Anh có một “cơ hội tốt” để đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ - Phó tổng thống Mỹ JD Vance tuyên bố, giữa lúc Washington tiếp tục có những tín hiệu khó lường về thuế quan.
“Chắc chắn là chúng tôi đang làm việc rất tích cực với Chính phủ của Thủ tướng Anh Keir Starmer” để đi đến một thỏa thuận thương mại - ông Vance nói trong mộc cuộc trả lời phỏng vấn trang web UnHerd được xuất bản vào ngày 15/4.
Tổng thống Donald Trump “thực sự yêu mến nước Anh… Đó là một mối quan hệ quan trọng. Ông ấy cũng là một doanh nhân và có một số mối quan hệ kinh doanh quan trọng ở Anh. Nhưng tôi cho rằng mọi chuyện không chỉ đơn giản như vậy. Giữa hai nước có mối liên hệ văn hóa thực sự”, ông Vance nói.
“Tôi nghĩ rằng có cơ hội tốt để hai nước đi đến một thỏa thuận tuyệt vời, phù hợp nhất với lợi ích của cả hai nước”, ông Vance nói thêm.
Khi ông Trump công bố kế hoạch thuế quan đối ứng vào hôm 2/4, Anh là một trong những nước “may mắn” khi chỉ bị áp mức thuế cơ sở 10%. Trong khi đó, những nước láng giềng của Anh ở Liên minh châu Âu (EU) bị đánh thuế 20%.
Dữ liệu thống kê cho thấy Anh có một mối quan hệ thương mại khá cân bằng với Mỹ nếu xét về thương mại hàng hóa, dù nước này có thặng dư lớn với Mỹ về thương mại dịch vụ. Giới chức Chính phủ Anh nói họ đang đẩy mạnh nỗ lực nhằm đi đến một thỏa thuận thương mại với Mỹ, nhưng mức độ và phạm vi của thỏa thuận còn là điều chưa thể nói trước.
Ngoài mối quan hệ thương mại tương đối cân bằng, tình cảm của ông Trump dành cho Anh cũng là một lợi thế của nước này khi đàm phán thương mại với Mỹ. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã vui ra mặt khi được tiếp đón trọng thị trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Anh. Khi đó, ông và đệ nhất phu nhân Melania Trump đã có dịp tiếp kiến nữ hoàng Elizabeth đệ nhị, người hiện đã quá cố.

Trong chuyến thăm gần đây tới Washington, Thủ tướng Starmer đã trao một lá thư tay từ vua Charles của Anh mời ông Trump có chuyến thăm cấp nhà nước lần thứ hai tới Anh. Ông Trump cũng đã thể hiện sự hào hứng trước cử chỉ này từ London.
Trong khi Anh lạc quan về khả năng đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ, phần còn lại của châu Âu có mối quan hệ kém ổn định hơn với đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương. Ông Trump đã không ngừng chỉ trích Liên minh châu Âu (EU) vì thặng dư thương mại khổng lồ của khối này với Mỹ.
Thuế quan đối ứng 20% mà ông Trump đánh vào hàng hóa EU xuất khẩu sang Mỹ bị Brussels phê phán là bất bình đẳng và không có lợi cho thương mại, việc làm và tăng trưởng kinh tế. EU hiện vẫn đang lên kế hoạch trả đũa thuế đối ứng Mỹ bằng cách áp mức thuế quan tương tự lên hàng Mỹ xuất khẩu sang khối này.
Khi ông Trump hạ toàn bộ thuế đối ứng về mức cơ sở 10% trong 90 ngày, EU đã hoãn một kế hoạch trả đũa khác mà trong đó khối này dự định áp thuế 25% lên nhiều hàng hóa Mỹ. Đây là kế hoạch mà EU dự kiến thực thi từ ngày 15/4 để trả đũa việc ông Trump áp thuế quan 25% lên thép và nhôm nhập khẩu.
Ông Vance - người thường xuyên chỉ trích EU về các vấn đề thương mại và chi tiêu quốc phòng - phát tín hiệu trong cuộc trả lời phỏng vấn UnHeard rằng Washington có thể ký thỏa thuận thương mại với khối này, nhưng với điều kiện thỏa thuận phải bình đẳng.
“Với Anh, chúng tôi có một mối quan hệ có đi có lại hơn hơn mối quan hệ chúng tôi có với những nước như Đức… Chúng tôi yêu mến người Đức, họ phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang Mỹ, nhưng rất khó để các công ty Mỹ xuất khẩu sang Đức”, Phó tổng thống Mỹ nói.
Ông Vance cũng nói ông tin rằng đàm phán sẽ dẫn tới mối quan hệ thương mại tích cực giữa Mỹ và châu Âu, khẳng định Washington xem châu Âu là đồng minh. “Chúng tôi muốn đây là mối quan hệ liên minh mà trong đó châu Âu trở nên độc lập hơn một chút và mối quan hệ an ninh và thương mại giữa hai bên phản ánh điều đó”, ông phát biểu.