Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Chủ động các giải pháp bảo đảm an toàn dữ liệu người sử dụng dịch vụ bưu chính

Báo Tin tức 1 Ngày trước

Thời gian gần đây, gia tăng tình trạng kẻ xấu giả mạo nhân viên của các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính thực hiện lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây mất trật tự an toàn xã hội. Để bảo đảm an toàn dữ liệu của người sử dụng dịch vụ bưu chính, nâng cao chất lượng dịch vụ bưu chính, Bộ Khoa học và Công nghệ vừa có công văn số 509/BKHCN-BC yêu cầu các doanh nghiệp được cấp phép, xác nhận thông báo hoạt động bưu chính tăng cường công tác bảo đảm an toàn dữ liệu người dùng dịch vụ bưu chính. 

Chú thích ảnh Chuyển phát hàng hoá. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, nghiêm cấm doanh nghiệp bưu chính tiết lộ thông tin sử dụng dịch vụ bưu chính (quy định tại khoản 6 Điều 7 Luật Bưu chính năm 2015). Doanh nghiệp thực hiện phổ biến, quán triệt cho toàn bộ nhân viên giao hàng về trách nhiệm bảo mật thông tin về dịch vụ bưu chính và hình thức xử lý nếu để xảy ra lộ lọt thông tin dịch vụ bưu chính.

Trường hợp doanh nghiệp có hành vi “Tiết lộ thông tin về sử dụng dịch vụ bưu chính trái pháp luật” sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Mức phạt hành chính với hành vi này là từ 10 - 20 triệu đồng.

Các doanh nghiệp rà soát hoạt động của hệ thống thông tin trong cung ứng dịch vụ bưu chính để đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu; thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

Cùng với đó, doanh nghiệp chủ động xây dựng các giải pháp để bảo vệ thông tin người sử dụng dịch vụ bưu chính như: hệ thống thông tin định danh cuộc gọi của nhân viên bưu chính, mã hóa thông tin trên các bưu gửi (họ tên, số điện thoại, địa chỉ, nội dung hàng hóa…).

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng yêu cầu các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính phải bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng dịch vụ bưu chính; trong đó chú trọng bảo mật thông tin người sử dụng dịch vụ bưu chính theo các quy định có liên quan tại Luật An toàn thông tin mạng 2015, Luật An ninh mạng 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trước đó, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị hơn 400 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông trên địa bàn thành phố tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn dữ liệu người sử dụng dịch vụ; khuyến cáo người dân và các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo về phương thức lừa đảo và biện pháp phòng, chống trên ứng dụng iHanoi. Để chủ động bảo vệ dữ liệu cá nhân, người dân hạn chế chia sẻ thông tin trên mạng xã hội, trong các phiên livestream; cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn hoặc email yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hay chuyển tiền.

Tình trạng giả mạo nhân viên giao hàng ngày càng tinh vi, diễn ra ở nhiều hãng chuyển phát, từ trong nước đến quốc tế. Theo ghi nhận của Bưu điện Việt Nam, thủ đoạn phổ biến nhất hiện nay là các đối tượng lừa đảo gọi điện hoặc nhắn tin yêu cầu khách hàng chuyển khoản tiền hàng hoặc phí vận chuyển trước khi nhận hàng. Nếu người nhận không có mặt tại địa chỉ và nhờ người nhận thay, đối tượng sẽ thông báo giao hàng thành công và yêu cầu người nhận chuyển khoản thanh toán.

Một hình thức lừa đảo nữa là các đối tượng gửi email giả mạo Bưu điện, các hãng chuyển phát, các doanh nghiệp khác yêu cầu thanh toán phí dịch vụ, phí hải quan thông qua đường link, trang web giả mạo gửi kèm. Một thủ đoạn không mới nhưng vẫn còn xảy ra là đối tượng giả mạo nhân viên giao hàng của các hãng mang đến nhà khách hàng gói hàng không đúng với sản phẩm khách hàng đã mua hoặc hàng kém chất lượng và yêu cầu thanh toán tiền hàng.

Để góp phần giúp khách hàng phòng tránh nguy cơ lừa đảo, thời gian qua, đối với các đơn hàng thu hộ COD, Bưu điện Việt Nam đã triển khai gửi thông báo tình trạng giao hàng qua tin nhắn điện thoại và ứng dụng Zalo cho người nhận. Người nhận cũng có thể tra cứu, theo dõi tiến trình giao hàng trên ứng dụng My Vietnam Post Plus hoặc website của Bưu điện Việt Nam. Nếu phát hiện nghi vấn lừa đảo, khách hàng liên hệ với số Hotline: 1900545481, Fanpage: Vietnam Post - Bưu điện Việt Nam để được hỗ trợ nhanh nhất.

Xem bản gốc