Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Chủ tịch May Việt Tiến: Ngành dệt may mà bị đánh thuế 46% thì không ai bán hàng qua Mỹ được

Vietstock 21 Giờ trước

Chủ tịch May Việt Tiến: Ngành dệt may mà bị đánh thuế 46% thì không ai bán hàng qua Mỹ được

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Tổng CTCP May Việt Tiến (UPCoM: VGG), lãnh đạo doanh nghiệp cho biết tình hình năm 2025 rất thách thức buộc Công ty phải nỗ lực thích ứng. Tình hình lao động suy giảm cũng được đề cập, Công ty thậm chí phải tuyển dụng trên nền tảng Tiktok.

Nỗ lực linh hoạt và thích ứng trước các thách thức bên ngoài

Trong phần phát biểu mở đầu đại hội, Chủ tịch HĐQT Vũ Đức Giang đã có nhiều chia sẻ về tình hình năm 2024 và kỳ vọng về năm 2025.

Theo vị Chủ tịch, trong năm 2024, Công ty gặp nhiều vấn đề thách thức lớn. Thứ nhất là sự chuyển dịch lao động, giảm trong toàn hệ thống. Thứ hai là chuyển dịch thị trường sản xuất dệt may toàn cầu và Công ty cũng không đứng ngoài, có những lúc Công ty thiếu hàng, phải chấp nhận các đơn hàng ngoài chuyên môn, dẫn đến phải bù chi phí sản xuất để giữ ổn định lao động, đảm bảo đúng luật.

Thách thức thứ ba liên quan đến chiến lược phát triển thị trường nội địa, khi tiêu dùng giảm sâu, người tiêu dùng cắt hầu bao, Công ty phải sắp xếp lại toàn bộ mô hình cửa hàng và đại lý, chương trình.

Thứ tư liên quan đến con người, đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Công ty liên tục đào tạo để kế thừa, nhưng để đảm bảo đủ sức thay thế là thách thức rất lớn.

Hiện tại, tổ chức sản xuất đã khác rất nhiều, Công ty phải tìm đến khách hàng, còn ngày xưa khách hàng đến với Công ty. Cán bộ cũng phải thích ứng với bối cảnh mới khi thời gian giao hàng nhanh hơn, phức tạp hơn, cần áp dụng công nghệ, số hóa.

Một vấn đề khác được Chủ tịch Việt Tiến cho biết đang rất trăn trở là HĐQT rất muốn đào tạo nhân sự kế cận, nhưng hiện tại chưa nhìn thấy khả năng bám sát công việc và tạo sự khác biệt.

"Người lao động bây giờ có rất nhiều quyền, sau khi làm 2 - 3 tháng có thể dễ dàng xin nghỉ, do đó tính ổn định đã không như ngày trước - thời kỳ mà người lao động phải xếp hàng xin việc tại Việt Tiến. Hơn nữa, nguồn lao động được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành hiện tại đã khan hiếm, nhà máy ở Thủ Đức từ chỗ 2,000 - 3,000 lao động hiện giờ chỉ còn 800 - 900 lao động" - Chủ tịch Vũ Đức Giang chia sẻ.

Thách thức thứ năm liên quan đến cách mua hàng của các nhãn hàng. Hiện giờ các nhãn hàng đẩy cho nhà sản xuất Việt Nam, từ phát triển mẫu đến phương thức, chỉ định, nguyên phụ liệu, phương thức thanh toán… thậm chí một số nhãn hàng phá sản cũng là vấn đề nan giải.

Chủ tịch Vũ Đức Giang chia sẻ tại đại hội - Ảnh: Huy Khải

Trong năm 2025, trước các rủi ro từ thuế quan của chính quyền Donald Trump, Chủ tịch Vũ Đức Giang cho biết, HĐQT vẫn định hướng không thay đổi mục tiêu kinh doanh. Công ty tiếp tục thúc đẩy sự ứng phó linh hoạt, bên cạnh đó là triển khai khánh thành chi nhánh và trung tâm kho ở Hà Nội.

