Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Xô đổ mọi kỷ lục, nền kinh tế Việt Nam sẽ ghi nhận điều chưa từng có

Nhịp sống kinh doanh 3 Giờ trước
Ảnh minh họa bởi AI.

Theo số liệu báo cáo của Tổng Cục Hải quan, tính đến hết ngày 14/12, tổng giá trị xuất nhập khẩu cả nước đạt 745,38 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đạt 384,4 tỷ USD, tăng 14,5% và nhập khẩu đạt 361 tỷ USD, tăng 16,3% so với năm ngoái.

Tổng cục Hải quan cho biết: "Dự báo tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cả năm 2024 có thể đạt khoảng 782,33 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Xuất siêu ước đạt 23,53 tỷ USD".

Trước đó, năm 2022, Việt Nam ghi nhận mức kim ngạch xuất nhập khẩu kỷ lục là 732 tỷ USD. Với mốc kỷ lục dự kiến đạt được trong năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tăng hơn 2 lần trong 10 năm.

san-xuat-chip-cua-viet-nam-co-quoc-ky-viet-nam-1734497742867280430778.png

Mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện sẽ là mặt hàng đầu tiên của Việt Nam đạt giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu trên 100 tỷ USD. Ảnh minh họa bởi AI.

Tính đến 14/12, Việt Nam xuất siêu ước đạt trên 23,5 tỷ USD, thặng dư hơn 23,4 tỷ USD. Số này thấp hơn gần 2,3 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu của Tổng cục Thống kê, tính tới cuối tháng 11, có 36 mặt hàng của Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94% tổng kim ngạch xuất khẩu trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD (chiếm 66,5%).

Ở chiều ngược lại, 44 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm 93% tổng kim ngạch nhập khẩu trong đó có 5 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD (chiếm 51%).

Mặt hàng điện tử, máy tính và linh kiện với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 163 tỷ USD. Đây sẽ là mặt hàng đầu tiên của Việt Nam đạt giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu trên 100 tỷ USD. Mặt hàng dẫn đầu về xuất siêu là điện thoại các loại và linh kiện, đạt 41 tỷ USD.

Về thị trường xuất nhập khẩu, Trung Quốc là thị trường có quan hệ thương mại hai chiều lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng qua với ước tính sơ bộ đạt 185 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là Mỹ, ASEAN, Hàn Quốc, EU, Nhật Bản.

Về vấn đề thu ngân sách Nhà nước, năm nay, Quốc hội giao dự toán thu ngân sách Nhà nước từ xuất nhập khẩu là 375.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến giữa tháng 12 năm nay, thu ngân sách từ hoạt động này khoảng 402.680 tỷ đồng, vượt trên 7% dự toán.

Theo ước tính, số thu cả năm có thể vượt 11,5 - 12%, tương đương 418.000 - 420.000 tỷ đồng. Con số này vượt 12% so với dự toán được giao, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

saurieng-17201497188471972864991-1734496581480112026103.jpeg

Sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Bàn về triển vọng của hoạt động xuất khẩu, Bộ Công Thương nhận định, trong năm 2025, hoạt động xuất khẩu dự báo có nhiều thuận lợi và dư địa tăng trưởng. Cùng với đó, sự phục hồi của các thị trường lớn như Mỹ, EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng và dệt may.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng khoảng 6% so với năm 2024. Để thực hiện được điều này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi thông tin kịp thời cho các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, triển khai đa dạng các hình thức cả trực tiếp và trực tuyến để giới thiệu các lợi thế, ưu đãi từ các FTA đã thực thi, từ đó, tận dụng tốt cơ hội từ các FTA. Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, phát triển hoạt động thương mại biên giới bền vững thông qua thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch...

Xem bản gốc