EPS 2024 chứng kiến nhiều cái tên tăng sốc
Kết quả kinh doanh là yếu tố quyết định chính đến EPS của một doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 dù tăng hơn 12% so với cuối năm trước, nhưng phần lớn thời gian diễn ra theo xu hướng “lình xình”, cho thấy các doanh nghiệp đã trải qua 1 năm kinh doanh tương đối thiếu lực bật. Tuy nhiên, top tăng trưởng EPS của năm vẫn chứng kiến nhiều cái tên tăng sốc tới hàng chục, thậm chí hàng trăm, hàng ngàn lần.
EPS (Earnings per share) là lợi nhuận sau thuế của công ty phân bổ trên một cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường.
Thống kê từ VietstockFinance cho thấy, top các doanh nghiệp đạt EPS cao nhất toàn thị trường năm 2024 đa phần tăng mạnh so với năm trước. Trong số 20 doanh nghiệp top đầu, có tới 16 cái tên đạt EPS trên 10 ngàn đồng. Tuy vậy, các gương mặt cũ biến động không đáng kể, thậm chí đi lùi, chủ yếu do kết quả kinh doanh có phần ổn định trong những năm qua.
Trùm EPS thị trường 2024 là ai?
Top 20 doanh nghiệp có EPS cao nhất năm 2024

Giữ vững ngôi vương năm qua là SLS (Mía đường Sơn La) với EPS đạt 53,754 đồng, bỏ xa các đơn vị xếp sau. Tuy nhiên, tăng trưởng chỉ là 1% so với năm trước do niên độ 2023-2024 (từ tháng 7 năm trước đến tháng 6 năm kế tiếp) đạt lợi nhuận kỷ lục. Cũng vì vậy mà 6 tháng đầu niên độ 2024-2025 (từ tháng 7-12/2024), dù SLS tăng doanh thu tới 71% (105 tỷ đồng) và có biên lợi nhuận cao nhất ngành, lãi ròng Doanh nghiệp vẫn giảm nhẹ.
Dù bị bỏ cách khá xa (28,403 đồng/cp), á quân EPS là BTH (CTCP Chế tạo Biến thế và Vật liệu Điện Hà Nội) vẫn gây ấn tượng vì mức tăng sốc, gấp tới hơn 7 ngàn lần năm trước. Nguyên nhân do từ quý 2/2024, BTH bắt đầu ghi nhận doanh thu bất động sản từ 32 căn chung cư và 2 căn liền kề vào kết quả kinh doanh, giúp lãi ròng tăng vọt lên 710 tỷ đồng (cùng kỳ chỉ lãi hơn 105 triệu đồng).
Top 3 thuộc về RAL (Bóng đèn Phích nước Rạng Đông), khi doanh nghiệp này tiếp tục vào top EPS cao nhất toàn thị trường với 25,111 đồng, giảm nhẹ so với năm trước. Thực tế, lãi ròng 2024 của RAL tăng nhẹ, nhưng EPS vẫn đi lùi do cổ phiếu bị pha loãng từ đợt phát hành ESOP vào tháng 4/2024.
Cùng với SLS và RAL, danh sách năm nay vẫn ghi nhận nhiều gương mặt cũ như WCS (Bến xe miền Tây) với 25,072 đồng, VCF (VinaCafé Biên Hòa) đạt 16,797 đồng, IDP (Sữa Quốc tế LOF) với 14,162 đồng, BMP (Nhựa Bình Minh) với 12,103 đồng… Nhìn chung, EPS của các gương mặt cũ thay đổi không nhiều, thậm chí đi lùi, chủ yếu do kết quả kinh doanh không có quá nhiều biến động trong các năm gần đây.
Tuy nhiên, các gương mặt mới cũng xuất hiện với mức EPS tăng bằng lần. HGM (Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang) đạt 14,777 đồng, gấp 3.4 lần năm trước. Trong năm 2024, HGM lãi ròng hơn 185 tỷ đồng, gấp 4.7 lần, với đóng góp chủ yếu ở quý 4 (lãi gần 121 tỷ đồng). Công ty lý giải, doanh thu bán hàng tăng trưởng nhờ sản lượng tiêu thụ và giá bán lần lượt tăng hơn 28% và 221% so với cùng kỳ.
L40 (Đầu tư và Xây dựng 40) đạt 11,904 đồng, gấp 38 lần năm trước. Lý do phần lớn đến từ quý 4, khi hoạt động Công ty dần trở lại bình thường, các công trình được thi công trở lại sau thời gian dài vướng công tác mặt bằng, cũng như khai thác được tối đa công suất từ các hoạt động kinh doanh khác như thuê kho bãi, văn phòng…
Một cái tên đáng chú ý khác là SII, với EPS chuyển từ số âm sang có lời 10,228 đồng/cp. Tuy nhiên, việc vào top của SII chủ yếu từ doanh thu tài chính tăng vọt trong quý 4 nhờ thoái vốn tại các công ty liên kết.
Top 20 doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu cao nhất năm 2024

