Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Đấu giá lại hai khối băng tần để phát triển mạng di động 4G và 5G

Báo Tin tức 11 Giờ trước
Chú thích ảnh Đấu giá lại hai khối băng tần để phát triển mạng di động 4G và 5G. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Giá khởi điểm của khối băng tần B1-B1’ và B3-B3’ đều là hơn 1,95 nghìn tỷ đồng; được thực hiện bằng cách bỏ phiếu trực tiếp với bước giá 20 tỷ đồng. Doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ được cấp giấy phép sử dụng băng tần 15 năm. Doanh nghiệp đã trúng đấu giá khối băng tần B2-B2’ (713 - 723 MHz và 768 - 778 MHz) không được tham gia đấu giá khối băng tần B1-B1' và B3-B3’.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Bộ Khoa học và Công nghệ thông báo công khai phương án tổ chức đấu giá, tổ chức muốn tham gia đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần khối băng tần B1-B1' và B3-B3' phải nộp hồ sơ đề nghị xác nhận đáp ứng điều kiện tham gia đấu giá tới Cục Viễn thông (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Khối băng tần B1-B1’ và B3-B3’ được quy hoạch để triển khai các hệ thống thông tin di động theo tiêu chuẩn IMT Advanced và các phiên bản tiếp theo, sử dụng phương thức song công phân chia theo tần số (FDD) theo Thông tư số 19/2019/TT-BTTTT ngày 25/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về quy hoạch băng tần 694 - 806 MHz cho hệ thống thông tin di động IMT của Việt Nam.

Cuối tháng 3/2025, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã công bố kế hoạch đấu giá lại quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với khối băng tần B2 - B2’. Lý do phải đấu giá lại vì trước đó, cuối tháng 12/2024, Cục Tần số vô tuyến điện đã thông báo tổ chức đấu giá khối băng tần B1-B1', B2-B2' và B3-B3' nhưng không thành công vì thiếu doanh nghiệp tham gia. 

Tại phiên đấu giá lại diễn ra ngày 20/5, sau 2 vòng đấu giá, Tập đoàn Viettel đã trúng giá khối băng tần B2-B2'. Viettel sẽ triển khai các dịch vụ truy cập Internet băng rộng di động 4G, 5G, cung cấp tốc độ cao và độ trễ thấp, phục vụ giải trí, làm việc từ xa, học trực tuyến, dịch vụ IoT (Internet vạn vật), hỗ trợ các nền tảng và ứng dụng như thành phố thông minh, nông nghiệp thông minh và quản lý giao thông thông minh…

Giá trị của một tần số phụ thuộc vào dải hoạt động rộng hay hẹp và tần số thấp hay cao. Tần số càng rộng, tốc độ truyền dữ liệu càng cao. Tần số ở dải càng thấp, sóng di động càng đi xa. Do ở tần số thấp, băng tần 700 MHz được coi là băng tần có giá trị thương mại rất cao. So với các băng tần 900 MHz, 1800 MHz hay 2100 MHz, băng tần 700 MHz có ưu điểm vượt trội về khả năng truyền sóng. Trên thế giới, băng tần 700 MHz được sử dụng rộng rãi trong các mạng di động thế hệ 4G và 5G. Đây là một trong những băng tần quan trọng giúp tối ưu hóa tốc độ và độ phủ sóng của các mạng di động thế hệ mới. Sử dụng băng tần 700 MHz giúp các nhà mạng nâng cao chất lượng dịch vụ di động, đặc biệt là trong các khu vực mật độ người dùng cao như thành phố lớn, giúp giảm tình trạng tắc nghẽn mạng và cung cấp dịch vụ ổn định hơn cho người dùng.

Trước khi băng tần 700 MHz được đấu giá, băng tần này đã được sử dụng cho dịch vụ truyền hình analog. Tuy nhiên, với việc chuyển đổi sang truyền hình số mặt đất tại Việt Nam, băng tần này được chuyển giao cho các nhà mạng di động để phục vụ dịch vụ viễn thông. 

Việc đấu giá và sớm đưa vào khai thác băng tần 700MHz là một trong những giải pháp cụ thể nhằm triển khai hiệu quả các chủ trương, định hướng lớn của Đảng, đặc biệt là hiện thực hóa mục tiêu về phát triển hạ tầng số được nêu rõ trong Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Xem bản gốc