Bài cập nhật
ĐHĐCĐ FPTS: Vì sao đặt kế hoạch lãi đi lùi?
CTCP Chứng khoán FPT (FPTS, HOSE: FTS) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 vào 14h ngày 01/04/2025, trao đổi nhiều nội dung quan trọng mà nổi bật là kế hoạch kinh doanh và phát hành cổ phiếu.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của FPTS diễn ra vào chiều ngày 01/04/2025 - Ảnh chụp màn hình
Thảo luận:
Vì sao đặt kế hoạch thận trọng?
Thị trường năm 2025 có nhiều sự tích cực nhưng FPTS lại đặt mục tiêu đi lùi về lợi nhuận, đồng thời thị trường đang chứng kiến cuộc đua tăng vốn, trong khi FPTS không làm điều đó, vì sao?
Tổng giám đốc Nguyễn Điệp Tùng: Kế hoạch được đưa ra dựa trên đánh giá tình hình thị trường của Ban lãnh đạo FPTS. Trong năm 2025, chính sách thực hiện zero-fee của các công ty chứng khoán sẽ khiến khoản thu từ môi giới giảm đi. Ngoài ra, lãi suất margin cũng giảm. Do đó, không thể nói tình hình như vậy là tích cực.
Tăng trưởng của công ty chứng khoán phải dựa trên phí giao dịch, phí margin, tự doanh và FPTS không nhìn thấy sự tăng trưởng nên vẫn đặt kế hoạch tương tự năm 2024.
Về tăng vốn, việc này phải đi kèm kế hoạch sử dụng vốn hiệu quả, trả lời câu hỏi FPTS tăng vốn thì sẽ sử dụng cho việc gì, có hiệu quả hay không. Không đưa ra được kế hoạch cụ thể thì việc huy động vốn không phải là phương án tốt.
Nhờ Công ty làm rõ hơn về kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2025. Liên quan đến định hướng của Chính phủ năm 2025 là chính sách tiền tệ mở rộng, Công ty đánh giá thế nào về việc này?
Tổng giám đốc Nguyễn Điệp Tùng: Kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2025 đã nêu không tính đến các khoản chưa thực hiện, do đó chưa có sự đóng góp của khoản đánh giá lại cổ phiếu MSH.
Về doanh thu margin, đương nhiên dư nợ tăng thì doanh thu lên. Thị phần và giao dịch margin bao giờ cũng đi liền với nhau, giao dịch margin nhiều hơn sẽ ảnh hưởng đến thị phần. Trong môi trường cạnh tranh, các công ty chứng khoán, đặc biệt là các công ty trực thuộc ngân hàng, việc giảm phí margin sẽ giúp tăng thị phần bởi thu hút được thêm khách hàng.
Cuối cùng, chính sách tiền tệ mở rộng của Chính phủ mới chỉ là thông tin, khi việc đó đi vào thị trường, tác động ra sao thì Công ty mới ứng xử với các dữ liệu thực tế, chứ không thể đưa ra kế hoạch hành động dựa trên thông tin chưa rõ ràng.
Tầm nhìn 5 năm tới, Ban lãnh đạo kỳ vọng thị trường sẽ nhìn thấy FPTS là công ty như thế nào? Khác biệt cạnh tranh nào để FPTS tự tin thu hút thêm khách hàng?
Tổng giám đốc Nguyễn Điệp Tùng: Định hướng của FPTS luôn có việc đầu tư vào đội ngũ tư vấn. FPTS định hướng khâu tư vấn sẽ không gắn liền với phí giao dịch của khách hàng như các công ty khác. Đến năm 2025, bộ phận tư vấn sẽ không còn liên quan đến phần chăm sóc, mở tài khoản nữa, để mỗi chuyên viên tư vấn không còn phụ thuộc vào khách hàng có giao dịch hay không, mà sẽ thu phí tư vấn.
Bên cạnh đó, chuyên viên phải nâng cao trình độ, nếu không, hoàn toàn có thể mất khách hàng chỉ bằng một lần “click”.
Cổ đông lớn SBI luôn muốn đem tiền sang hỗ trợ FPTS
Công ty không có chủ trương tăng vốn, nhưng hiện tại cạnh tranh đang quá khốc liệt, vậy có chiến lược gì để tối ưu hóa hiệu quả, tăng biên lợi nhuận?
Tổng giám đốc Nguyễn Điệp Tùng: Cạnh tranh của các công ty tất nhiên rất khốc liệt, FPTS phải có lợi thế để đảm bảo hoạt động và giữ được vị trí. Các cổ đông FPTS cũng đã nhìn thấy ứng dụng giao dịch mới, đó là thành quả của sự cố gắng thực hiện trong 8 tháng vừa qua. FPTS sẽ phải tiếp tục làm những điều tương tự. Hay đối mặt với cuộc đua zero-fee, dù FPTS không thực hiện chính sách đó nhưng vẫn phải tìm cách giữ chân khách hàng. Một điều nữa là từ trước đến nay, FPTS luôn dựa vào lợi thế công nghệ và đội ngũ nhân sự của mình.
