Ngày anh đi bộ đội, mẹ và em đưa anh lên chỗ ủy ban. Mẹ cho tiền, cho thuốc sốt rét vào balo gửi anh mang đi. Lúc chia tay, mẹ con ôm nhau bịn rịn không rời. Mẹ bảo: “Con cứ đi, hết nghĩa vụ thì về, lúc đấy đã có trầu cau để cưới vợ”.
Nhưng sau đó, cả nhà chờ mãi, chỉ chờ được tin anh đã hi sinh, hài cốt không thể trở về. Nỗi đau ấy không chỉ của một người mẹ, một gia đình, mà là nỗi niềm chung của cả dân tộc Việt Nam, thôi thúc các thế hệ sau không ngừng tìm kiếm, trả lại danh tính cho hàng trăm nghìn ngôi mộ liệt sĩ chưa rõ danh tính.
Ngày 23/7/2024, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn nút khởi động Ngân hàng Gen (ADN) thân nhân liệt sĩ chưa xác định thông tin và thân nhân liệt sĩ. Đây là cột mốc lịch sử, đánh dấu bước ngoặt trong hành trình tri ân những người anh hùng đã hy sinh vì độc lập dân tộc. Dự án do Bộ Công an đứng ra thực hiện, cùng với sự đồng hành của GeneStory, đơn vị đầu tiên đủ điều kiện tạo lập dữ liệu cho Ngân hàng gen.
Tròn một năm sau, Dự án đã được hơn 51.000 mẫu gen từ khắp mọi miền đất nước. Mỗi mẫu gen là một tia hy vọng, thắp sáng niềm tin cho những gia đình vẫn ngày đêm mong ngóng. 16 gia đình đã tìm lại được hài cốt người thân, 16 liệt sĩ được trở về quê hương sau hàng chục năm nơi chiến trường xa. Hành trình ấy, dù còn dài, nhưng đã mang lại ánh sáng hy vọng, nối liền quá khứ với hiện tại, để những hy sinh không bị lãng quên.

Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Bình An, Tiền Phong, Yên Dũng, Bắc Giang (cũ), nay thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh (mới), từng có một cụ bà vẫn thường ôm chặt tấm ảnh con trai liệt sĩ của mình, khóe mắt đọng lại những nếp nhăn thẳm sâu năm tháng. Trước khi nhắm mắt xuôi tay vào năm 1993, cụ vẫn khắc khoải niềm hy vọng: “Phải tìm anh bằng được, đưa anh về quê hương, để đoàn tụ cùng bố mẹ nơi chín suối.”
Đó là mẹ của Liệt sĩ Lương Bá Nho. Anh sinh năm 1951, là con thứ hai trong gia đình có truyền thống cách mạng. Trong ký ức gợi nhớ của mọi người, anh nhỏ bé, điềm đạm, học giỏi và đặc biệt giàu lòng yêu nước.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh tiếp tục theo học tại Trường Công nghiệp Bắc Ninh. Năm 1970, khi mới hơn 19 tuổi và đang là sinh viên năm hai, anh tình nguyện nhập ngũ. Tết năm đó, anh về thăm gia đình vỏn vẹn một ngày rồi ra đi. Sáng sớm, trời mưa phùn, chỉ có vài người em tiễn anh ra đầu làng, mang theo ba lô và sọt đá cha đan sẵn để hành quân rèn luyện.

Từ ngày anh đi, gia đình không còn nhận được thêm bất kỳ tin tức nào ngoài một bức thư chúc Tết gửi về sau đó. Đằng đẵng đợi chờ, cuối cùng, gia đình chỉ nhận được một tờ giấy báo tử. Hóa ra, ngày 7/9/1970, liệt sĩ Lương Bá Nho đã hy sinh do sốt rét khi đang hành quân qua Campuchia.
Một đồng đội là người anh nuôi đã cõng anh vào bệnh viện và trực tiếp lo hậu sự tại đó. Năm đó, người em trai là ông Lương Bá Doanh mới chỉ 14 tuổi vẫn còn nhớ ngày bố mẹ khóc cạn nước mắt khi nghe tin dữ.
Trong suốt hơn 50 năm sau ngày anh hy sinh, gia đình vẫn chưa xác định được nơi an nghỉ chính xác, dù đã không ngừng nỗ lực. Phải đến ngày hôm nay, với trí tuệ và công nghệ hiện đại, hài cốt chưa rõ danh tính nằm ở nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, suốt nửa thế kỷ mới được trả lại danh tính. Người chiến sĩ Lương Bá Nho mới được trở về với gia đình mình.

