Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sắp hoàn thành mục tiêu dù chưa hết năm

Vneconomy 3 Tuần trước

Chia sẻ thông tin với báo chí, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong tháng 10/2024 ước tính đạt hơn 5,9 tỷ USD. Tính chung 10 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản ước đạt 51,74  tỷ USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2023.

TĂNG TRƯỞNG MẠNH Ở HẦU HẾT CÁC THỊ TRƯỜNG

Châu Á là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thuỷ sản Việt Nam trong 10 tháng, với thị phần chiếm khoảng 48%. Hai thị trường lớn tiếp theo là châu Mỹ và châu Âu với thị phần lần lượt là 23,5% và 11,5%.

Xét ở cấp độ quốc gia, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu nông lâm thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sang Hoa Kỳ tăng gần 26%, sang Trung Quốc tăng hơn 11%, và sang Nhật Bản tăng gần 6%.

Trong 10 tháng, nhiều nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao như thủy sản tăng 12%; lâm sản tăng gần 20%; nông sản tăng gần 26%. Xuất khẩu gạo 10 tháng đạt gần 7,8 triệu tấn với 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi 10 tháng của năm 2024 đạt 423,5 triệu USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023. Một trong những điểm sáng là, xuất khẩu thức ăn chăn nuôi đạt 1,6 tỷ USD. Như vậy, ngành chăn nuôi cũng xuất khẩu được khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn rất lớn, khiến ngành chăn nuôi thâm hụt thương mại 2,64 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.

“Xét về cán cân thương mại, nhóm lâm sản ước đạt thặng dư 11,75 tỷ USD, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm 2023; nhóm thủy sản thặng dư 6,21 tỷ USD, tăng hơn 17% và nhóm nông sản thặng dư 4,67 tỷ USD, tăng 4,2 lần.

Đến thời điểm này, đang có 6 mặt hàng nông lâm thuỷ sản có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD: gỗ và sản phẩm gỗ thặng dư 10,91 tỷ USD (tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước); hàng rau quả thặng dư 4,47 tỷ USD (tăng 39,6%); cà phê thặng dư 4,33 tỷ USD (tăng 38,5%); gạo thặng dư 3,68 tỷ USD (tăng 13,1%); tôm thặng dư 2,92 tỷ USD (tăng 21,7%) và cá tra thặng dư 1,54 tỷ USD (tăng 8,7%).

Trong khi đó, cán cân thương mại 3 nhóm hàng còn lại ở trạng thái thâm hụt: nhóm đầu vào sản xuất thâm hụt 4,75 tỷ USD; sản phẩm chăn nuôi thâm hụt 2,64 tỷ USD, và muối thâm hụt 24,6 triệu USD”.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

“Như vậy, mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 54-55 tỷ USD được đề ra từ đâu năm, chúng ta sẽ vượt qua ngay khi kết thúc tháng 11. Còn 2 tháng của năm 2024, nếu mỗi tháng xuất khẩu 5,5 tỷ USD thì xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 sẽ lập mốc 60 tỷ USD. Đây sẽ là năm có xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt cao nhất từ trước đến nay”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Việt Nam hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới về xuất khẩu nông sản. Thành công này đến từ nền tảng tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong nhiều thập kỷ qua, xây dựng được hệ thống thị trường ổn định và rộng mở. Năm 2024, với việc ký thêm 3 nghị định thư về sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu với Trung Quốc, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xúc tiến mạnh để xuất khẩu các sản phẩm này sang nước bạn.

Mới đây, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện, hiệp định thương mại tự do đầu tiên của Việt Nam với một nước Arab. Việc tăng cường hợp tác với khu vực Trung Đông cũng giúp Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Halal, nơi có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm lớn và phân khúc thị trường cao cấp.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng xuất khẩu vào thị trường Halal sẽ không dễ dàng, vì đây là thị trường đòi hỏi rất cao mà các quốc gia lại không thừa nhận chứng nhận Halal lẫn nhau. Thời gian vừa qua, ngành đã có nhiều sản phẩm được xuất khẩu sang Halal, đó là thuốc, vaccine thú y, thịt gà của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam… Tập đoàn De Heus Dehus cũng sẽ có sản phẩm thịt gà trong thời gian sớm nhất sang thị trường này. Nếu từng bước chinh phục được thị trường Halal, giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ lớn hơn rất nhiều so với hiện nay.

