Tọa lạc bên bờ sông An Cựu, Cung An Định Huế là điểm đến thu hút du khách ưa thích vẻ đẹp văn hóa, kiến trúc mỹ thuật của triều đại nhà Nguyễn, đây được ví von như một viên ngọc quý của xứ cố đô.
Du lịch ở Huế, người ta thường thích tìm về những điều xưa cũ với những di tích cổ kính hay khám phá những thông tin lịch sử, vẻ đẹp kiến trúc độc đáo. Có lẽ bởi vì vậy, mà ngoài các công trình đền đài lăng tẩm nổi tiếng như Đại Nội, lăng vua Khải Định thì cung An Định luôn là một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách. Cung An Định Huế tọa lạc ở trên con đường Phan Đình Phùng nổi tiếng là một trong những công trình kiến trúc mang vẻ đẹp rất đặc trưng dưới thời nhà Nguyễn, đây cũng là điểm đến thường xuyên của các tín đồ xê dịch.
Cung An Định là điểm thăm quan rất nổi tiếng ở Huế. Ảnh: Bùi Huy Khang
Lịch sử của Cung An Định Huế
Cung An Định Huế trước đây là phủ riêng của vua Khải Định từ khi ông còn đang là thái tử Nguyễn Phúc Bửu Đào, khi đó cung An Định có tên là phủ Phụng Hóa Công được xây dựng từ năm 1902, đây được sử dụng làm nơi ở dành cho hoàng tử khi vừa xuất phủ lúc 18 tuổi. Đến năm 1917, thái tử khi đó đã sử dụng tiền riêng để cho xây dựng và cải tạo lại phủ theo lối kiến trúc hiện đại và mang dấu ấn riêng của thái tử, đến năm 1919 công trình được hoàn tất.
Năm 1922, nơi đây là tiềm đề của Đông Cung Thái Tử Vĩnh Thụy tức vua Bảo Đại. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, gia đình của cựu Hoàng Bảo Đại đã chuyển từ hoàng cung sang Cung An Định sinh sống. Cũng chính vì thế mà Cung An Định không chỉ gắn liền với vị vua thứ 12 của triều đại nhà Nguyễn, mà còn là một trong số ít các công trình kiến trúc gắn liền với cuộc đời của nhiều thành viên hoàng tộc nhà Nguyễn như bà Từ Cung hay Nam Phương hoàng hậu.
Công trình nàytừng là phủ của vua Khải Định khi còn là hoàng tử. Ảnh: Trường Bùi
Thời điểm lý tưởng để tham quan cung An Định Huế
Thời tiết ở xứ Huế có hai mùa rất rõ ràng là mùa khô và mùa mưa, chính vì vậy khi lựa chọn thời điểm ghé thăm Cung An Định Huế, du khách có thể chọn thời điểm mùa khô từ tháng 1 đến tháng 8 để thuận tiện hơn khi tham quan khám phá.
Theo đó, từ tháng 1 đến tháng 4 ở Huế tiết trời rất mát mẻ, lý tưởng để du khách ghé thăm cung An Định, tận hưởng vẻ đẹp của cung điện với sắc xanh đầy sức sống. Tháng 5 đến tháng 8 nhiệt độ ở Huế tuy có tăng cao nhưng nắng rất đẹp, hầu như không có mưa để du khách thỏa thích khám phá. Đặc biệt, khoảng thời gian này ở Huế cũng diễn ra rất nhiều hoạt động thuộc khuôn khổ Festival Huế nên du khách ngoài kết hợp ghé thăm Cung An Định và các điểm du lịch khác, còn có thể hòa mình vào bầu không khí lễ hội rộn ràng. Mùa mưa ở Huế bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12, lúc này tiết trời tương đối ẩm ướt với những cơn mưa dài ngày không lý tưởng cho các hoạt động tham quan ngoài trời.
Bạn có thể thăm quan cung An Định vào nhiều thời điểm khác nhau. Ảnh: thwnheee.