Người em trai nghẹn ngào nói: “Chúng tôi vẫn luôn mơ ước được gặp lại anh. Giờ đây, điều tưởng chừng không thể đã trở thành sự thật. Cảm ơn những người đã không bỏ cuộc cùng gia đình.”
Đó không chỉ là điều kỳ diệu của riêng gia đình liệt sĩ Lương Bá Nho, mà cũng là phép màu với 15 gia đình khác cuối cùng đã tìm được người thân của mình, và sẽ còn nhiều hơn nữa trong tương lai. Đây chính là thành quả của một hành trình nỗ lực không ngừng nghỉ để chạy đua với thời gian, chỉ mong trả lại tên cho những người đã khuất, để “nỗi đau đất nước” được nguôi ngoai.

Đã 50 năm kể từ ngày chiến tranh trôi qua, nhưng câu hỏi về số phận của hàng trăm nghìn liệt sĩ Việt Nam vẫn để ngỏ. Thiếu tướng Vũ Văn Tấn, Cục trưởng C06 Bộ Công an, cho biết: "Theo thống kê, hiện nay vẫn còn khoảng 500.000 liệt sỹ chưa xác định được danh tính, trong đó 200.000 hài cốt chưa quy tập và 300.000 hài cốt đã an táng nhưng thiếu thông tin. Đó là nỗi day dứt của chúng ta. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ luôn được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam".
Trong những ngôi nhà nhỏ khắp các vùng quê, từ đồng bằng Bắc Bộ đến cao nguyên Tây Nguyên, những thế hệ con cháu vẫn miệt mài hành trình tìm kiếm, mang theo tình cảm tri ân sâu sắc và trách nhiệm không ngừng nghỉ.

Câu chuyện về một gia đình ở Quảng Trị là một minh chứng sống động. Ba thế hệ trong gia đình này, từ bố mẹ, đến anh em và nay là các cháu đã nối tiếp nhau đi tìm người thân mất tích trong chiến tranh. Họ đã đi khắp nơi, lục tung các nghĩa trang từ Bắc chí Nam nhưng vẫn vô vọng.
Gia đình này không đơn độc. Ở Thái Bình (nay được sáp nhập vào tỉnh Hưng Yên), một người chị gái kể lại ký ức đau lòng về em trai liệt sĩ Nguyễn Văn Yên, người đã ra đi khi mới 19 tuổi. “Em ra đi không mang theo thứ gì, chỉ căn dặn ‘Chị trông nom bố mẹ giúp em’. Lúc đó, em đã ăn hỏi, có người yêu. Nhưng sau tin em hy sinh, người yêu trả lễ để đi lấy chồng.
Thời điểm đó, em trai nhỏ trong nhà là Nguyễn Văn Hàn mới 14 tuổi, không dám khóc. Sau này trưởng thành, Hàn đi khắp các tỉnh phía Nam từ Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu, Tây Ninh… dò hỏi từng nghĩa trang mà vẫn không thể tìm được hài cốt”, người chị nghẹn ngào kể.
Nhưng giờ đây, hành trình ấy không chỉ là những lần dò hỏi qua từng làng mạc, từng trang giấy cũ kỹ, mà là hành trình của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và công nghệ gen tiên tiến, để đạt được những đột phá quan trọng.

Đó là tiền đề để dự án Ngân hàng Gen Việt Nam ra đời, giúp hy vọng thêm phần to lớn. Dự án này không chỉ mang ý nghĩa khoa học mà còn là hành trình nhân văn, giúp các thế hệ con cháu thực hiện trách nhiệm thiêng liêng: Mang tên tuổi người lính trở về với gia đình.
Giáo sư Vũ Hà Văn, nhà đồng sáng lập GeneStory, khẳng định rằng: “Nhờ công nghệ gen tiên tiến, dữ liệu di truyền sẽ trở thành cây cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, đưa những người con anh hùng trở về với gia đình sau cả nửa thế kỷ. Mỗi một mẫu gen được thu thập hôm nay không chỉ là mẫu vật sinh học, đó là sự kết nối ký ức, sự nối dài của tình thân qua nhiều thế hệ.”