THÀNH CÔNG KHÔI PHỤC SẢN XUẤT SAU BÃO LŨ

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Ước tính thiệt hại do bão và hoàn lưu bão khoảng 81.500 tỷ đồng, riêng ngành nông nghiệp bị thiệt hại khoảng 30.800 tỷ đồng, chiếm 38%.

Thực hiện Công điện số 100/CĐ-TTg ngày 27/9/2024 và Công điện số 108/CĐTTg ngày 18/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ, ngành nông nghiệp đang nỗ lực khôi phục sản xuất và tăng tốc sản xuất tại các địa phương không bị ảnh hưởng.

Ngành lâm nghiệp đã huy động nguồn cây giống để phục hồi 17.000ha rừng bị thiệt hại. Cục Lâm nghiệp cũng sớm ban hành công văn số 1339/LN-PTR hướng dẫn địa phương khắc phục thiệt hại về rừng. Trong đó, địa phương chủ động rà soát các nguồn giống, khả năng cung ứng cây giống và nhu cầu sử dụng để lập phương án sản xuất, hỗ trợ cây giống trồng lại rừng.

Đối với trồng trọt, các doanh nghiệp cam kết không tăng giá bán giống, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ tối đa khôi phục sản xuất. Cục Trồng trọt cũng phối hợp với các doanh nghiệp khẩn trương cung cấp giống rau, giống lúa và vật tư cần thiết đến từng địa phương.

Trong lĩnh vực thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì hội nghị khôi phục sản xuất tại Hải Phòng sau khi khảo sát tình hình thiệt hại tại các tỉnh ven biển. Cục trưởng Cục Thú y và Thủy sản đã trực tiếp đến Vân Đồn để khảo sát, hỗ trợ bà con. Về chăn nuôi, các giống gia cầm như gà và thủy cầm đã được cung cấp kèm thức ăn để giúp bà con nông dân tái đàn nhanh chóng.

Nhờ đó, sau 10 tháng, kết quả sản xuất nông nghiệp khá tích cực. Sản xuất lúa đạt 40,5 triệu tấn. Mục tiêu 43 triệu tấn lúa năm 2024 sẽ phải đạt được. Về chăn nuôi, quy mô đàn lợn vẫn tăng 2,4%, gia cầm tăng 2,3%, thủy sản tăng 2,4%. Do đó, nguồn cung thực phẩm cho cuối năm và dịp Tết không đáng quan ngại.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo 3 giải pháp trụ cột để phát triển ngành chăn nuôi.

Thứ nhất, chống nhập lậu. Thời gian qua, với sự vào cuộc của báo chí, của các lực lượng chức năng nên đã ngăn chặn tương đối hiệu quả về buôn lậu giống gia cầm ở các tỉnh phía Bắc và lợn ở phía Nam.

Thứ hai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát việc nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt.

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với 11 Tham tán nông nghiệp các nước liên quan đến quy định nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt theo Thông tư 04/2024/TT-BNNPTNT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn. Việt Nam đã trả lời đầy đủ với cơ sở khoa học và thực tiễn. Các Tham tán đều nhận thấy Việt Nam đang làm đúng quy định pháp luật của Tổ chức Thú y Thế giới và Việt Nam.

Thứ ba, tăng cường xuất khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn như C.P. Việt Nam, Hùng Nhơn, De Heus để xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là sang thị trường Halal.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ba giải pháp trên được triển khai kiên trì, quyết liệt, đồng bộ thì Việt Nam sẽ có sản phẩm chăn nuôi như nhận định: "Việt Nam là bếp ăn của thế giới”.

Xem bản gốc