(Xây dựng) – UBND tỉnh Quảng Trị vừa có văn bản trình Bộ Xây dựng về việc lấy ý kiến thống nhất về Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đến năm 2045. Mục tiêu nhằm xây dựng thị xã thành trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch phía Nam của tỉnh; phát triển thành đô thị thông minh, đô thị sinh thái, hướng đến đô thị vì hòa bình...
Thị xã Quảng Trị nhìn từ trên cao. |
Theo đó, mục tiêu của đồ án là cụ thể hóa các quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành; xây dựng và phát triển thị xã Quảng Trị đến năm 2030 cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III; đến năm 2040 đạt các tiêu chí đô thị loại III gắn mở rộng địa giới hành chính; xây dựng thị xã Quảng Trị thành trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch phía Nam của tỉnh; phát triển thành đô thị thông minh, đô thị sinh thái, hướng đến đô thị vì hòa bình. Đồng thời, làm cơ sở cho việc lập chương trình phát triển đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và dự án đầu tư xây dựng.
Tổng diện tích tự nhiên quy hoạch sử dụng đất cho các giai đoạn trên 7.282ha, bao gồm diện tích khu vực nội thị và diện tích khu vực ngoại thị. Hướng phát triển đô thị, đó là phát triển đô thị thành đô thị thông minh, đô thị sinh thái, hướng đến đô thị vì hòa bình. Trọng tâm là phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp; cải tạo, chỉnh trang khu trung tâm, phát triển mở rộng không gian đô thị về phía Nam (xã Hải Lệ) với định hướng đô thị sinh thái và làng sinh thái ngoại ô. Khu vực phía Tây (phường An Đôn) phát triển đô thị đa chức năng gắn với Khu tưởng niệm bờ Bắc sông Thạch Hãn và trung tâm phường.
Phân khu chức năng đô thị, gồm các phân khu: Phân khu 1 là khu vực phát triển đô thị gắn với di tích lịch sử và các địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972. Đây là khu phát triển đô thị đa chức năng, mật độ trung bình và thấp, ít sôi động,... gắn với di tích Thành cổ Quảng Trị và các địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, cảnh quan hai bên bờ sông Thạch Hãn đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ, du lịch và nâng cấp hoàn thiện các chỉ tiêu về đô thị.
Phân khu 2 là khu vực mở rộng nhằm phát triển đô thị sinh thái mật độ trung bình và thấp, sôi động; khai thác trục đường Hùng Vương kéo dài và trục đường nối Trần Hưng Đạo lên xã Hải Lệ, công viên Hòa Bình và cảnh quan hai bờ sông Thạch Hãn, hồ Tích Tường, hồ Bàu Trong để phát triển hạ tầng xã hội đô thị, du lịch nghỉ dưỡng... phục vụ du khách và dân cư đô thị.
Phân khu 3 là khu vực thôn Như Lệ về phía Nam, có chức năng phát triển làng sinh thái ngoại ô mật độ thấp, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp công nghệ cao, du lịch sinh thái gắn với cảnh quan sông Thạch Hãn, hồ Đập Trấm, khu công nghiệp, bảo tồn phát triển hệ sinh thái rừng tự nhiên kết hợp du lịch dưới tán rừng.
Di tích đặc biệt quốc gia Thành cổ Quảng Trị. |
Cùng với đó, đồ án cũng nêu rõ về công tác thiết kế đô thị và quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật phân vùng cảnh quan. Điều đáng lưu ý đó là quy hoạch vùng cảnh quan khu trung tâm sẽ tiến hành khoanh vùng, bảo vệ Di tích đặc biệt quốc gia Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 (Thành cổ Quảng Trị; tháp chuông Thành cổ; bến thả hoa, đền tưởng niệm và tượng đài tại bờ Bắc; trường Bồ Đề; quảng trường Giải phóng; bến thả hoa, nhà hành lễ ở bờ Nam; nhà thờ Trí Bưu). Tổ chức cảnh quan khu tưởng niệm, quảng trường, công viên cây xanh, cảnh quan bờ sông Thạch Hãn và cầu cảnh quan qua sông Thạch Hãn. Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng tiêu chí đô thị loại V theo Quy chuẩn QCVN 01:2021/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng và Quy chuẩn QCVN 07:2023/BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Sau khi Bộ Xây dựng xem xét, có ý kiến thống nhất với Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đến năm 2045, thì UBND tỉnh sẽ tiến hành phê duyệt quy hoạch theo đúng quy định.
Thị xã Quảng Trị là đô thị trung tâm phía Nam của tỉnh, một miền quê có bề dày truyền thống cách mạng, văn hóa, lịch sử của 215 năm lỵ sở của tỉnh Quảng Trị (1809 - 2024); có Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, tri ân các anh hùng liệt sỹ và thu hút khách du lịch tham quan… Với tầm ý nghĩa quan trọng đó, việc tập trung mọi nguồn lực xây dựng thị xã Quảng Trị sớm trở thành đô thị loại III là hết sức cấp thiết, đáp ứng theo nguyện vọng của nhân dân.