Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Mùa ĐHĐCĐ 2025: Kế hoạch kinh doanh có xa vời thực tế?

Vietstock 8 Giờ trước

Mùa ĐHĐCĐ 2025: Kế hoạch kinh doanh có xa vời thực tế?

Trong bối cảnh toàn cầu có nhiều biến động phức tạp như hiện nay, việc xây dựng kế hoạch kinh doanh 2025 trở thành bài toán với nhiều ẩn số dành cho các doanh nghiệp.

Phân hóa giữa các ngành

Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay đang đến, cũng là dịp để các công ty niêm yết báo cáo kết quả kinh doanh, kế hoạch 2025 và những thay đổi liên quan đến doanh nghiệp cho cổ đông.

Ngay từ đầu năm, giới đầu tư đã chứng kiến sự phân hóa rõ nét về kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp. Những ngành có triển vọng tích cực như chứng khoán, ngân hàng, công nghệ đặt kế hoạch lợi nhuận lên đến hàng ngàn tỷ đồng, phá vỡ kỷ lục các năm trước.

Ngược lại, nhiều ngành lại tỏ ra thận trọng, phải “cài số lùi” như bảo hiểm, dầu khí, bất động sản, hàng không, phân bón… Đây đều là những doanh nghiệp sản xuất phụ thuộc nhiều vào thị trường quốc tế, đang bị chi phối bởi những bất định địa chính trị và chính sách tiền tệ toàn cầu.

Theo báo cáo chiến lược 2025 của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), việc Mỹ có thể áp thuế cao đối với hàng hóa Việt Nam sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu, sản xuất, và thu hút vốn FDI của Việt Nam. Cụ thể, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ về "Chính sách Kinh tế Vĩ mô và Tỷ giá của các Đối tác Thương mại chính của Hoa Kỳ" trong 4 quý, tính đến tháng 6/2024, cho biết: Việt Nam ghi nhận mức thặng dư thương mại 113.3 tỷ USD với Mỹ (so với 32 tỷ USD năm 2016), xếp thứ 3 trong số 21 đối tác thương mại chính của Mỹ, sau Trung Quốc (247 tỷ USD) và Mexico (159 tỷ USD). Với thặng dư thương mại lớn, Việt Nam có thể chịu rủi ro bị áp mức thuế cao hơn so với các quốc gia khác.

Nguồn: VCSC

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn dự kiến, đặc biệt là kinh tế Trung Quốc, có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu, sản xuất và du lịch của Việt Nam. Hơn nữa, những bất ổn địa chính trị trên thế giới, bao gồm xung đột Nga - Ukraine và xung đột Israel - Hamas, cũng sẽ tác động đến kinh tế Việt Nam.

Trong bức tranh nhiều mảng xám của kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam vẫn được đánh giá là một điểm sáng, VCSC kỳ vọng đầu tư công sẽ là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam trong trung hạn (2026-2030). Dù kế hoạch đầu tư công cho năm 2026 và 2027 hiện tại thấp hơn so với năm 2025, Chính phủ có thể sẽ điều chỉnh tăng kế hoạch này để phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP đầy tham vọng cho giai đoạn 2026-2030 (7.5% - 8.5%). Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang có kế hoạch triển khai nhiều dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, nổi bật là dự án Đường sắt Cao tốc Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 67 tỷ USD, dự kiến sẽ đóng góp trung bình 1 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP mỗi năm trong vòng 12 năm.

Thận trọng khi đặt mục tiêu quá tham vọng

Mặc dù kinh tế Việt Nam ghi nhận nhiều yếu tố tích cực nói trên, để hiện thực hóa các kế hoạch kinh doanh, các doanh nghiệp cũng đối diện với nhiều thách thức nội tại như chi phí đầu vào tăng, cạnh tranh gay gắt và yêu cầu ngày càng cao về quản trị rủi ro, tuân thủ ESG và minh bạch tài chính.

Kể cả những ngành đặt ra kế hoạch kinh doanh tham vọng như chứng khoán, ngân hàng hay công nghệ cũng đối mặt với không ít biến số như biến động lãi suất, thanh khoản hệ thống ngân hàng, khả năng nâng hạng thị trường hay xu hướng dòng vốn ngoại phụ thuộc vào chính sách tiền tệ toàn cầu. Việc các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) duy trì lập trường cứng rắn có thể khiến dòng vốn toàn cầu tiếp tục thận trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến thanh khoản và tâm lý nhà đầu tư trên thị trường.

Ngoài các rủi ro về kinh tế và địa chính trị, Việt Nam còn đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực từ biến đổi khí hậu và hiện tượng La Niña - được dự báo có thể kéo dài đến tháng 1/2025. Các ngành nông nghiệp, thủy sản và logistics sẽ bị ảnh hưởng mạnh nếu tình trạng thời tiết cực đoan tiếp tục diễn ra.

Trong bối cảnh đó, việc lập kế hoạch kinh doanh cần được thực hiện một cách thận trọng, sát thực tế và linh hoạt. Các doanh nghiệp nên xây dựng nhiều kịch bản ứng phó, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, gia tăng tỷ trọng thị trường nội địa và đầu tư vào công nghệ để tối ưu chi phí.

Năm 2025 sẽ là năm bản lề với nhiều kỳ vọng nhưng cũng đầy thử thách. Việc xây dựng kế hoạch kinh doanh không còn đơn thuần là “vẽ đường để chạy” mà là một quá trình tính toán cẩn trọng, linh hoạt và thích nghi nhanh với các thay đổi. Mỗi kế hoạch kinh doanh không chỉ là lộ trình tăng trưởng mà còn là tấm bản đồ dẫn lối con tàu doanh nghiệp vượt qua vùng biển động đầy sóng gió. Sự đồng thuận giữa doanh nghiệp và cổ đông về định hướng chiến lược kinh doanh sẽ là yếu tố sống còn để cùng nhau giữ vững tay lái, tiến về phía trước.

Thiên Lương

FILI

- 09:00 05/04/2025

Xem bản gốc