Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Chiến lược toàn diện để đưa Việt Nam tiến xa hơn trong kỷ nguyên số

Báo Tin tức 20 Giờ trước

 Đây là nhận định của ông Nguyễn Tuấn Nghĩa, chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) được Hiệp hội Kỹ sư Australia phong danh hiệu Tổng công trình sư (Fellow of Engineers Australia), thành viên Hội Trí thức và Chuyên gia Việt Nam tại Australia (VASEA), trong cuộc trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Sydney. 

Chú thích ảnh Ông Nguyễn Tuấn Nghĩa (phải) - chuyên gia về trí tuệ nhân tạo (AI) trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN thường trú tại Australia. Ảnh: Văn Linh/PV TTXVN tại Australia

Theo chuyên gia Nguyễn Tuấn Nghĩa, Nghị quyết không chỉ đặt ra chiến lược toàn diện để đưa Việt Nam tiến xa hơn trong kỷ nguyên số, mà còn đóng vai trò tạo động lực, định hướng và huy động nguồn lực để thực hiện các đột phá cần thiết. Trong giai đoạn hiện nay, việc thực thi hiệu quả Nghị quyết sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, xây dựng nền kinh tế tri thức, vươn lên thành một quốc gia công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chuyên gia Nguyễn Tuấn Nghĩa cho rằng Việt Nam hiện có lợi thế là một thị trường số phát triển nhanh trong các lĩnh vực công nghệ tài chính, thương mại điện tử, AI, viễn thông, với các tập đoàn công nghệ lớn như Viettel, VNPT, FPT, VNG đã đầu tư mạnh vào chuyển đổi số, AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây. Chính phủ đang đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử và hạ tầng số, giúp Việt Nam thăng hạng trong bảng xếp hạng chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, theo quan sát của chuyên gia Nguyễn Tuấn Nghĩa, Việt Nam lại đang thiếu nhân lực công nghệ cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực cốt lõi như AI, chip bán dẫn, an ninh mạng. Nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) còn thấp, chưa đạt mức trung bình của các nước phát triển. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ chưa thực sự mạnh. Vì vậy, ông cho rằng mục tiêu mà Nghị quyết 57 đề ra là khả thi, nhưng cần có sự bứt phá mạnh mẽ về đầu tư R&D, cải cách thể chế, đào tạo nhân lực.

Theo chuyên gia Nguyễn Tuấn Nghĩa, Việt Nam có dân số trẻ, thích ứng nhanh với công nghệ, có tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh, Internet rất cao. Các doanh nghiệp công nghệ trong nước ngày càng có năng lực cạnh tranh toàn cầu, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang phát triển mạnh với nhiều startup đạt tầm khu vực. Tuy nhiên, thách thức hiện nay đối với Việt Nam là chưa làm chủ được công nghệ cốt lõi, trong khi các nước như Trung Quốc, Mỹ đã tiến rất xa. Hạ tầng công nghệ số của Việt Nam cần phát triển mạnh hơn, bao gồm 6G, điện toán lượng tử, AI thế hệ mới. Vì vậy, khả năng Việt Nam đạt được tầm nhìn 2045 như Nghị quyết đề ra là rất khó nhưng không phải bất khả thi nếu Việt Nam có chiến lược phát triển công nghệ bài bản, thu hút đầu tư nước ngoài và đào tạo nhân lực công nghệ cao.

Chuyên gia Nguyễn Tuấn Nghĩa đề xuất các giải pháp đột phá giúp Việt Nam hiện thực hóa các mục tiêu đề ra, ví dụ tăng mạnh đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) lên mức 2-3% GDP, tập trung vào AI, chip bán dẫn, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo; đào tạo nhân lực công nghệ cao, liên kết với các đại học hàng đầu thế giới để phát triển chương trình giáo dục chuyên sâu; thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn, tạo điều kiện để họ xây dựng trung tâm R&D tại Việt Nam; hỗ trợ mạnh mẽ các doanh nghiệp công nghệ trong nước, đặc biệt là về vốn, thuế, chính sách ưu đãi để họ vươn ra thế giới; tăng cường hợp tác quốc tế, đặc biệt với các quốc gia dẫn đầu về khoa học công nghệ như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU).

Theo chuyên gia Nguyễn Tuấn Nghĩa, Việt Nam có nhiều lĩnh vực có tiềm năng đột phá mạnh nhất, góp phần đưa quốc gia Đông Nam Á này trở thành trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo trong khu vực, ví dụ như công nghệ số và AI; công nghiệp bán dẫn và vi mạch; công nghệ tài chính (Fintech) và kinh tế số; công nghệ sinh học (Biotech) và y tế số; công nghiệp Internet vạn vật (IoT) và tự động hóa; năng lượng tái tạo và công nghệ môi trường.

Chia sẻ những bài học kinh nghiệm về đổi mới sáng tạo mà Australia đã áp dụng thành công, chuyên gia Nguyễn Tuấn Nghĩa cho biết Australia là một trong những quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ và đồng bộ, được hỗ trợ bởi chính sách công, đầu tư R&D, hợp tác doanh nghiệp và hệ thống giáo dục tiên tiến, các doanh nghiệp, trường đại học và viện nghiên cứu liên kết chặt chẽ với nhau, các trung tâm đổi mới sáng tạo và “vườn ươm” khởi nghiệp được thành lập trên khắp đất nước để hỗ trợ startup và doanh nghiệp công nghệ, có chính sách ưu đãi thuế mạnh mẽ cho R&D, giúp các công ty dễ dàng tiếp cận nguồn vốn nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Theo ông, Việt Nam có thể áp dụng thúc đẩy mô hình “Tam giác đổi mới” kết nối chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và các trường đại học để tăng cường hợp tác nghiên cứu và ứng dụng; thành lập thêm các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ để tạo môi trường cho startup công nghệ phát triển; cải cách chính sách thuế để khuyến khích R&D, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới sáng tạo.

