Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Xuất khẩu cà phê lập kỷ lục mới ngay trong 9 tháng năm 2024

Vneconomy 1 Tháng trước

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 9/2024, xuất khẩu cà phê đem về gần 370 triệu USD. Luỹ kế 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 1,12 triệu tấn cà phê, giá trị đạt 4,37 tỷ USD; so với cùng kỳ năm trước, giảm 10,5% về khối lượng xuất khẩu, nhưng tăng 39,6% về giá trị.

GIÁ CÀ PHÊ TĂNG CAO DO THIẾU HỤT NGUỒN CUNG

Trước đó, năm 2023, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,62 triệu tấn, giảm 8,7% so với năm 2022; nhưng giá trị đạt mức cao kỷ lục hơn 4,24 tỷ USD, tăng 4,6% so với năm 2022. Như vậy, với kết quả 9 tháng của năm 2024, xuất khẩu cà phê đã vượt cả năm 2023, và thiết lập mốc kỷ lục mới.

Cà phê trở thành sản phẩm nông sản có giá tăng mạnh nhất trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tháng 9/2024, giá cà phê xuất khẩu bình quân đạt 5.469 USD/tấn - mức cao nhất từ trước đến nay. Tính chung 9 tháng, mỗi tấn cà phê xuất khẩu bình quân đạt 3.897 USD một tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Dự báo, xuất khẩu cà phê cả năm 2024 sẽ thiết lập mốc kỷ lục 5 tỷ USD, có thể đạt mốc 5,5 tỷ USD".

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA), yếu tố quan trọng nhất dẫn đến giá cà phê tăng cao đến từ nhu cầu sử dụng hạt cà phê Robusta trên thế giới đang tăng mạnh, trong khi nguồn cung lại giảm khiến giá cà phê này liên tục tăng mạnh lên mức kỷ lục. Trong khi, cà phê Robusta là loại cà phê chủ lực của Việt Nam khi chiếm tới 94% diện tích vùng trồng.

“Trước đây giá cà phê Robusta thường xuyên chỉ bằng 1/3 đến 1/2 cà phê Arabica. Tuy nhiên, thời gian vừa qua có lúc giá cà phê này vượt Arabica tới gần 1.000 USD/tấn, đây là hiện tượng chưa từng có từ trước tới nay. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung của cà phê Robusta bị giảm mạnh trước tác động của biến đổi khí hậu. Do đó, khi giá hạt cà phê Robusta tăng lên cao nhất từ trước tới nay, thị trường xuất khẩu cà phê Việt Nam cũng được hưởng lợi. Thực tế cho thấy, dù sản lượng xuất khẩu giảm nhưng kim ngạch lại tăng ", ông Hải phân tích.

Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam dự báo trong thời gian tới giá cà phê có thể sẽ còn tiếp tục tăng bởi nguồn cung trên thế giới ngày càng giảm do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết. Dự báo niên vụ 2024-2025, Việt Nam đối mặt nhiều thách thức do điều kiện thời tiết không thuận lợi, đặc biệt là hiện tượng El Nino gây khô hạn và tình trạng sâu bệnh. Sản lượng cà phê dự kiến giảm 5-15% so với niên vụ trước, khiến tổng sản lượng tiếp tục đi xuống.

NHU CẦU CÀ PHÊ ĐƯỢC CHỨNG NHẬN BỀN VỮNG SẼ TĂNG VỌT

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã bước vào niên vụ cà phê 2024-2025 (từ tháng 10/2024 đến tháng 9/2025). Trong 5 ngày đầu tháng 10/2024, giá cà phê tại Tây Nguyên đang có xu hướng giảm so với cuối tháng 9/2024. Tương tự, giá cà phê trên các sàn giao dịch thế giới cũng có xu hướng điều chỉnh giảm nhẹ. Tổng cộng giá cà phê trên thị trường thế giới đã giảm 415 USD/tấn tính trong tuần đầu của tháng 10/2024.

Theo các chuyên gia, giá cà phê giảm trong những ngày đầu tháng 10/2024 là do Ủy ban châu Âu (EC) vừa đề xuất hoãn 01 năm việc thực hiện quy định cấm nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến phá rừng (EUDR).

Trong những tháng gần đây, vì lo ngại nhiều lô hàng cà phê không đáp ứng được EUDR, các nhà nhập khẩu EU đã đẩy mạnh thu mua cà phê từ các nước sản xuất trước thời điểm quy định này có hiệu lực (1/1/2025), khiến cho giá cà phê tăng mạnh.

