Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Đắk Lắk: Tín dụng chính sách trở thành điểm tựa vững chắc cho phát triển bền vững

Báo Dân tộc & Phát triển 5 Giờ trước
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh Nguyễn Tuấn Hà chủ trì Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà chủ trì Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025

Tín dụng chính sách – Hơi thở cuộc sống, nhịp đập lòng dân

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự đi vào cuộc sống, trở thành điểm tựa vững chắc cho người dân các buôn làng vùng sâu, vùng xa, đồng bào DTTS, các gia đình khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Bà H Goanh Du, một hộ cận nghèo tại buôn Yok Đuôn, xã Yang Tao, huyện Lắk (Đắk Lắk) là một trong những minh chứng rõ ràng cho hiệu quả từ tín dụng chính sách. Nhờ khoản vay 100 triệu đồng từ NHCSXH, gia đình bà H Goanh Du đã đầu tư mua 10 con bò sinh sản tại địa phương, không chỉ giúp thoát nghèo mà còn tạo công ăn việc làm cho 4 lao động với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Doanh thu hằng năm của gia đình ông đạt khoảng 80 triệu đồng. "Việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đã giúp gia đình tôi vượt qua được khó khăn và tránh xa các nguồn tín dụng đen, đảm bảo ổn định cuộc sống," bà H Goanh Du chia sẻ.

Tương tự, gia đình bà Phan Thị Minh, một hộ gia đình tại thôn Yên Thành, xã Đắk Nuê, huyện Lắk đã được NHCSXH cho vay 90 triệu đồng để mở rộng mô hình trồng cà phê và sầu riêng. Với kinh nghiệm sẵn có, bà Phan Thị Minh cùng gia đình, đem lại doanh thu khoảng 200 triệu đồng mỗi năm. Mô hình này không chỉ giúp bà phát triển kinh tế gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. "Bằng sự hỗ trợ của nguồn vốn ưu đãi, gia đình tôi đã phát triển mô hình sản xuất và tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong gia đình, bà Minh cho biết.

Ông Trần Xuân Thành - Chủ tịch UBND xã Đắk Nuê, huyện Lắk, đánh giá rằng việc NHCSXH đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế.

Hệ thống 4.023 tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn bản cùng mạng lưới điểm giao dịch của ngân hàng phủ khắp địa bàn đã giúp người dân dễ dàng tiếp cận các khoản vay.

Nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn góp phần tạo sự đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cộng đồng dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống và ổn định xã hội.

Những ngôi nhà kiên cố, những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, những đàn bò, đàn dê sinh sôi nảy nở… là những minh chứng sống động cho hiệu quả thiết thực mà tín dụng chính sách mang lại.

Không chỉ tiếp sức về kinh tế, tín dụng chính sách còn góp phần giữ gìn an ninh trật tự, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng nông thôn mới, phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk Đào Thái Hòa kiểm tra sử dụng nguồn vốn trên địa bàn huyện Krông BôngGiám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk Đào Thái Hòa kiểm tra sử dụng nguồn vốn trên địa bàn huyện Krông Bông

Đồng hành phát triển bền vững

Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk Đào Thái Hòa, cho biết: Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, triển khai đồng bộ các giải pháp, kịp thời đưa dòng vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Tính đến hết quý I/2025, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn đạt trên 8.248 tỷ đồng, tăng trưởng ổn định. Dư nợ đạt 8.220 tỷ đồng, với trên 163.000 hộ vay vốn. Điều đáng ghi nhận là chất lượng tín dụng được giữ vững, tỷ lệ nợ quá hạn ở mức rất thấp (0,02%), khẳng định tính hiệu quả và sự tin tưởng ngày càng cao của nhân dân đối với tín dụng chính sách.

Đến nay, nguồn lực địa phương ủy thác qua NHCSXH tỉnh cũng không ngừng tăng, với trên 91 tỷ đồng được bổ sung, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc đồng hành cùng người nghèo, đối tượng yếu thế.

Hàng trăm xã, phường, thị trấn không có nợ quá hạn; hàng nghìn tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả, trở thành cánh tay nối dài đưa vốn chính sách đến tận tay người dân.

Trong những năm qua, tín dụng chính sách đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ ở các vùng nghèo, thúc đẩy giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk. Vốn tín dụng chính sách xã hội đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn, trong đó tập trung ưu tiên khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao... Nhờ sự hỗ trợ của NHCSXH, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm xuống còn 6,38% vào cuối năm 2024 và tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với xã 74 đạt chuẩn nông thôn mới.

Với 23 năm hoạt động, tín dụng chính sách xã hội tại Đắk Lắk đã giúp hơn 921 nghìn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn, với tổng dư nợ cho vay vượt mốc 8.424 nghìn tỷ đồng. Chương trình vay vốn hỗ trợ tạo việc làm đã thu hút hơn 58 nghìn lao động, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và tăng thu nhập cho người dân, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk Đào Thái Hòa cho biết thêm.

Tính đến hết quý I/2025, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đạt trên 8.248 tỷ đồngTính đến hết quý I/2025, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đạt trên 8.248 tỷ đồng

Bước sang quý II/2025, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk cùng hệ thống chính trị các cấp xác định phương hướng hành động rõ ràng, như: Tăng cường giải ngân nhanh, đúng đối tượng, đúng mục tiêu; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người dân hiểu, tin tưởng và sử dụng hiệu quả vốn vay; Tiếp tục vận động, huy động nguồn lực xã hội hóa bổ sung vốn cho tín dụng chính sách; Siết chặt công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo đồng vốn ưu đãi phát huy đúng giá trị; Quyết tâm giữ vững tỷ lệ nợ quá hạn ở mức thấp, không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng.

Tín dụng chính sách sẽ tiếp tục là công cụ sắc bén trong sự nghiệp giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Phát huy thành quả đạt được, thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tập trung huy động nguồn lực tài chính, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; thực hiện hiệu quả, chất lượng các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, đảm bảo vốn tín dụng chính sách được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng. Đồng thời phối hợp lồng ghép hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với các hoạt động khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư, hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, giúp sử dụng vốn vay hiệu quả nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương…

Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk Đào Thái Hòa chia sẻ "Chúng tôi luôn chú trọng việc triển khai nhanh chóng và hiệu quả các chương trình tín dụng đến người dân, đặc biệt là những hộ nghèo và các đối tượng chính sách, vùng đồng bào DTTS và miền núi. Mục tiêu là làm sao để nguồn vốn tín dụng chính sách có thể giúp người dân cải thiện cuộc sống và ổn định kinh tế."

Chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Lắk cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động nguồn lực tài chính và phối hợp hiệu quả với các hoạt động khuyến nông, khuyến công và chuyển giao công nghệ để giúp người dân sử dụng vốn vay một cách hiệu quả, từ đó góp phần vào quá trình giảm nghèo nhanh và bền vững.

Xem bản gốc