Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Cơ hội phát triển chip bán dẫn

Báo Tin tức 3 Ngày trước

Thời cơ đến

Theo Tiến sĩ Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ Vinasa (Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam), công nghệ bán dẫn là nền tảng của mọi thiết bị điện tử hiện đại, từ điện thoại thông minh, máy tính, đến các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT). Việt Nam phát triển chip bán dẫn sẽ thúc đẩy ngành điện tử và nền kinh tế số tăng tốc...

Chú thích ảnh Chip bán dẫn do FPT thiết kế chế tạo.

Từ năm 2008, Việt Nam đã công bố con chip “make in Vietnam” đầu tiên, là sản phẩm của nhóm giảng viên, kỹ sư trẻ tại Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu đó không thành công về thương mại. Đến năm 2022, FPT Semiconductor, công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch (trực thuộc FPT Software) chính thức công bố dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế. Đây là dấu ấn FPT Semiconductior trở thành công ty đầu tiên của Việt Nam cung cấp chip thương mại. Ngày 28/10/2023, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) công bố nghiên cứu thành công chip 5G, một trong những công nghệ phức tạp nhất trong lĩnh vực làm chip...

Ngành bán dẫn với cốt lõi là chip có cơ hội lớn khi Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược toàn diện năm 2023. Trong tuyên bố chung, hai nước ghi nhận tiềm năng của Việt Nam trong việc trở thành quốc gia chủ chốt tham gia vào ngành công nghiệp bán dẫn. “Hiện nay, gần như 100% thiết bị điện tử tại Việt Nam đều đang dùng chip nước ngoài. Điều này cho thấy con đường phía trước của ngành chip Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển, nhưng hiện thực hóa giấc mơ chip bán dẫn ‘Make in Vietnam’ đòi hỏi phải có những hướng đi phù hợp”, TS Nguyễn Nhật Quang nhận định.

Chip bán dẫn có 3 công đoạn: Thiết kế bao gồm người hoặc công cụ thiết kế (Mỹ nắm phần công cụ); nhà máy sản xuất với các công nghệ nano (cần máy quang khắc với vật liệu do Mỹ kiểm soát); đóng gói và kiểm thử.

Ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT IS, Chủ tịch FPT Semiconductor cho biết, Việt Nam mới chỉ tham gia vào khâu thiết kế (người và công cụ); chưa tham gia vào công đoạn sản xuất vì cần đầu tư lớn với quy mô hàng tỷ đô. Việt Nam hiện có khoảng 50 công ty thiết kế chip, còn chủ yếu là công ty nước ngoài tuyển nhân sự Việt Nam...

“Việt Nam đang có cơ hội tham gia vào chuỗi bán dẫn toàn cầu. Cách đây 10 năm, FPT làm dịch vụ công nghệ thông tin cho các công ty quốc tế về chip. Nhận thấy các căng thẳng về chuỗi cung ứng bán dẫn liên quan đến thiên tai, dịch bệnh và xung đột địa chính trị gần đây, các nước và các công ty hàng đầu đang có xu hướng tìm cách đa dạng hóa nguồn cung bằng cách đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, thiết kế mới ở các nước khác. FPT tận dụng cơ hội thị trường và sẵn có năng lực cung cấp, đã thành lập FPT Semiconductor tập trung vào thiết kế chip nguồn với mục đích thương mại. Trong 10 năm nghiên cứu, tập đoàn FPT đã phát triển khoảng 25 loại chip. Đa phần các dòng chip này đều thuộc công nghệ tầm trung với kích cỡ từ 28 - 130 nm. Chúng tôi lựa chọn công nghệ tầm trung bởi chi phí đầu tư, sản xuất rẻ, giá thành rẻ...”, ông Trần Đăng Hòa chia sẻ.

Bắt đầu từ nhân lực

Ông Nguyễn Thanh Yên, Tổng Giám đốc CoAsia Semi Việt Nam (doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc) khuyến nghị, Việt Nam chỉ nên tập trung thiết kế chíp bán dẫn, vì tốn ít nguồn lực đầu tư, đỡ rủi ro. Đồng thời, thiết kế chíp lại thích hợp với những nước có dân số trẻ, giỏi về các môn STEM (toán, khoa học công nghệ...) như Việt Nam.

Chú thích ảnh Giới thiệu công đoạn thiết kế chip.

Là đơn vị đang thiết kế chip, ông Trần Đăng Hòa đánh giá: “Sản xuất chip là bài toán có quy mô lớn, đầu tư có thể lên tới hàng tỷ đô la. Đây là cuộc đua tiêu tốn nhiều nguồn lực mà chưa có khả năng để đầu tư. Trong khi đó, thiết kế chíp chủ yếu chỉ phụ thuộc vào con người. Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ với nhiều người giỏi toán, lập trình là điều kiện quan trọng để thành lập đội ngũ thiết kế chip”.