Tuy nhiên, cách đây vài ngày, EC công bố tạm hoãn thời gian thực thi EUDR. Việc hoãn thực hiện EUDR sẽ khiến cho áp lực giao cà phê sang EU trong tháng 11 giảm xuống, dẫn tới giá cà phê trên các sàn giao dịch giảm. Điều này tác động tới giá cà phê ở các nước sản xuất chính, trong đó có Việt Nam.

"Trong tương lai, muốn giữ được thị trường, sản xuất cà phê cần phải đáp ứng các tiêu chí kinh tế, môi trường và xã hội. Do đó, nhu cầu về cà phê được chứng nhận dự kiến ​​sẽ tăng vọt trong tương lai gần do những yếu tố ảnh hưởng này".

Báo cáo Thị trường cà phê toàn cầu của Mordor Intelligence.

Tại thị trường trong nước, tuy đã giảm so với cuối tháng 9/2024, nhưng giá cà phê hiện tại vẫn đang ở mức cao gấp gần 2 lần so với tháng 10/2023. Như vậy, đây là niên vụ cà phê đầu tiên ở Việt Nam mà giá đầu niên vụ ở mức hơn 100.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, một điểm bất ngờ là, giá cà phê chỉ giảm nhẹ trong 5 ngày đầu tiên của tháng 10/2024, nhưng ngày 6 và 7/10/2024, giá cà phê trong nước đã lại bật tăng mạnh mẽ. Hôm nay (7/10/2024), giá cà phê trong nước tăng 1.600 đồng/kg so với ngày 6/10, nằm trong khoảng 115.500 - 116.200 đồng/kg.

Hiện giá mua cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 116.200 đồng/kg, giá mua cao nhất tại tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông là 116.200 đồng/kg. Các chuyên gia nhận định, giá cà phê thế giới sẽ trở lại đà tăng trong những tháng cuối năm, do nguồn cung vẫn thiếu hụt so với nhu cầu.

Báo cáo Thị trường cà phê toàn cầu của Mordor Intelligence nhận định: Quy mô thị trường cà phê toàn cầu ước tính đạt 132,13 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến ​​sẽ đạt 166,39 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 4,72% trong giai đoạn dự báo (2024-2029).

Thị trường cà phê đang phát triển do văn hóa tiêu thụ cà phê như một thức uống giải khát ngày càng tăng trong giới trẻ, đặc biệt là ở Ấn Độ, Ý, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Philippines.

Ngoài ra, thu nhập khả dụng ngày càng tăng cùng với quá trình đô thị hóa là yếu tố chính góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường cà phê. Mặt khác, nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau của việc tiêu thụ cà phê, chẳng hạn như giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, đốt cháy chất béo và hấp thụ năng lượng cao từ lượng caffeine tăng vọt, cũng đang thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường.

Theo Mordor Intelligence, thị hiếu tiêu dùng cà phê trên thế giới đang có sự thay đổi, nên các nhà sản xuất cà phê cần nắm bắt được sự thay đổi này. Người tiêu dùng đang chuyển sang sử dụng cà phê hữu cơ để duy trì lối sống lành mạnh. Do đó, những người chơi chủ chốt tham gia vào việc đổi mới sản phẩm để duy trì chỗ đứng vững chắc hơn trên thị trường.

Ngoài ra, các yếu tố quan trọng khác thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường là lối sống bận rộn, dẫn đến việc các chuỗi cà phê trở nên phổ biến hơn đối với những khách hàng thưởng thức cà phê khi đang di chuyển.

Trong tương lai, muốn giữ được thị trường, sản xuất cà phê cần phải đáp ứng các tiêu chí kinh tế, môi trường và xã hội, được xác nhận độc lập bởi các bên thứ ba được công nhận, được gọi là cà phê bền vững. Các tổ chức chứng nhận khác nhau, chẳng hạn như Chứng nhận UTZ, Chứng nhận Thương mại Công bằng, Chứng nhận Rainforest Alliance và Chứng nhận Hữu cơ USDA, sẽ xem xét kỹ lưỡng các phương pháp sản xuất và chuỗi cung ứng. Do đó, nhu cầu về cà phê được chứng nhận dự kiến ​​sẽ tăng vọt trong tương lai gần do những yếu tố ảnh hưởng này.

Xem bản gốc