Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Xuất hiện chiêu lừa đảo mới được che giấu rất kỹ, 3.000 nạn nhân vẫn không biết gì sau khi bị lừa, bí mật về 200 tỷ đồng bị phanh phui

Markettimes 4 Giờ trước

Theo Cục Công an quận Hailing, thành phố Dương Giang (Trung Quốc), gần đây, cảnh sát Lan Châu đã công khai thu thập manh mối về một vụ lừa đảo đầu tư điện ảnh, liên quan đến 4 công ty và 12 bộ phim. Hình thức lừa đảo này được che giấu rất kỹ, nhiều nạn nhân sau khi bị lừa vẫn chưa hề hay biết.

Cụ thể, cảnh sát Lan Châu đã triệt phá một đường dây lừa đảo đầu tư phim do một đối tượng họ Lý cầm đầu. Băng nhóm này đã tinh vi sắp đặt kịch bản lừa đảo, dụ dỗ nhà đầu tư đổ tiền vào đầu tư, sau đó thổi phồng chi phí sản xuất phim và doanh thu phòng vé để lôi kéo họ đầu tư vào phim.

Thực tế, những đối tượng lừa đảo chỉ dùng một phần nhỏ số tiền để mua cổ phần từ nhà sản xuất phim, phần lớn số tiền còn lại bị phân tán vào nhiều tài khoản ngân hàng để nhóm tội phạm chiếm đoạt và tiêu xài.

Với sự phối hợp của nhiều cơ quan công an trên khắp Trung Quốc, lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều ổ nhóm tại Bắc Kinh, Thâm Quyến, Đông Quan…, thu giữ nhiều máy tính, điện thoại, hợp đồng giả và kịch bản lừa đảo. Các nghi phạm chính trong vụ án đã bị bắt giữ.

Hiện tại, vụ án đã được chuyển sang viện kiểm sát để truy tố, với 45 bị can bị truy tố và xác định có hơn 3.000 nạn nhân, tổng số tiền lừa đảo lên tới hơn 6,5 tỷ NDT (khoảng 22.720 tỷ đồng).

Theo Cảnh sát Hình sự số 3, Cục Công an thành phố Lan Châu, băng nhóm này đã nắm giữ cổ phần chéo giữa bốn công ty và bắt đầu lừa đảo từ năm 2019. Một số nạn nhân bị lừa số tiền lên tới hơn 60 triệu NDT (khoảng 200 tỷ đồng).

Cảnh sát cho biết, đây là một vụ án lừa đảo tinh vi, sử dụng các phương thức mới trong lĩnh vực đầu tư và kinh doanh phim ảnh.

Theo lời khai của Lý, băng nhóm này thuê công ty tiếp thị để thu hút nạn nhân. Đầu tiên, họ cài người vào các nhóm đầu tư chứng khoán trên WeChat, QQ, đóng vai "chuyên gia tư vấn chứng khoán" để tư vấn cho nhà đầu tư. Những cổ phiếu mà chúng khuyến nghị luôn tăng giá vào ngày hôm sau, thậm chí tăng liên tiếp trong vài ngày để tạo lòng tin.

Sau đó, chúng viện cớ thị trường chứng khoán suy giảm, lợi nhuận thấp và rủi ro cao để lôi kéo nhà đầu tư chuyển sang đầu tư phim. Những "chuyên gia" này tự nhận có quan hệ rộng trong ngành điện ảnh, hứa hẹn lợi nhuận gấp nhiều lần sau khi phim phát hành, đồng thời thổi phồng chi phí sản xuất phim. Để tạo niềm tin, chúng tổ chức các chuyến tham quan tới các công ty phim ảnh lớn ở Bắc Kinh, nhưng chỉ cho nạn nhân chụp ảnh bên ngoài.

“Ví dụ, một bộ phim thực tế chỉ cần 40 triệu NDT để sản xuất, nhóm lừa đảo chỉ mua một phần nhỏ cổ phần của phim. Nhưng khi ký hợp đồng với nạn nhân, chúng thổi phồng tổng vốn đầu tư lên gấp nhiều lần để lừa đảo", cảnh sát cho biết.

Lý khai rằng, với một bộ phim cụ thể, công ty của hắn đầu tư 22,1 triệu NDT để mua 45% cổ phần. Nhưng khi quảng bá cho nhà đầu tư, hắn tuyên bố tổng vốn đầu tư lên tới 2,2 tỷ NDT và huy động tiền từ 670 người. Chỉ một phần nhỏ số tiền này được dùng để mua cổ phần từ nhà sản xuất phim, phần còn lại bị chiếm đoạt.

Một trong những nạn nhân là bà Lâm ở Lan Châu, người đã đầu tư 1,2 triệu NDT vào một bộ phim. “Họ nói rằng phim có diễn viên nổi tiếng đóng, doanh thu phòng vé dự kiến đạt 700 triệu NDT, tôi có thể thu về 4 triệu NDT. Nhưng khi phim ra rạp, doanh thu chưa đến 1 triệu NDT”.

Không giống như các vụ lừa đảo thông thường, vụ này có tính thuyết phục rất cao: các dự án phim mà nhà đầu tư rót tiền vào thực sự tồn tại, thậm chí một số đã phát hành. Công ty mà nhóm lừa đảo sở hữu cũng là công ty hợp pháp, hợp đồng ký với nhà sản xuất phim là thật. Tuy nhiên, số vốn đầu tư mà chúng khai với nhà đầu tư bị nâng khống quá cao, dẫn đến hành vi lừa đảo.

Theo ông Hạ Đông, Phó trưởng Công an quận Thành Quan, vụ án này rất khó phát hiện vì nhiều nạn nhân không nhận ra mình bị lừa mà tưởng rằng chỉ là đầu tư thất bại. Trên toàn quốc, số người chủ động trình báo công an chưa đến 100 người.

Ông Hạ Đông cho biết, bước tiếp theo, cảnh sát sẽ tiếp tục truy tìm tài sản của các nghi phạm, điều tra từng khoản tiền lớn bị rút khỏi tài khoản ngân hàng để thu hồi tiền cho nạn nhân.

Theo China Judgments Online, các vụ lừa đảo đầu tư phim không phải là hiếm. Tại Quý Dương, Quý Châu, Trung Quốc, một nhóm tội phạm đã quảng bá dự án đầu tư phim giả "Bigo Film" qua WeChat, dụ nạn nhân tải ứng dụng và đầu tư vào các sản phẩm tài chính ảo liên quan đến bản quyền phim. Ban đầu, chúng cho nhà đầu tư hưởng lợi nhuận cao, sau đó đột ngột đóng ứng dụng, khiến nạn nhân mất toàn bộ tiền.

Xem bản gốc