Hành trình 1 năm của GeneStory và Ngân hàng Gen hợp tác cùng Bộ Công an không chỉ là những con số, mà là những câu chuyện của nước mắt, niềm vui và sự đoàn tụ. Đằng sau đó là 365 ngày đêm không ngừng nghỉ, đội ngũ trong phòng thí nghiệm miệt mài đối sánh, mang theo hy vọng và lòng tri ân sâu sắc. Hơn 51.000 mẫu gen được thu thập từ Bắc vào Nam trong vòng một năm, mỗi mẫu là một tia hy vọng kết nối quá khứ với những gia đình đang chờ đợi.
TS Dương Ngọc Cường, Tổng Giám đốc GeneStory trực tiếp chỉ đạo và đồng hành trong quá trình thu mẫu, không tránh khỏi nghẹn ngào khi nhớ về một bà mẹ Việt Nam Anh hùng ở một tỉnh phía Bắc. Khi được thông báo sẽ có đoàn công tác đến thu mẫu gen, bà đã nằm liệt giường một thời gian, dù sức khỏe rất yếu nhưng vẫn kiên trì.
“Không ai ngờ được, buổi sáng đoàn công tác vừa tới lấy mẫu xong, ngay chiều hôm ấy, gia đình báo tin mẹ đã ra đi. Cả đoàn như lặng đi. Khoảnh khắc đó, chúng tôi nhận ra có một sức mạnh tiềm ẩn đã giúp bà gắng gượng. Chỉ khi đã hoàn thành giao phó mẫu gen, bà mới yên tâm từ biệt cõi đời”, ông bùi ngùi nhớ lại.

Những câu chuyện như vậy không chỉ là minh chứng cho tình cảm sâu đậm của gia đình, người thân các liệt sĩ, mà còn cho thấy sức mạnh của công nghệ trong việc mang lại sự an ủi cho những tâm hồn đã chờ đợi quá lâu. Hàng nghìn người tham gia dự án, từ lực lượng Công an đến đội ngũ GeneStory, đến các hội đoàn thể địa phương, cũng càng thêm khẩn trương thực hiện nhiệm vụ trên vai, bởi thời gian không chờ đợi ai bao giờ.
Đặc biệt, trong các đợt thu mẫu cao điểm đầu tiên, những bà mẹ liệt sĩ hiện đã qua tuổi 80 luôn được ưu tiên hàng đầu. Có các cụ trăm tuổi được gia đình bế đến điểm thu mẫu, cũng có trường hợp phải cử cán bộ đến tận nhà để không gây ảnh hưởng sức khỏe các cụ.
Thêm vào đó, quá trình thu mẫu cũng gặp khó khăn trong việc xác định chính xác nơi cư trú của thân nhân, đảm bảo quy trình xác thực danh tính nghiêm ngặt. Nhiều thân nhân đã di cư, chuyển nơi sinh sống. Có trường hợp người trong gia đình khăng khăng đòi lấy mẫu dù không có quan hệ huyết thống với liệt sĩ, hoặc một em gái mang căn cước của chị gái để thay thế.

“Nhờ quy trình xác thực CCCD bằng máy móc, phần mềm nhận diện, chúng tôi phát hiện ngay rằng người đến lấy mẫu không khớp thông tin. Phải xác thực đúng người cần lấy mẫu, kết quả phân tích mới chính xác được,” TS Dương Ngọc Cường cho biết. Những sai sót nhỏ như vậy có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong phân tích ADN. Quá trình xây dựng dự án Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư, triển khai Đề án 06 CP đã giúp đảm bảo độ chính xác tuyệt đối, bảo mật cao nhất cho người dùng.
“Xuyên suốt quá trình này, chúng tôi cảm nhận rõ hơn ý nghĩa thiêng liêng của công việc này, một nỗ lực thiết thực để tri ân những người đã hy sinh cho Tổ quốc,” đại diện của đội ngũ GeneStory chia sẻ.
Và nỗ lực của hàng nghìn con người đã và đang âm thầm cống hiến trên khắp cả nước đã được đền đáp. 16 danh tính liệt sĩ đã được xác định, cũng là 16 gia đình được đón người thân trở về sau hàng chục năm mòn mỏi tìm kiếm, 16 Anh hùng được trở về yên nghỉ tại quê hương của chính mình. Với hệ thống mẫu gen được quy tập ngày một đầy đủ và ứng dụng các thuật toán đối chiếu tự động, con số này được kỳ vọng sẽ tăng nhanh khi quy trình giải mã mẫu hài cốt được mở rộng.
Khoa học đang trả lại tên cho những người đã ngã xuống, khâu lại những vết thương lịch sử. Dòng chảy dữ liệu không vô cảm, nó chở theo cả những yêu thương, trách nhiệm và lòng biết ơn của thế hệ hôm nay. Khi công nghệ biết khóc, đó là lúc lịch sử được kể lại bằng ngôn ngữ của nhân văn và trí tuệ.