Việt Nam có thể tạo cơ chế tài trợ, đầu tư mạo hiểm và bảo lãnh vốn vay cho startup công nghệ; hỗ trợ không gian làm việc miễn phí cho startup, tổ chức nhiều chương trình cố vấn từ chuyên gia. Chính phủ ưu tiên sử dụng sản phẩm công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam, giúp họ phát triển trong nước trước khi mở rộng quốc tế.

Bên cạnh đó, Việt Nam có thể định hướng đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng bứt phá như AI, bán dẫn, y tế số, năng lượng sạch, blockchain; tạo chính sách khuyến khích doanh nghiệp công nghệ tham gia nghiên cứu, phát triển sản phẩm đổi mới sáng tạo; xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghệ dài hạn, tương tự như Australia làm với năng lượng tái tạo và AI.

Cùng với đó, ông cho rằng Việt Nam nên hoàn thiện luật về đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, giúp bảo vệ các sáng chế công nghệ; đơn giản hóa quy trình đăng ký công nghệ mới, cấp phép startup công nghệ; xây dựng khu thử nghiệm công nghệ mới để doanh nghiệp kiểm tra sản phẩm trước khi thương mại hóa; hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư công nghệ cao, tăng cường hợp tác với các quốc gia dẫn đầu công nghệ như Mỹ, Nhật Bản, EU để tiếp nhận chuyển giao công nghệ; xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút tập đoàn công nghệ đặt trung tâm R&D tại Việt Nam; tạo cơ chế bảo hộ sở hữu trí tuệ, giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào đổi mới sáng tạo.

Một yếu tố cũng rất quan trọng là Việt Nam cần có cơ chế thu hút và “giữ chân” nhân tài khoa học, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành khoa học công nghiệp, đặc biệt là công nghệ số, đưa lập trình, AI, dữ liệu lớn vào chương trình giáo dục phổ thông, giúp học sinh làm quen với công nghệ từ sớm; áp dụng mô hình giáo dục thực hành, liên kết với doanh nghiệp để học sinh có thể làm các dự án thực tế;  khuyến khích các cuộc thi về khoa học, công nghệ, robotics, AI, giúp học sinh đam mê khám phá.

Bài học từ Australia cho thấy, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong công nghệ số, cần có chiến lược đào tạo bài bản từ phổ thông đến đại học, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, thu hút nhân tài quốc tế và xây dựng mô hình học tập suốt đời.

Theo ông, sinh viên, trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng trong việc thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam. Họ có thể đóng góp trên nhiều lĩnh vực từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế đến khởi nghiệp và cố vấn chính sách. Để thu hút và khai thác hiệu quả nguồn lực này, Chính phủ Việt Nam cần có những biện pháp khuyến khích trí thức trẻ cống hiến cho đất nước, ví dụ tạo môi trường làm việc hấp dẫn, có chương trình thu hút nhân tài; xây dựng kênh kết nối trí thức toàn cầu. Việt Nam hoàn toàn có thể biến "dòng chảy chất xám" thành động lực đổi mới sáng tạo.

Là thành viên của VASEA - một tổ chức tập hợp những trí thức, chuyên gia công nghệ, nhà khoa học người Việt Nam đang làm việc tại Australia với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Tuấn Nghĩa chia sẻ ông đang cùng các đồng nghiệp thành lập mạng lưới hợp tác AI và công nghệ giữa Australia và Việt Nam, xây dựng cầu nối giữa các chuyên gia về AI, dữ liệu lớn, blockchain, an ninh mạng tại Australia với các tổ chức, doanh nghiệp và viện nghiên cứu tại Việt Nam.

Cùng với đó là hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp AI tại Việt Nam trong việc tiếp cận công nghệ tiên tiến, mô hình kinh doanh quốc tế và cơ hội hợp tác toàn cầu; thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các trường đại học hàng đầu của Australia với các trường đại học công nghệ tại Việt Nam; cung cấp chương trình tư vấn chiến lược về AI, chuyển đổi số, giúp Việt Nam xây dựng một hệ sinh thái AI quốc gia hiệu quả và bền vững; hỗ trợ đào tạo nhân lực AI và công nghệ số tại Việt Nam; hợp tác với các đơn vị lớn đã có kinh nghiệm phát triển về giáo dục nhằm xây dựng chương trình đào tạo và các thiết bị thí nghiệm về AI và dữ liệu lớn cho các cấp tiểu học, trung học và đại học; phát triển chương trình đào tạo chuyên sâu về AI, dữ liệu lớn và công nghệ bán dẫn cho cán bộ các tỉnh, kỹ sư và sinh viên Việt Nam; tổ chức các chương trình cố vấn, kết nối sinh viên Việt Nam với các chuyên gia AI hàng đầu tại Australia nhằm nâng cao kiến thức và kỹ năng thực tiễn; chuyển giao công nghệ ANS AI Box về Việt Nam áp dụng trong các lĩnh vực chiến lược, góp phần nâng cao hiệu quả vận hành và tự động hóa trong các ngành trọng điểm.

Các thành viên VASEA cũng đang nỗ lực tạo ra những cầu nối giữa cộng đồng trí thức người Việt ở nước ngoài với Việt Nam để thúc đẩy sự phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đồng thời cam kết đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ, nghiên cứu AI, đầu tư vào startup công nghệ và tư vấn chính sách phát triển công nghệ số. Ông tin rằng nếu Nghị quyết 57 được triển khai đúng hướng, Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu khu vực vào năm 2045.

Xem bản gốc