>> Xem thêm: Những điểm du lịch tại Hương Thuỷ Huế nổi tiếng nhất định không thể bỏ lỡ
Hướng dẫn di chuyển đến cung An Định, Huế
Cung An Định Huế chỉ nằm cách trung tâm thành phố khoảng 2 km, chính vì vậy du khách có thể kết hợp check in với các địa điểm nội đô vô cùng thuận tiện. Để đến Cung An Định từ trung tâm thành phố Huế, bạn có thể lựa chọn phương tiện là xe máy taxi hoặc đi xe buýt xích lô tùy nhu cầu.
Chi phí di chuyển nếu thuê xe máy trong ngày ở Huế từ 120,000đ đến 150.000đ và để đi đến Cung An Định du khách chỉ cần đi theo tuyến đường Hùng Vương, Phan Đình Phùng với thời gian từ 10 phút đến 15 phút. Muốn di chuyển nhanh hơn bạn có thể lựa chọn phương tiện là xe taxi. Trường hợp đi xe buýt thì bạn nên lựa chọn tuyến xe buýt số 2 Hương Thủy - Đông Ba sẽ có điểm dừng tại cung An Định, giá vé xe buýt chỉ từ 7.000đ.
Bạn có thể di chuyển đến cung An Định dễ dàng từ trung tâm. Ảnh: ST
Ngoài các phương tiện trên, bạn cũng có thể lựa chọn di chuyển đến Cung An Định Huế bằng xe đạp, với phương tiện này du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành của xứ Huế, ngắm nhìn cảnh quan tuyệt đẹp và thời gian di chuyển cũng không quá lâu, mức phí thuê xe đạp ở Huế từ 30 đến 50.000 đồng một ngày.
Độc đáo dấu ấn kiến trúc của Cung An Định Huế
Nhắc đến Cung An Định Huế người ta sẽ nhớ ngay đến sự độc đáo về kiến trúc của công trình này. Phong cách hòa trộn Á - Âu ở đây đầy ấn tượng, tiêu biểu cho việc phát triển nghệ thuật kiến trúc, mỹ thuật dưới triều đại nhà Nguyễn trong những năm đầu của thế kỷ XX cho đến sau cách mạng tháng 8. Ngoài ra, ở Cung An Định người ta còn nhận thấy dấu ấn rất riêng của vua Khải Định, thể hiện gu thẩm mỹ độc đáo riêng có của vị vua này.
Theo đó, khuôn viên của Cung An Định Huế được xây dựng với diện tích 23.653 m, mặt tiền của cung quay về hướng Nam, dòng sông An Cựu nằm ở phía trước được xem như yếu tố minh đường, xung quanh cung điện được bao quanh bởi các bức tường gạch và hàng rào song sắt.
Kiến trúc của cung An Định rất độc đáo. Ảnh: kyuubeinguyen
Cung An Định Huế thời kỳ nguyên bản bao gồm 10 công trình khác nhau như cổng chính, bến thuyền, hồ nước, đình Trung Lập, lầu Khải Tường, nhà hát Cửu Tư Đài, chuồng thú…. Tuy nhiên, theo thời gian thì hiện tại cung An Định chỉ còn lại ba công trình còn tương đối nguyên vẹn là cổng chính, đình Trung Lập và lầu Khải Tường.
Cổng chính
Ngay khi đến với Cung An Định Huế, du khách hàng sẽ rất ấn tượng bởi vẻ đẹp của cổng chính. Chiếc cổng này hướng mặt ra dòng sông An Cựu với chính giữa mặt Nam được xây dựng theo lối kiến trúc cổng vòm, ở phía trên có vọng lâu, phần thân và phần mái của cổng được trang trí rất nhiều họa tiết tinh xảo và câu đối chữ Hán, kết hợp với đó là nghệ thuật ghép sành sứ màu vô cùng ấn tượng, tạo nên một điểm nhấn đầy mê hoặc.