Dự án Ngân hàng Gen Việt Nam là một nỗ lực quy mô chưa từng có, với mục tiêu thu thập 1 triệu mẫu gen từ thân nhân để xác định danh tính cho khoảng 500.000 liệt sĩ. Tuy nhiên, hành trình này đối mặt với nhiều thách thức lớn, từ công nghệ, mẫu vật, đến công tác tổ chức và vận hành.
Về mặt công nghệ, trước đây Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các giải pháp công nghệ gen của nước ngoài, không chỉ đắt đỏ mà còn đôi khi còn thiếu chính xác do dữ liệu tham chiếu không phù hợp với đặc điểm di truyền của người Việt.
TS Võ Sỹ Nam, Giám đốc Khoa học & Công nghệ, đồng sáng lập của GeneStory cho biết: “Kế thừa kinh nghiệm thực hiện dự án Giải mã 1.000 hệ gen người Việt, chúng tôi đã xây dựng được một hệ thống thu thập, quản lý, phân tích và đối sánh dữ liệu quy mô lớn, có thể đáp ứng số lượng hàng triệu mẫu. Qua đó, chúng ta có thể dần nắm vững công nghệ lõi, giảm chi phí chỉ bằng một phần nhỏ so với các giải pháp ngoại nhập, hướng đến hành trình làm chủ công nghệ của Việt Nam.”

Việc triển khai dự án trên quy mô lớn, với hàng trăm nghìn mẫu gen, cũng đòi hỏi năng lực tổ chức vượt trội. Được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Tập đoàn Vingroup và một số đơn vị lớn, cá nhân trong và ngoài nước, GeneStory hoàn thành tốt vai trò hỗ trợ vận hành, cung cấp giải pháp công nghệ cho công tác xác minh danh tính liệt sỹ. GeneStory đã huy động gần 100 cán bộ thu mẫu và xác thực danh tính, phối hợp với lực lượng công an, đoàn thanh niên, và các hội đoàn thể tại địa phương, lên tới cả nghìn người trên cả nước.
Trong các đợt cao điểm, với chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Công An, các đội ngũ làm việc từ 6 giờ sáng đến 11 giờ đêm, di chuyển liên tục giữa các tỉnh để thu mẫu. “Ngay cả kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2025 vừa rồi, cả đội ngũ vẫn làm việc không ngừng nghỉ. Mỗi ngày, mọi người chỉ ngủ vài tiếng ngắn ngủi để hồi sức, sáng sớm hôm sau lập tức quay trở lại với công việc,” một thành viên chia sẻ. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ và tinh thần làm việc không ngừng nghỉ, dự án đã đạt được con số ấn tượng: Hơn 51.000 mẫu gen trong chưa đầy một năm.
Đặc biệt, toàn bộ chi phí liên quan đến việc thu mẫu, phân tích, đối sánh và trả kết quả đều miễn phí đối với các thân nhân liệt sĩ. Chi phí này đến từ sự hỗ trợ nhiệt tình và rất đáng trân trọng từ các doanh nghiệp trên cả nước thông qua chương trình xã hội hóa.
Dự án Ngân hàng Gen Việt Nam không chỉ là hành trình tri ân mà còn là minh chứng cho sức mạnh của công nghệ trong việc thay đổi cuộc sống. Với sự hỗ trợ của các thuật toán AI và hệ thống dữ liệu tham chiếu đặc trưng của người Việt, một kỷ nguyên mới cho việc xác định danh tính liệt sĩ sẽ mở ra, đồng thời cũng là nền móng cho những ứng dụng y tế và xã hội mang tính cách mạng.

Trong tương lai, công nghệ gen còn hứa hẹn mở rộng sang các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe cá nhân hóa, điều chỉnh phác đồ điều trị, phát hiện sớm bệnh tật, và cải thiện chất lượng cuộc sống.
“Giống như công nghệ AI, gen sẽ ngày càng đi sâu vào đời sống với nhiều ứng dụng thiết thực,” Giáo sư Vũ Hà Văn khẳng định. Ví dụ, việc phân tích gen có thể tối ưu hóa liều lượng thuốc, giảm lãng phí và tăng hiệu quả điều trị, đặc biệt với các bệnh khó như ung thư. Trong dinh dưỡng và giáo dục, gen có thể giúp định hướng phát triển trẻ em hoặc tối ưu hóa chế độ luyện tập thể thao.
Đồng thời, đây cũng là bước tiến lớn trong việc làm chủ công nghệ lõi. “Người Việt Nam phải làm chủ công nghệ lõi để phát triển đất nước thông qua công nghệ,” đội ngũ GeneStory nhấn mạnh.