Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm cung cấp tài năng công nghệ toàn cầu

Báo Tin tức 1 Tuần trước

FPT Techday 2024 - Diễn đàn công nghệ quốc tế thường niên lớn nhất Việt Nam do Tập đoàn FPT tổ chức diễn ra trong hai ngày 13 và 14/11 tại TP Hồ Chí Minh, thu hút gần 10.000 người đăng ký tham dự, bao gồm khoảng 500 doanh nghiệp lớn của thế giới, góp phần khẳng định thương hiệu và vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu.

Chú thích ảnh Trong hai ngày 13 và 14/11 đã diễn ra FPT Techday 2024 - Diễn đàn công nghệ quốc tế thường niên lớn nhất Việt Nam.

Với chủ đề “Future Now - Tương lai ở đây”, diễn đàn không chỉ thảo luận về AI như công nghệ chủ chốt của thế giới mà còn nêu bật vai trò của Việt Nam trong việc khai thác tiềm năng của AI để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội.

Việt Nam - điểm đến mới cho tài năng AI và công nghệ 

Tại diễn đàn, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình chia sẻ tầm nhìn về việc xây dựng Việt Nam như một trung tâm cung cấp tài năng công nghệ cho toàn cầu. Ông cho rằng, thế giới đang đối mặt với ba cuộc chuyển đổi lớn: Công nghệ, chuyển đổi xanh và trí tuệ nhân tạo. Trong bối cảnh đó, Việt Nam không chỉ là một điểm đến đầu tư an toàn mà còn đang đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và phát triển nguồn nhân lực công nghệ.

Chú thích ảnh Toàn cảnh diễn đàn "Future Now - Tương lai ở đây".

Bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch FPT Software, cũng cung cấp một minh chứng cụ thể: “Chỉ trong vòng 7 tháng, FPT đã xây dựng thành công đội ngũ 1.300 người để phục vụ cho một dự án với khách hàng Mỹ. Đây là kết quả của chiến lược phát triển nguồn nhân lực số bền vững, với sự chuẩn bị sẵn sàng về cả quy mô và chuyên môn, giúp Việt Nam trở thành một điểm đến đầy hứa hẹn cho nhân tài công nghệ trong khu vực”.

Việt Nam cũng đặt mục tiêu mở rộng đào tạo trong lĩnh vực bán dẫn, một trong những ngành công nghệ mũi nhọn đang phát triển nhanh chóng. Để đáp ứng nhu cầu sản xuất chip bán dẫn trên toàn cầu, Việt Nam đang nỗ lực tự chủ trong công nghệ chip “Make in Vietnam”, đặt mục tiêu đào tạo 10.000 kỹ sư bán dẫn vào năm 2030 và đã nhận được các đơn đặt hàng lên đến 70 triệu chip vào năm 2025. Những cam kết này không chỉ củng cố năng lực công nghệ của Việt Nam mà còn thúc đẩy vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu.

Chú thích ảnh Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT chia sẻ tại diễn đàn.

Ông Trương Gia Bình nhấn mạnh: “Dữ liệu là tài sản của tương lai và AI chính là công cụ để biến dữ liệu thành tiền”. Thực tế cho thấy, trong đại dịch COVID-19, FPT đã giành được hợp đồng lớn tại Mỹ nhờ ứng dụng AI để tối ưu hóa quy trình và giảm chi phí cho khách hàng trong ngành vận tải. Theo ông, AI có thể giúp tiết kiệm lên đến 60% chi phí trong giai đoạn triển khai và nâng cao hiệu suất ở nhiều công đoạn vận hành. Trường hợp này minh chứng rằng, AI không chỉ là công cụ tự động hóa mà còn là phương tiện để khai thác giá trị kinh tế từ dữ liệu, mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh doanh và tối ưu hóa vận hành.

Ông Dennis Ang, Giám đốc Kinh doanh cấp cao khu vực châu Á, Úc và New Zealand của Nvidia cũng nhấn mạnh vai trò của các “nhà máy AI” (AI Factory), nền tảng giúp doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực thích ứng nhanh chóng với kỷ nguyên số. Vì thế, Nvidia đã phát triển hệ thống AI mạnh mẽ cho phép các công ty đào tạo và triển khai mô hình AI một cách hiệu quả.

Chú thích ảnh Bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch FPT Software chia sẻ về chiến lược phát triển nguồn nhân lực số.

 Ông Dennis Ang cho biết: “AI có thể giúp các doanh nghiệp giảm thiểu sai sót, tối ưu hóa quy trình và cải thiện năng suất với độ chính xác cao”. Một nhà sản xuất ở Bắc Mỹ đã sử dụng giải pháp AI của Nvidia để đạt độ chính xác 99% trong kiểm tra chất lượng sản phẩm, giúp rút ngắn thời gian kiểm tra từ 3 phút xuống còn 3 giây.

Bàn về một tương lai số, AI-first là một khái niệm mới và đang trở thành chiến lược của nhiều doanh nghiệp trên thế giới, giúp tăng cường năng lực cạnh tranh và tối ưu hóa nguồn lực. Ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud chia sẻ: “Trong tương lai, mỗi cá nhân sẽ được trang bị một 'đồng nghiệp AI' để hỗ trợ công việc hàng ngày, giúp tăng hiệu suất và giảm thời gian xử lý công việc". “AI-first” không chỉ dừng lại ở việc tự động hóa mà còn mang lại trải nghiệm dịch vụ thông minh và cá nhân hóa cho khách hàng.

Chú thích ảnh Các chuyên gia khai mạc Diễn đàn FPT Techday 2024.

