Thị trường chứng khoán Mỹ kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai (31/3) trong trạng thái không đồng nhất của các chỉ số, trong đó S&P 500 tăng điểm dù đã có lúc giảm sâu và rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh. Giá dầu thô đạt mức cao nhất 5 tuần do mối lo nguồn cung dầu từ Iran và Nga có thể thắt lại do các biện pháp của Mỹ.
Lúc đóng cửa, S&P 500 tăng 0,55%, đạt 5.611,85 điểm. Ở thời điểm đáy của phiên, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ giảm 1,65% xuống mức thấp hơn 10% so với kỷ lục thiết lập gần đây - đáp ứng định nghĩa thị trường điều chỉnh.
Chỉ số Dow Jones tăng 417,86 điểm, tương đương tăng 1%, chốt ở 42.001,76 điểm.
Cổ phiếu công nghệ vẫn là nhóm bị bán nhiều nhất, dẫn tới việc Nasdaq là thước đo duy nhất trong số ba chỉ số chính kết thúc phiên này trong sắc đỏ. Chỉ số giảm 0,14%, chốt ở 17.299,29 điểm.
Nhiều cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn tiếp tục bị bán mạnh, như Nvidia giảm 1,2% và Tesla giảm 1,7%. Hiện Nvidia đã giảm gần 30% so với mức cao nhất trong 52 tuần, phản ánh tình trạng chật vật của cổ phiếu Big Tech nói chung sau thời kỳ tăng bùng nổ vào năm ngoái dựa trên sự hưng phấn của nhà đầu tư với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong khi đó, các nhóm cổ phiếu truyền thống như tiêu dùng thiết yếu được nhà đầu tư mua nhiều hơn nhằm tìm kiếm sự an toàn. Cổ phiếu hãng bán lẻ Walmart tăng 3,1% trong phiên này, góp phần đáng kể vào thành quả tăng của Dow Jones.
Tâm trạng của nhà đầu tư ở Phố Wall vẫn đang bất an vì ngày 2/4 - thời điểm ông Trump dự kiến công bố kế hoạch thuế quan có đi có lại - đang đến gần. Ngày Chủ nhật, ông Trump nói sẽ áp thuế này lên “tất cả các quốc gia”, bác bỏ những thông tin cho rằng thuế quan có đi có lại sẽ được áp dụng trên phạm vi hẹp hơn. Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin nói rằng trong những ngày gần đây, ông Trump đã hối thúc các cố vấn của ông trở nên quyết liệt hơn trong vấn đề thuế quan.
“Thị trường tiếp tục giao dịch trong bối cảnh bấp bênh về thuế quan và khó lường về những gì sẽ xảy đến tiếp theo. Vì vậy, nhà đầu tư chủ trương bán đã rồi chờ xem mọi thứ thế nào. Tất cả đều tạo tiền đề cho sự bán tháo cổ phiếu và khả năng hồi phục sau đó”, chiến lược gia trưởng Jay Woods của công ty Freedom Capital Markets nhận xét với hãng tin CNBC.
Dù ông Trump vẫn nói rằng ngày mà ông áp thuế quan có đi có lại sẽ là “ngày giải phóng” nước Mỹ, giới đầu tư và phân tích lo ngại thuế quan của ông sẽ khiến nền kinh tế Mỹ giảm tốc đáng kể, thậm chí có thể rơi vào một cuộc suy thoái. Trong một cuộc khảo sát nhanh của hãng tin CNBC, các nhà kinh tế dự báo kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 0,3% trong quý 1/2025, thấp hơn nhiều so với mức tăng 2,3% ghi nhận trong quý 4 vừa qua.
Mức điểm của S&P 500 khi kết thúc phiên đầu tuần thấp hơn gần 9% so với kỷ lục thiết lập hồi tháng 2. Đáy của chỉ số trong phiên này là mức thấp nhất kể từ tháng 9/2024.
Nasdaq cũng có thời điểm chạm đáy kể từ tháng 9 trong phiên này và tiếp tục ở trong trạng thái thị trường điều chỉnh do giảm 14% kể từ mức kỷ lục thiết lập vào tháng 12/2024.
Phiên ngày thứ Hai là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 3 và quý 1/2025, một khoảng thời gian đầy biến động ở Phố Wall. S&P 500 có lúc rơi vào điều chỉnh trong tháng 3, sau khi lập kỷ lục trong tháng trước. Chỉ số giảm 5,8% trong tháng, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2022.
Nasdaq giảm 8,2% trong tháng 3, trong khi Dow Jones ghi nhận mức giảm 4,2%.
Cả quý, S&P 500 giảm 4,6%, chấm dứt chuỗi 5 quý tăng liên tiếp. Nasdaq sụt 10,5% trong quý vừa rồi, mạnh nhất kể từ cú giảm 22,4% trong quý 2/2022. Dow Jones giảm 1,3% trong quý 1.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,11 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%, đạt 74,74 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 2,12 USD/thùng, tương đương tăng 3,1%, đạt 71,48 USD/thùng.
Dầu tăng giá lên mức cao nhất 5 tuần do thị trường lo ngại ông Trump có thể thực thi lời cảnh báo áp thuế quan lên các nước mua dầu Nga và thậm chí có thể tấn công Iran. Mức đóng cửa của dầu Brent phiên này là cao nhất từ hôm 24/2 và của dầu WTI là cao nhất từ hôm 20/2.
Hôm Chủ nhật, ông Trump cho biết ông mất kiên nhẫn với Tổng thống Nga Vladimir Putin vì tiến trình đàm phán ngừng bắn Nga - Ukraine chưa có bước tiến mới. Ông nói có thể áp thuế quan thứ cấp 25-50% lên những nước mua dầu Nga nếu ông cảm thấy Moscow cản trở nỗ lực của ông nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine.
Cùng ngày, ông Trump dọa đánh bom và áp thuế quan thứ cấp đối với Iran nếu Tehran không đi đến một thỏa thuận với Washington về chương trình hạt nhân.
Ngày thứ Hai, điện Kremlin nói Nga và Mỹ vẫn đang làm việc về các phương án nhằm đạt giải pháp hòa bình cho vấn đề Ukraine. Nhà lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei nói Mỹ sẽ hứng một đòn đáp trả mạnh mẽ nếu làm đúng như ông Trump nói.
Những lời đe dọa của ông Trump nhằm vào Nga và Iran “là một nhân tố mà thị trường dầu lửa đang theo dõi, dù ông ấy đã phát tín hiệu sẽ không áp dụng ngay. Tuy vậy, rủi ro gián đoạn nguồn cung dầu đang tăng lên”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS nói với hãng tin Reuters.
Một số nhà phân tích tin rằng ông Trump sẽ không hành động như những gì ông đã cảnh báo Nga và Iran. Quan điểm này hạn chế mức tăng của giá dầu.
Chuyên gia Tony Sycamore của công ty IG nói thị trường cảm nhận ông Trump sẽ không hành động như đã đe dọa. Thậm chí, trong trường hợp ông Trump hành động, thuế quan đó sẽ leo thang cuộc chiến thương mại, đặt thêm áp lực suy giảm tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.