thác các tính năng của kính hiển vi còn hạn chế. Bên cạnh đó, cộng đồng người sử dụng kính hiển vi chưa được kết nối chặt chẽ để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm.
PGS.TS Trần Quang Huy kỳ vọng, VWM-2024 sẽ là điểm khởi đầu để hình thành một cộng đồng các nhà khoa học hiển vi Việt Nam trong và ngoài nước góp phần thúc đẩy nền khoa học và công nghệ trong nước trong những năm tới.
Dự kiến, Hội thảo khoa học Hiển vi Việt Nam 2024 sẽ kết thúc vào ngày 20/12 tới.