Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Bằng chứng tổ tiên của khủng long bạo chúa từng sống trên đảo Skye ở Scotland

Báo Tin tức 19 Giờ trước
Chú thích ảnh Khủng long T.rex. Ảnh: Shutterstock

Theo trang Daily Mail (Anh), các nhà khoa học vừa phát hiện dấu vết của nhiều loài khủng long, từ các loài ăn thịt cho đến loài ăn thực vật, cùng nhau đến uống nước tại các đầm phá nước ngọt nông trên đảo này cách đây khoảng 167 triệu năm.

Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Edinburgh đã khảo sát và phân tích 131 dấu chân khủng long tại Prince Charles's Point, thuộc Bán đảo Trotternish của đảo Skye. Những dấu vết này bao gồm các dấu chân hiếm của loài khủng long ăn thịt lớn – tổ tiên của T. rex – và dấu chân của những loài khủng long chân thằn lằn ăn cỏ.

Các nhà nghiên cứu cho biết những dấu vết tròn lớn, do loài ăn cỏ để lại, chỉ ra rằng đó là một loài khủng long cổ dài, có kích thước lớn gấp hai đến ba lần một con voi. Còn loài khủng long ăn thịt có kích thước tương đương một chiếc xe jeep. Nhóm nghiên cứu cho rằng những dấu vết này mang lại một cái nhìn thú vị về sở thích và hành vi môi trường của các loài khủng long sống trong Kỷ Jura giữa.

Việc phân tích các dấu vết và hướng di chuyển của chúng cho thấy các loài khủng long này thường tụ tập quanh các khu vực đầm phá, giống như cách các động vật ngày nay hay tập trung tại các vũng nước. Dấu vết cho thấy dù là những loài khủng long ăn thịt (theropod) hay ăn thực vật (sauropod), cả hai nhóm loài này đều ưa thích các khu vực đầm phá ngập nước, thay vì các bãi bồi khô, trống trải.

Trưởng nhóm nghiên cứu Tone Blakesley cho biết: “Dấu chân tại Prince Charles's Point mang lại cái nhìn sâu sắc về hành vi và sự phân bố môi trường của các loài theropod ăn thịt và sauropod ăn thực vật trong một giai đoạn quan trọng của tiến hóa. Ở Skye, các loài khủng long rõ ràng có xu hướng tìm đến những môi trường đầm phá ngập nước nông hơn là các bãi bồi khô cằn”.

Chú thích ảnh Dấu vết tròn lớn do hóa thạch tạo ra chỉ ra đây là loài khủng long cổ dài. Ảnh: Daily Mail

Các dấu vết khủng long đầu tiên tại địa điểm này đã được phát hiện cách đây 5 năm, bởi một sinh viên Đại học Edinburgh và các cộng sự. Kể từ đó, các khám phá tiếp theo đã biến nơi đây thành một trong những khu vực có dấu vết khủng long lớn nhất ở Scotland và các nhà khoa học hy vọng sẽ tìm thấy thêm nhiều dấu vết khác trong tương lai.

Để nghiên cứu các dấu vết, nhóm nghiên cứu đã sử dụng thiết bị bay không người lái để chụp hàng nghìn bức ảnh chồng lên nhau, từ đó xây dựng mô hình 3D của các dấu chân bằng một kỹ thuật gọi là phép đo ảnh.

Ông Steve Brusatte, Giáo sư Cổ sinh vật học và Tiến hóa tại Đại học Edinburgh, cho rằng việc Prince Charles's Point là nơi ghi dấu lịch sử Scotland còn đặc biệt hơn khi đây cũng là nơi Hoàng tử Charles Edward Stuart (còn gọi là Bonnie Prince Charlie) trốn khỏi quân đội Anh vào năm 1746.

“Prince Charles's Point là nơi lịch sử và thời tiền sử của Scotland hòa quyện vào nhau. Thật thú vị khi nghĩ rằng, khi Bonnie Prince Charlie chạy trốn để cứu mạng, Hoàng tử có thể đã vô tình đi qua những dấu chân của loài khủng long”, ông nói.

Nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí PLOS One, với sự tài trợ từ Leverhulme Trust và National Geographic Society.

Năm ngoái, các nhà khoa học cũng phát hiện một loài thằn lằn bay mới trên đảo Skye, được đặt tên là Ceoptera evansae. Loài bò sát này sống cách đây khoảng 168 đến 166 triệu năm, trong kỷ Jura giữa. Các nhà cổ sinh vật học đã phát hiện các tàn tích hóa thạch vào năm 2006 trong một chuyến đi thực địa đến Elgol, trên bờ biển phía tây nam của đảo. Mặc dù bộ xương chưa hoàn chỉnh, nhưng nghiên cứu này đã cung cấp những thông tin quan trọng về lịch sử tiến hóa và sự đa dạng của các loài thằn lằn bay.

Xem bản gốc