Các kế hoạch tôi không thể nói chi tiết hơn, bởi cuộc đua khốc liệt và FPTS không thể trả lời nhiều hơn.
Hiện nay các công ty chứng khoán có yếu tố nước ngoài thì sự phối hợp để có dòng vốn giá rẻ ở Việt Nam rất tích cực. Với vai trò của mình, dòng tiền của đối tác Nhật bản vào Việt Nam theo kênh gián tiếp như thế nào? Có kế hoạch gì để hỗ trợ FPTS?
Thành viên HĐQT Ông Kenji Nakanishi: Gần đây các đồng tiền so với Việt Nam rất rẻ, tuy nhiên đồng Yên đưa ra nước ngoài đầu tư lại rất đắt và phải mua các hợp đồng 'hedging' tỷ giá, nên việc đầu tư rất đắt đỏ. Với vai trò cổ đông lớn, SBI luôn tìm ra cách để đem tiền đầu tư từ Nhật Bản sang Việt Nam để giúp đỡ FPTS.
Kế hoạch hỗ trợ FPTS chúng tôi không thể chia sẻ chi tiết ở đây, nhưng cần khẳng định đây là điều chúng tôi luôn suy nghĩ đến.
Chúng tôi có xem xét triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam và cảm thấy rất tự tin, GDP năm ngoái trên 7%, năm 2025 đặt mục tiêu trên 8% và các năm sau nữa là tăng trưởng hai con số. Việt Nam luôn là điểm sáng đối với các nhà đầu tư Nhật Bản cũng như quốc tế.
Tổng giám đốc Nguyễn Điệp Tùng: SBI và FPTS đã hợp tác rất lâu, tuy nhiên cơ hội đầu tư ở Nhật Bản cũng có rất nhiều. Thứ hai, câu chuyện tỷ giá rất quan trọng và nhà đầu tư Nhật Bản phải 'hedging'. Thứ ba là vấn đề về thủ tục. Do đó, câu chuyện có tiền tại Nhật Bản và ngay lập tức mang ra đầu tư tại Việt Nam là không hề dễ dàng.
Tình hình chạy thử KRX tại FPTS đang như thế nào?
Tổng giám đốc Nguyễn Điệp Tùng: Sở giao dịch và các công ty chứng khoán đang tích cực làm việc để đưa ra thị trường hệ thống KRX. FPTS có thế mạnh về công nghệ nên tình hình chạy thử là hoàn toàn khả quan. FPTS luôn sẵn sàng và là một trong những đơn vị đầu tiên vận hành trơn tru KRX.
Chưa có kế hoạch chốt lời MSH
Tình hình tự doanh đang ra sao, khi nào chốt lời MSH?
Tổng giám đốc Nguyễn Điệp Tùng: FPTS không tập trung vào tự doanh trên sàn, vì điều này sẽ mâu thuẫn quyền lợi với chính khách hàng. FPTS chỉ thực hiện đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp chưa niêm yết và đồng hành, như trường hợp của MSH. FPTS đi cùng MSH mười mấy năm và chưa nói đến chuyện rời đi, nếu việc hợp tác còn hiệu quả cho cổ đông.
Tuy nhiên, tôi không khẳng định năm 2025 sẽ không chốt lời, bởi nếu có gì thay đổi thì chúng ta phải thay đổi theo, phải có hành động chứ không thể đứng im. Do đó, tôi chỉ có thể nói FPTS chưa có kế hoạch chốt lời.
Theo BCTC năm 2024, FPTS còn tồn khoản vay VIB 650 tỷ, vừa qua còn vay thêm VIB 1,750 tỷ nữa, tổng cộng 2,400 tỷ đồng. Lý do tôi tin tưởng FPTS là có Tập đoàn FPT đứng sau hỗ trợ, nhưng nhìn thấy vay tiền như vậy, tôi thắc mắc là FPT cũng đã công bố BCTC 2024 với số tiền mặt 31 ngàn tỷ đồng, trong đó có tiền gửi không kỳ hạn rất lớn hưởng lãi suất 0.5%/năm. Tại sao FPTS không tận dụng nguồn tiền từ Tập đoàn FPT mà phải đi vay VIB với lãi suất cao hơn?
Tổng giám đốc Nguyễn Điệp Tùng: Hạn mức 1,750 tỷ đồng là hạn mức mới, thay thế cho hạn mức cũ, chứ không thể cộng dồn như vậy.
Con số mấy ngàn tỷ của FPT trên tài khoản không kỳ hạn không có nghĩa sẽ luôn nằm ở đó, nên không thể nhìn vào đó mà có thể đem ra để FPTS dùng. FPT và FPTS cũng là hai pháp nhân riêng, mỗi đơn vị đều có kế hoạch tài chính riêng của mình.