Tại phần thảo luận, trước thắc mắc của cổ đông về tác động của thuế quan lên hoạt động kinh doanh của Việt Tiến, Chủ tịch Vũ Đức Giang cho rằng thuế suất 46% là con số ban đầu, sau đó Mỹ giữ quan điểm 10% cho các nước. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với phía Mỹ và đã có những tín hiệu rất tốt, nên ở góc độ Công ty, lãnh đạo Việt Tiến cho biết sẽ có sự linh hoạt và thích ứng trước các thách thức bên ngoài.

“Cái gì sẽ diễn ra ngày mai chúng ta không thể đoán trước, ngành dệt may mà bị đánh thuế 46% thì doanh nghiệp đóng cửa hết, không ai bán hàng qua Mỹ được” - Chủ tịch Vũ Đức Giang cảm thán.

Tình hình lao động khó khăn

Theo Tổng Giám đốc Bùi Văn Tiến, Công ty đã xây dựng hệ thống sản xuất để doanh thu trên 10,000 tỷ đồng, nhưng xin phép cổ đông chỉ đặt mục tiêu đi ngang trong năm 2025. Tuy nhiên, lợi nhuận kỳ vọng tăng 9%, đạt 330 tỷ đồng.

Thu nhập bình quân người lao động đạt 13 triệu đồng/người/tháng, tăng 4%. Nói về tình hình lao động, ông Tiến cho biết: "Công ty bây giờ phải đi tuyển lao động bằng kênh online, kể đến như Tiktok. Năm 2024, lương lao động tại Công ty đã tăng 8.1% so với 2023, nhưng vẫn giảm 181 người, và mới đầu năm tiếp tục mất thêm, phần nào đó họ về quê do mức sống ở thành phố quá đắt đỏ".

Tổng Giám đốc Bùi Văn Tiến chia sẻ tại đại hội - Ảnh: Huy Khải

Về các mục tiêu trong năm 2025, tại thị trường nội địa, Công ty xác định mục tiêu giữ sự ổn định, giải phóng nhanh hàng tồn kho; tạm dừng những cửa hàng hoạt động không hiệu quả để di chuyển qua địa điểm khác; tiếp tục áp dụng công nghệ RFID vào quản lý bán hàng và quản lý hàng tồn kho; phát triển sản phẩm mới mang thương hiệu TT_up; tái cấu trúc việc bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội.

Đối với thị trường xuất khẩu, Công ty sẽ cân đối năng lực sản xuất để đảm bảo thực hiện các hợp đồng đã ký kết với khách hàng; sắp xếp, quy hoạch lại khách hàng cho từng đơn vị theo hướng chuyên môn hóa; tiếp tục xúc tiến, đàm phán với khách hàng cho kế hoạch sản xuất năm 2025.

Về phương án cổ tức, Công ty sẽ chia với tỷ lệ 30% (3,000 đồng/cp).

Đại hội cũng thông qua phương án cổ tức bằng tiền năm 2024 với tỷ lệ 30%, tương ứng chi hơn 132 tỷ đồng, cao hơn mức 20% được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2024. Trong đó, Công ty đã tạm ứng một nửa trong tháng 12/2024 và dự kiến chia nốt phần còn lại trước ngày 30/06/2025.

Kế hoạch đầu tư 40 tỷ đồng trong năm 2025 cũng được thông qua, trong đó, Công ty dùng 10 tỷ đồng cho việc đầu tư công nghệ tự động, máy móc thiết bị chuyên dùng, công tác chuyển đổi và quản lý kỹ thuật số, sửa chữa, nâng cấp môi trường làm việc, duy tu, bảo dưỡng, bảo trì cơ sở hạ tầng; 30 tỷ đồng để đầu tư xây dựng văn phòng, cửa hàng, kho tàng tại số 458 Minh Khai, Hà Nội.

Huy Khải

FILI

- 06:00 27/04/2025

Xem bản gốc