Một minh chứng khác là ứng dụng AI trong lĩnh vực bảo hiểm, giúp quy trình xác nhận bảo hiểm được thực hiện chỉ trong 2 phút. Điều này không chỉ gia tăng trải nghiệm khách hàng mà còn giúp các công ty tiết kiệm thời gian và chi phí. Trong khi đó, các trung tâm dịch vụ khách hàng đang chuyển đổi từ call center thành service center với sự hỗ trợ của AI, giúp tăng doanh số lên đến 10%.

Việt Nam - Trung tâm công nghệ ô tô số và bán dẫn

Việt Nam không chỉ đang phát triển trong lĩnh vực AI mà còn hướng đến trở thành trung tâm công nghệ ô tô số và bán dẫn. Ông William Wei, Cố vấn công nghệ ô tô của FPT cho biết, tương lai của ngành ô tô sẽ là các phương tiện tự hành với nền tảng AI-first (AI-first SDV), trong đó AI sẽ là nền tảng hỗ trợ tự động hóa, cá nhân hóa và bảo mật dữ liệu người dùng.

Chú thích ảnh Lần đầu tiên khách tham dự được trực tiếp trải nghiệm công nghệ ô tô thông minh với sự hỗ trợ đắc lực của “trợ lái AI”.

Trong lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam không chỉ tham gia chuỗi cung ứng mà còn đang từng bước tự chủ công nghệ chip. Với sự tham gia của nhiều kỹ sư Việt Nam, các dự án thiết kế và sản xuất chip “Make in Vietnam” đang góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong ngành công nghệ cao, đồng thời củng cố mục tiêu đưa Việt Nam thành một trung tâm sản xuất và cung ứng chip toàn cầu.

AI không chỉ mở ra những tiềm năng mới mà còn tạo ra cuộc cạnh tranh mạnh mẽ trên toàn cầu. Ông Takuya Sakai, Giám đốc Hitachi HighTech nhấn mạnh rằng, các doanh nghiệp ngày nay phải nhanh chóng thích nghi với AI để không bị tụt hậu trong cuộc đua số. Để duy trì tính cạnh tranh, Hitachi HighTech đã hợp tác với FPT trong việc triển khai các dự án chuyển đổi số, giúp rút ngắn thời gian triển khai từ 8 tháng xuống còn 3 tháng nhờ sử dụng AI.

Chú thích ảnh Khách tham quan tìm hiểu các công nghệ AI tại khu trưng bày triển lãm của diễn đàn.

Tại PSA (Port of Singapore Authority), AI được ứng dụng để tự động hóa quy trình cảng và logistics, giúp tăng hiệu quả quản lý và giảm thiểu khí thải. PSA đã phát triển Megaport, cảng tự động hóa hoàn toàn lớn nhất thế giới, vận hành dựa trên AI, cho phép tối ưu hóa năng suất và đảm bảo tính bền vững trong vận hành.

Trong bối cảnh công nghệ số toàn cầu phát triển mạnh mẽ, Việt Nam nổi lên như một trung tâm mới đầy hứa hẹn cho tài năng và đầu tư trong lĩnh vực công nghệ. Với hệ thống giáo dục liên tục được cải tiến và các chính sách phát triển nhân lực công nghệ cao, Việt Nam đã xây dựng nền tảng vững chắc cho tương lai của ngành công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực AI và chuyển đổi số. 

Chú thích ảnh Khu trải nghiệm thực tế ảo.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khẳng định: “Việt Nam sẽ trở thành cái nôi tài năng công nghệ của thế giới”. Có thể thấy, Chính phủ Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, từ đào tạo kỹ năng số cho thế hệ trẻ đến khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ mới như AI, blockchain và công nghệ bán dẫn.

Trong một cuộc khảo sát gần đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam được đánh giá là điểm đến ổn định cho đầu tư công nghệ, nhờ vào môi trường chính trị ổn định và chính sách mở cửa cho các nhà đầu tư. Đây là lý do vì sao nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Nvidia, Intel và các công ty công nghệ từ Nhật Bản, Mỹ đã chọn Việt Nam làm nơi phát triển dự án, xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển nhân lực AI.

Chú thích ảnh Khu trưng bày các giải pháp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Việt Nam không chỉ thu hút các tập đoàn công nghệ với lực lượng lao động trẻ, năng động mà còn vì môi trường đầu tư cởi mở và cơ sở hạ tầng số ngày càng hoàn thiện. Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức lớn trong hành trình này, bao gồm việc cần nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, cải thiện môi trường pháp lý và đảm bảo an ninh mạng. 

Để có thể thu hút thêm các tập đoàn công nghệ lớn và giữ chân những tài năng hàng đầu, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một hệ sinh thái công nghệ bền vững với các chính sách hỗ trợ hợp lý, như miễn giảm thuế cho các dự án nghiên cứu và phát triển, cấp phép nhanh cho các doanh nghiệp công nghệ cao và tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ.

Chú thích ảnh Ông Dennis Ang đến từ Nvidia cũng nhấn mạnh vai trò của các “nhà máy AI”.

Với những bước tiến vượt bậc trong việc phát triển và ứng dụng AI, Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ công nghệ thế giới. Những nỗ lực trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, kết hợp với việc tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, đang biến Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các dự án công nghệ hàng đầu.

Các chuyên gia tại FPT Techday 2024 đều nhận định rằng, nếu Việt Nam tiếp tục duy trì đà phát triển, quốc gia Đông Nam Á này sẽ sớm trở thành “thung lũng Silicon” của châu Á, nơi cung cấp không chỉ dịch vụ mà còn các giải pháp công nghệ tiên tiến cho toàn cầu. Trong bối cảnh đó, AI không chỉ mang đến cơ hội phát triển bền vững cho Việt Nam mà còn thúc đẩy đổi mới toàn cầu, định hình một tương lai số hóa cho mọi người.

Xem bản gốc