Nếu như các công ty con mà chỉ trông đợi vào “bầu sữa” của Tập đoàn mẹ thì cũng không thể tồn tại được. Rõ ràng với vấn đề dòng tiền, cổ đông FPTS mong muốn như vậy, nhưng cổ đông FPT lại khác, muốn dùng tiền của mình để đem lại lợi ích cho cổ đông FPT chứ không phải FPTS. Do đó, Pháp luật cũng đã quy định các giao dịch như vậy phải được ĐHĐCĐ thông qua.
Tập đoàn FPT đang có những hỗ trợ gì đối với FPTS?
Tổng giám đốc Nguyễn Điệp Tùng: Theo tôi, FPTS phải tự lo được khả năng cạnh tranh. Bất kỳ doanh nghiệp nào ra đời mà chỉ trông đợi vào sự hỗ trợ của Tập đoàn mẹ, cổ đông lớn… tôi không nghĩ các đơn vị như vậy có thể tồn tại, phát triển tốt trên thị trường. Việc hợp tác trước tiên phải là 'win-win', có lợi giữa cả hai bên.
Kế hoạch kinh doanh thận trọng
HĐQT FPTS trình cổ đông và được thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với doanh thu hoạt động kinh doanh và hoạt động tài chính 1,000 tỷ đồng, giảm 0.6% so với thực hiện 2024, lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, giảm 2.5%.
Ban lãnh đạo FPTS dẫn chứng dự báo của nhiều tổ chức về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 ở mức tương đương năm 2024, tức 2.8 - 3.3%, đồng thời đánh giá chính sách kinh tế của Chính phủ Donald Trump sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Trong nước, Chính phủ đặt kế hoạch GDP tăng trưởng trên 8% và CPI dưới 4.5%, trong khi tỷ giá USD/VND khả năng biến động khó lường.
Về thị trường chứng khoán, hệ thống KRX dự kiến vận hành trong năm 2025, tuy nhiên thị trường sẽ không có thêm sản phẩm mới, mặt khác có rất ít cổ phiếu mới được niêm yết/đăng ký giao dịch. Các công ty chứng khoán vẫn tiếp tục đẩy mạnh các chương trình giảm phí giao dịch và lãi suất cho vay margin để thu hút khách hàng.
Mục tiêu lợi nhuận trên cho thấy sự thận trọng của FPTS, bởi khi nhìn lại kết quả thực hiện từ năm 2021-2024, mức lợi nhuận kế hoạch năm 2025 là thấp nhất.
FPTS đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng trong năm 2025
Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance
Chi gần 153 tỷ đồng cổ tức, phát hành gần 40.6 triệu cp
Dựa trên hơn 573 tỷ đồng lợi nhuận có thể phân phối, cổ đông FPTS thông qua kế hoạch trích quỹ khen thưởng phúc lợi 10% lãi sau thuế đã thực hiện năm 2024, tương ứng gần 42 tỷ đồng; trả cổ tức năm 2024 bằng tiền 5% (500 đồng/cp), tối đa gần 153 tỷ đồng; phát hành cổ phiếu thưởng tối đa gần 306 tỷ đồng. Phần lợi nhuận đã thực hiện còn dư sẽ được giữ lại.
Phương án phân phối lợi nhuận năm 2024

Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2025 của FPTS
Trong đó, kế hoạch chia cổ tức bằng tiền dự kiến được thực hiện trong quý 2/2025. Mức cổ tức này cũng tương đồng các năm gần đây.
Còn với phương án cổ phiếu thưởng, khối lượng phát hành gần 30.6 triệu cp cho cổ đông hiện hữu của FPTS, tương ứng tỷ lệ 10:1 (cổ đông sở hữu 10 cp sẽ được nhận thêm 1 cp mới). Phương án dự kiến được thực hiện trong quý 2 - 3/2025.
Các cổ đông cũng thông qua nội dung quan trọng khác là phương án phát hành gần 10 triệu cp theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) năm 2025, tương ứng tỷ lệ 2.9682%. Lượng cổ phiếu này sẽ được giải tỏa theo tỷ lệ 50% sau một năm và 50% sau hai năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.
Đợt ESOP này dự kiến thực hiện cũng trong quý 2 - 3/2025. Với giá phát hành 10,000 đồng/cp, Công ty có thể thu về gần 100 tỷ đồng, toàn bộ sẽ được cân đối sử dụng để bổ sung vốn cho hoạt động margin.
Với hai phương án phát hành kể trên, FPTS dự kiến phát hành tổng cộng gần 40.6 triệu cp. Lưu ý rằng, lượng cổ phiếu ESOP không được hưởng quyền nhận cổ phiếu thưởng.
Huy Khải
FILI
- 16:10 01/04/2025