Cổng chính của cung An Định rất tinh tế và rực rỡ. Ảnh: @elsie93.
Đình Trung Lập
Ngay khi đi qua cổng chính của Cung An Định Huế, du khách sẽ bắt gặp đình Trung Lập hay còn được gọi là Đình Bát Giác. Ở Đình Trung Lập có đặt một bức tượng vua Khải Định bằng đồng với tỷ lệ 1:1 so với nguyên mẫu khắc hoạ chân dung nhà vua đang mặc võ phục. Bức tượng này đã được khánh thành vào tháng 7/1924, trước sinh nhật lần thứ 40 của nhà Vua.
Đình Trung Lập ở Cung An Định có kiến trúc rất xinh xắn được đặt trên một nền đài cao, hai tầng mái của đình được làm theo kiểu chồng diêm với hai lớp, lớp dưới tám cạnh, lớp trên bốn cạnh, ở các bờ quyết được đắp nổi trang trí họa tiết rồng tinh xảo.
Đình Trung Lập trong khuôn viên cung An Định. Ảnh: visitapac.
Lầu Khải Tường
Lẩu Khải Tường chính là công trình kiến trúc nổi bật nhất ở Cung An Định Huế, tên gọi của lầu được chính nhà vua Khải Định đặt với ý nghĩa như một nơi khởi sự của những điềm lành. Lầu được xây trên một khuôn viên rộng 745 mét vuông với 3 tầng, 22 phòng. Ở lầu Khải Tường nội thất chính là điểm nhấn hấp dẫn nhất.
Lầu Khải Tường có không gian rất đẹp. Ảnh: _tieumahihi.
Ngay khi bước vào bên trong, du khách sẽ được ngắm nhìn những bức tranh sơn dầu được vẽ rất tinh xảo về các lăng tẩm của các vua triều Nguyễn được đóng khung sơn son thiếp vàng sang trọng. Những bức tranh này áp dụng lối phối cảnh xa gần của phương Tây và sự khắc họa tinh tế của mỹ thuật Phương Đông, tạo nên sự gặp gỡ độc đáo của hai nền văn hóa. Cho đến hiện tại người ta vẫn chưa biết ai là tác giả của những bức tranh nổi tiếng này.
Lối lên xuống cầu thang là điểm check-in rất được ưa thích. Ảnh: @_mchese_
Bức tượng vua Khải Định được làm bằng đồng. Ảnh: grievergraver.
Những bức tranh tuyệt tác ở bên trong lầu Khải Tường. Ảnh: quinnisdreaming
>> Xem thêm: Khám phá tour du lịch Huế HOT nhất hiện nay
Nhà hát Cửu Tư Đài
Trước đây ở Cung An Định còn có một công trình kiến trúc nổi tiếng khác là nhà hát Cửu Tư Đài. Nhà hát này có diện tích 1.200 mét vuông với hai tầng phía sau, có liên thông với lầu Khải Tường, bên trong nội thất được trang trí vô cùng tinh xảo với các mảnh sành sứ lộng lẫy khiến cho khuôn viên nơi đây trở nên vô cùng rực rỡ. Nhà hát Cửu Tư Đài là nơi mà vua Khải Định và vua Bảo Đại thường tổ chức các cuộc đón tiếp khách khứa trong các sự kiện đặc biệt. Tuy nhiên, một điều đáng tiếc là nhà hát Cửu Tư Đài đã bị phá hủy vào tháng 2 năm 1947.