Trường hợp của SII cho thấy EPS không phải là chỉ số toàn năng, khi một doanh nghiệp hoàn toàn có thể vào top thị trường nếu hoạt động kinh doanh tăng đột biến nhờ hoạt động không cốt lõi, cũng như lượng cổ phiếu lưu hành không lớn. Do vậy, để có sự so sánh trực quan, cần xét thêm nhiều yếu tố khác, trong đó có vốn chủ sở hữu.
Trong nhóm 20 doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu cao nhất thị trường, VHM (Vinhomes) đạt EPS cao nhất với 7,257 đồng, nhưng đi lùi 5%. Tuy nhiên, VIC (Vingroup) lại cho thấy mức tăng trưởng vượt trội với EPS 3,155 đồng, gấp 5.6 lần năm trước. Trong năm 2024, VIC lập kỷ lục doanh thu hơn 16.7 ngàn tỷ đồng (tăng 22%), và lãi sau thuế gần 5.3 ngàn tỷ đồng, gấp 2.5 lần năm trước. Động lực chính đến từ tốc độ bàn giao mạnh mẽ các bất động sản tại các đại dự án, đặc biệt là Vinhomes Royal Island, song song với sự tăng trưởng vượt bậc từ mảng xe điện.
3 cái tên khác cũng ghi nhận mức tăng bốc đầu, bao gồm GVR đạt EPS 1,289 đồng, gấp 2.7 lần cùng kỳ; MSN đạt 1,345 đồng, gấp 4.6 lần; hay VGI gấp 8.9 lần, đạt 1,816 đồng.
Chiều ngược lại, EPS của BSR (Lọc hóa dầu Bình Sơn) rơi tới 93%, còn 202 đồng, do thua lỗ liên tiếp tại 2 quý cuối năm. NVL (Novaland) thậm chí rơi xuống số âm sau năm đầu tiên báo lỗ kể từ khi niêm yết.
Tăng sốc - Giảm sâu
Với mức tăng hàng ngàn lần, không ngạc nhiên khi BTH tiếp tục dẫn đầu danh sách EPS tăng mạnh nhất. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có nhiều trường hợp phi mã, mức tăng lên tới cả trăm lần.
Như VIT (Viglacera Tiên Sơn) với EPS 1,115 đồng, gấp tới 556 lần năm trước. Nguyên nhân nhờ giảm được chi phí tài chính (do lãi suất giảm), và không phát sinh chi phí phát triển thị trường như cùng kỳ, qua đó kéo lợi nhuận tăng gấp 10 lần.
HU4 và PAS dù đều có EPS dưới 1,000 đồng, nhưng đều tăng gấp 100 lần năm trước. Thậm chí, toàn bộ các doanh nghiệp trong top 20 đều có mức tăng EPS trên 10 lần.
Các doanh nghiệp có EPS tăng “bốc đầu” trong năm 2024…

Chiều ngược lại, rất nhiều cái tên rơi vào cảnh… bi đát khi EPS rơi tự do. 18 trong số 20 doanh nghiệp giảm sâu nhất năm qua đã chứng kiến EPS rơi tới trên 90% giá trị. Trong đó, 3 cái tên giảm mạnh nhất là SCI, ILA, PSH, mức rơi tới gần 100%.
Không chỉ vậy, EPS của nhiều doanh nghiệp còn bị đẩy về số âm vì kinh doanh thua lỗ, như TMT lỗ 8,554 đồng/cp dù năm trước lãi mỏng 77 đồng. Doanh nghiệp kinh doanh xe điện Wuling đã lỗ 3 quý liên tiếp vì kinh doanh dưới giá vốn do cắt lỗ hàng tồn kho, cùng với đó là chi phí hoạt động gia tăng.
Hay như TLH (Thép Tiến Lên) lỗ 5,217 đồng/cp (cùng kỳ lãi 35 đồng) sau năm kinh doanh bết bát nhất lịch sử hoạt động với 3 quý thua lỗ liên tiếp, luỹ kế lỗ ròng gần 600 tỷ đồng. TLH giải trình, sản lượng tiêu thụ thép giảm, giá vốn bình quân cao hơn cùng kỳ, phải trích lập thêm dự phòng giảm giá hàng tồn kho, trong khi chi phí tài chính tăng mạnh vì nhu cầu vốn vay đã tạo ra kết quả trên.
…và các đơn vị giảm EPS mạnh nhất năm

Châu An
FILI
- 08:05 04/03/2025