Từ góc độ quản lý, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin (Bộ Khoa học Công nghệ) cho biết: “Việt Nam đã đặt ra công thức C=SET+1 trong chiến lược phát triển bán dẫn quốc gia đến năm 2030. Trong đó, C: Chip (Chip bán dẫn); S: Specialized (Chuyên dụng, Chip chuyên dụng); E: Electronics (Điện tử, Công nghiệp điện tử); T: Talent (Nhân tài, Nhân lực); + 1: Việt Nam (Việt Nam là điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn). Trong công thức chiến lược này, nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng. Việt Nam hiện nay có khoảng 5.000 kỹ sư bán dẫn, chủ yếu được đào tạo trong nước. Tuy nhiên, chúng ta còn có một lượng lớn nhân sự người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là tại Mỹ”.

Để giải quyết bài toán nhân lực, các chương trình cần đào tạo từ doanh nghiệp và hợp tác với các đối tác quốc tế. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Đổi mới sáng tạo và Phát triển công nghệ, Sovico Group nhận định: “Ngành điện tử viễn thông tại các trường đại học Việt Nam đã phát triển hơn 20 năm. Nhiều sinh viên sau đó đã ra nước ngoài học tiếp về bán dẫn. Khi Sovico tiếp cận với lĩnh vực bán dẫn, chúng tôi đã phát hiện ra cộng đồng lớn gồm những người Việt đang làm trong ngành bán dẫn ở nước ngoài, chủ yếu làm các công đoạn từ cơ bản đến nâng cao trong thiết kế chip. Nếu khai thác được lực lượng này sẽ tạo lực mới về nhân lực cho Việt Nam phát triển công nghệ chip bán dẫn”.

Quá trình “upskill” (đào tạo nâng cao kỹ năng) và “reskill” (đào tạo lại hoặc học các kỹ năng mới) sẽ giúp Việt Nam đào tạo được 50.000 kỹ sư bán dẫn. Nhất là có sự tham gia của các tập đoàn lớn. Đơn cử, Tập đoàn Sovico đặt mục tiêu đến năm 2030 đào tạo 10.000 kỹ sư bán dẫn. Như vậy, chỉ riêng Sovico và FPT đã chiếm gần 40% mục tiêu phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

“Nếu một quốc gia không có nhà máy chế tạo bán dẫn, chưa thực sự được coi là quốc gia về bán dẫn. Việc sở hữu một nhà máy sản xuất bán dẫn không chỉ thể hiện khả năng tự lực tự cường, mà còn đảm bảo an ninh quốc gia, vì bán dẫn là nền tảng cho nhiều công nghệ quan trọng”, ông Nguyễn Khắc Lịch chia sẻ.

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng dự án nhà máy đầu tiên chế tạo chip quy mô nhỏ, công nghệ cao phục vụ nghiên cứu, đào tạo, thiết kế, chế tạo thử, kiểm chứng công nghệ và sản xuất chip bán dẫn chuyên dụng của Việt Nam sẽ được hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư dự án trực tiếp từ ngân sách trong trường hợp nhà máy nghiệm thu đưa vào sản xuất trước ngày 31/12/2030. Tổng mức hỗ trợ không vượt quá 10.000 tỉ đồng. Nghị quyết cũng quy định được giao đất bằng hình thức giao đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất đối với nhiệm vụ nêu trên.

TS Christopher Nguyễn, nhà sáng lập Aitomatic:
Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, được đào tạo cơ bản. Nghị quyết 57-NQ/TW được ban hành với những chính sách mới về phát triển khoa học nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ tạo đòn bẩy phát triển công nghệ chip bán dẫn. Dù đi sau, Việt Nam cũng có cơ hội lớn để vươn lên trong ngành công nghiệp bán dẫn. Ngành công nghiệp bán dẫn không thể phụ thuộc vào chỉ một hay vài quốc gia, do đó Việt Nam có cơ hội để tham gia vào ngành công nghiệp này.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia:
Môi trường đầu tư cởi mở đang giúp Việt Nam trở thành trung tâm mới nổi cho các tập đoàn công nghệ toàn cầu tìm hiểu và đầu tư. Chính phủ Việt Nam cam kết tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư, doanh nghiệp và nhà sáng tạo có thể phát triển công nghệ bán dẫn và coi đây là một những trụ cột chiến lược cho sự phát triển kinh tế.

Xem bản gốc