Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Cổ phiếu chứng khoán tăng rực rỡ, VN-Index đi ngang do sức ép từ trụ

Vneconomy 4 Giờ trước

Hôm nay cổ phiếu VPL chào sàn HoSE trong bối cảnh cả VIC, VHM lẫn VRE đều “đổ đèo”. Mức tăng kịch trần 20% của VPL chưa được tính vào VN-Index nên sức ép từ các trụ còn lại khiến chỉ số tăng nhẹ 0,45%. Tuy vậy độ rộng thị trường thể hiện đà tăng giá áp đảo ở các cổ phiếu, đặc biệt nhóm chứng khoán giao dịch bùng nổ.

VPL chỉ xuất hiện 3 giao dịch trong suốt phiên sáng với khối lượng 4.800 cổ phiếu, dư mua giá trần vẫn đang treo gần 1,44 triệu cổ. Vốn hóa của VPL đạt trên 153,3 ngàn tỷ đồng, đứng thứ 9 sàn HoSE và hứa hẹn sẽ là cổ phiếu trụ mới cho VN-Index trong các phiên tới.

Trái ngược với diễn biến tưng bừng của VPL, nhóm “Vin” sáng nay đỏ đều: VIC giảm 1,39%, VHM giảm 1,28% và VRE giảm 1,96%. VIC đã 2/3 phiên gần đây đỏ lửa sau khi tăng gần 36% chỉ trong 10 phiên. Cổ phiếu này vẫn lọt vào Top 10 thanh khoản cao nhất thị trường với hơn 389 tỷ đồng.

Dưới sức ép của VIC và VHM – hai cổ phiếu lớn nhất của VN-Index chỉ sau VCB – sức tăng của điểm số bị hạn chế. Thực tế nhóm vốn hóa hàng đầu của chỉ số cũng đã suy yếu một chút. Trong 10 mã vốn hóa lớn nhất chỉ có CTG tăng 1,59%, FPT tăng 1,18%, HPG tăng 1,18%, là đáng kể. Rổ VN30 chốt phiên sáng ghi nhận 17 mã tăng/11 mã giảm và chỉ số cũng chỉ tăng 0,44%. Tăng tốt nhất rổ blue-chips này lại không phải là những mã lớn nhất: MWG tăng 3,62%, MBB tăng 2,1%, HDB tăng 1,86%.

Mặc dù VN-Index chỉ tăng nhẹ 5,77 điểm tương đương 0,45% nhưng thị trường sáng nay giao dịch rất sôi động. Độ rộng tổng thể sàn HoSE lên tới 202 mã tăng/105 mã giảm, trong đó 114 mã tăng từ 1% trở lên. Ngoài ra thanh khoản sàn này cũng tăng vọt 29,3% so với sáng hôm qua, đạt gần 11.425 tỷ đồng, cao nhất 18 phiên. VPL thanh khoản rất nhỏ nên mức tăng giao dịch này đến từ các cổ phiếu “cũ”.

Nổi bật trong nhóm tăng giá sáng nay là các cổ phiếu chứng khoán. Cả loạt cổ phiếu nhỏ tăng vượt 3% như APS kịch trần, HAC tăng 7,61%, CSI tăng 5,51%, VFS tăng 4,9%, ABW tăng 4,11%, FTS tăng 4,05%. Các blue-chips có SSI tăng 1,29%, VCI tăng 1,78%, HCM tăng 1,56%, VND tăng 1,66%, SHS tăng 2,42%... Toàn nhóm chứng khoán cũng có tới 16 mã tăng trên 2% và 13 mã khác tăng từ 1% tới 2%. Chỉ có DSE và IVS đỏ, VIG, HBS, AAS tham chiếu. Về mặt thanh khoản, VIX dẫn đầu nhóm với 535,2 tỷ đồng (giá tăng 3,57%), kế tiếp là SSI với 415,7 tỷ, HCM với 206,1 tỷ. Ba cổ phiếu này nằm trong nhóm 15 mã giao dịch lớn nhất thị trường.

Dòng tiền vẫn ghi nhận tăng nhẹ gần 7% ở rổ VN30 nhưng nhóm này chiếm chưa tới 15% phần thanh khoản tăng thêm trên sàn HoSE. Rất nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ đã sôi động trở lại sau phiên hôm qua. PNJ tăng 4,33% khớp 215,1 tỷ; VCI tăng 1,78% với 195,9 tỷ; FTS tăng 4,05% với 160,3 tỷ; EIB tăng 2,08% với 157,7 tỷ; EVF tăng 2,88% với 136,8 tỷ; BAF tăng 2,33% với 136,2 tỷ; GMD tăng 3,71% với 129,1 tỷ là những cổ phiếu nổi bật.

Cổ phiếu chứng khoán tăng rực rỡ, VN-Index đi ngang do sức ép từ trụ - Ảnh 1

Ở phía giảm, nhóm “Vin” vẫn là các mã đáng kể nhất khi vừa giảm giá mạnh vừa có thanh khoản cao. Trong 105 cổ phiếu đang đỏ của VN-Index có 48 mã giảm hơn 1% nhưng chỉ 7 mã khớp được quá 10 tỷ đồng. Ngoài các blue-chips, có NVL giảm 2,03% với 223,2 tỷ đồng; VPI giảm 2,5% với 58,5 tỷ; DBD giảm 1,19% với 11,2 tỷ. Tổng giao dịch của nhóm giảm sâu nhất sáng nay (không tính VIC, VHM, VRE) chiếm khoảng 4,1% giao dịch sàn HoSE.

Với độ rộng rất tốt, thanh khoản rất cao, việc chỉ số VN-Index lình xình đi ngang không phải là vấn đề lớn. Rủi ro điều chỉnh của VIC, VHM vẫn được thị trường dự kiến từ trước, nhất là ở thời điểm VPL đã chính thức lên sàn. Với sức mạnh vốn hóa của VPL, chỉ số vẫn có thể được nâng đỡ những ngày tới nhưng ảnh hướng hạn chế hơn nhiều so với hai trụ nói trên.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay quay lại mua ròng khoảng 309 tỷ đồng trên sàn HoSE nhờ giá trị giải ngân tăng vọt 190% so với sáng hôm qua, đạt 1.849,5 tỷ đồng. Các cổ phiếu được mua ròng ấn tượng là MWG +162,1 tỷ, PNJ +151,3 tỷ, MBB +140,2 tỷ, FPT +128,9 tỷ. Đây đều là các cổ phiếu tăng giá rất mạnh. Phía bán ròng có STB -102,1 tỷ, VCB -101 tỷ, VIC -64,9 tỷ, GEX -56,9 tỷ, SSI -47,6 tỷ, HCM -33,7 tỷ, VHM -32,1 tỷ.

Xem bản gốc