Nhà hát Cửu Tư Đài xưa kia rất tinh xảo. Ảnh: @_g103
Ở Cung An Định còn có vườn cảnh, hồ nước được bài trí rất đẹp, thoáng đãng theo kiểu phong cách vườn Châu Âu, mang đến không gian thơ mộng quyến rũ. Xét một cách tổng quan thì kiến trúc của Cung An Định Huế được xây dựng hài hòa giữa phong cách truyền thống và phong cách kiến trúc phương Tây với những chi tiết rất đặc trưng như tiểu linh, tứ quý, bát bửu hay những điểm nhấn đậm chất Tây phương như cột theo phong cách Roman, các chi tiết trang trí thiên thần…
Khu vường trong khuôn viên Cung An Định. Ảnh: @embebabyy
An Định cũng là một trong những công trình tiêu biểu mở đầu cho việc giao thoa và chịu ảnh hưởng của văn hóa kiến trúc Tây Âu trong lịch sử mỹ thuật ở Huế, đại diện cho phong cách kiến trúc Việt Nam ở giai đoạn tân cổ điển. Hiện tại dù đã hơn trăm tuổi nhưng Cung An Định Huế vẫn luôn thể hiện những giá trị trường tồn với thời gian, đồng thời cũng là điểm nhấn tuyệt vời về nghệ thuật văn hóa kiến trúc ở xứ Huế.
Trải nghiệm hấp dẫn ở Cung An Định Huế
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của cung An Định
Kiến trúc của Cung An Định Huế là một trong những điểm nhấn tuyệt vời, mê hoặc du khách khi đến với điểm du lịch này. Công trình với tông vàng chủ đạo, sang trọng quý phái kết hợp với đó là các địa điểm check in tuyệt đẹp như lầu Khải Tường, đình Trung Lập hay cổng chính, mỗi nơi có một dấu ấn riêng để du khách thỏa thích nhìn ngắm và tận hưởng nét đẹp cổ kính cũng kiến trúc độc đáo giao thoa Đông - Tây hài hoà.
Vẻ đẹp của Cung An Định rất ấn tượng. Ảnh: _sunnga103
Lắng nghe giai thoại về các nhân vật hoàng triều Nguyễn
Cung An Định Huế gắn liền mật thiết với nhiều nhân vật lịch sử, các ông hoàng bà chúa của triều đại nhà Nguyễn như vua Khải Định, vua Bảo Đại, Đức Từ Cung hay hoàng tử Bảo Long, Nam Phương hoàng hậu… Đến đây, du khách có thể tìm hiểu về giai thoại của các nhân vật lịch sử nổi tiếng này, đặc biệt là Nam Phương hoàng hậu, người phụ nữ cao quý với tài sắc vẹn toàn, nhưng cuộc đời lại nhiều thăng trầm. Những giai thoại về Hoàng hậu là một trong những điều khiến cho Cung An Định trở nên thu hút trong mắt nhiều du khách.
Tìm hiểu những giai thoại về hoàng tộc triều Nguyễn cũng là thông tin thú vị. Ảnh: @__qquynnn
Chụp ảnh sống ảo bất tận
Với khung cảnh cổ kính và nguy nga của Cung An Định Huế, chắc chắn đây sẽ là nguồn cảm hứng sống ảo tuyệt vời dành cho du khách. Với kiến trúc giao thoa Đông - Tây du khách có thể thỏa thích thả dáng để mang về những bức ảnh tuyệt đẹp. Bí kíp sống ảo mà bạn nên bỏ túi là hãy lựa chọn những bộ áo dài thướt tha hay trang phục mang tính cổ điển để kết hợp hài hòa giữa khung cảnh đầy tính nghệ thuật của công trình kiến trúc này.
Có rất nhiều góc check-in đẹp ở cung An Định. Ảnh: @khalinhdfn
Cung An Định Huế với những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật độc đáo, đây cũng là một trong những điểm nhấn tuyệt vời trên bản đồ du lịch Huế. Đây sẽ là điểm du lịch mang đến cho du khách những trải nghiệm tuyệt vời, khám phá nét đẹp kiến trúc đầy ấn tượng đồng thời có một hành trình khám phá thú vị khi đến với mảnh đất cố đô.
Hồng Thọ - dulichvietnam.com.vn
Ảnh: Internet