(Xây dựng) - Năm 2025, mục tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt ra là đạt mức 16%, tương đương 2,5 triệu tỷ đồng, nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước. Các chuyên gia kỳ vọng đây sẽ là cú hích lớn cho thị trường bất động sản đón “cửa sáng” sau nhiều năm liên tiếp khó khăn.
![]() |
Nhiều dự án bất động sản đón “cửa sáng” khi dòng tiền được chi cho nền kinh tế. |
Hệ thống tín dụng đưa 2,5 triệu tỷ vào nền kinh tế
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra là khoảng 16% trong năm 2025, tương ứng với việc đưa khoảng 2,5 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế, nhưng con số này có thể linh hoạt điều chỉnh lên 18-20% (tương đương 2,8-3,1 triệu tỷ đồng) nếu GDP tăng 10%.
Trước đó, tháng 2/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thường trực Chính phủ với các Ngân hàng thương mại lớn để bàn về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, tạo tiền đề cho giai đoạn tăng trưởng hai con số.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch Công ty Cổ phần FiinGroup khi nói về triển vọng tăng trưởng tín dụng năm 2025, cho rằng, ngành Ngân hàng vẫn sẽ duy trì tăng trưởng cao năm 2025, nhằm hỗ trợ mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao như Chính phủ đặt ra trong kỷ nguyên mới. Theo ông Nguyễn Quang Thuân, cầu về tín dụng và huy động vốn sẽ tiếp tục tăng từ một số ngành chủ chốt như: Bất động sản khu công nghiệp; bất động sản dân cư và đặc biệt là ngành Năng lượng tái tạo của Chính phủ.
Cơ hội thị trường bất động sản đón “cửa sáng”
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Nghiên cứu FIDT nêu quan điểm, khi mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp, trong khi lạm phát có dấu hiệu tăng, nhà đầu tư thường ưu tiên đổ tiền vào các tài sản có khả năng sinh lời cao và giúp phòng ngừa trượt giá. Tại Việt Nam, kênh hưởng lợi rõ rệt là bất động sản thể hiện rõ nét.
Đáng chú ý với bất động sản, lĩnh vực này không chỉ được hưởng lợi từ dòng vốn tín dụng giá rẻ, mà còn nhờ các biện pháp tháo gỡ thủ tục pháp lý của Chính phủ. Các dự án “đóng băng” trước đây có cơ hội tái khởi động, nhiều kế hoạch phát triển quỹ đất mới được đẩy nhanh hơn. Đồng thời, xu hướng đô thị hóa mạnh và nhu cầu nhà ở, bất động sản công nghiệp vẫn là động lực tăng trưởng dài hạn. Khi lãi suất vay mua nhà hay đầu tư bất động sản tiếp tục ở vùng thấp, khẩu vị đầu tư vào địa ốc sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn.
Một điểm quan trọng nữa là với các quy định pháp lý hoàn thiện sau Luật Đất đai sửa đổi, rủi ro pháp lý vốn phổ biến giai đoạn 2020-2022 sẽ được hạn chế, tạo môi trường minh bạch, ổn định hơn cho nhà đầu tư. Khi những lo ngại về tính pháp lý của dự án giảm dần, dòng tiền đổ vào bất động sản nhiều khả năng sẽ mạnh mẽ hơn, hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng cho toàn thị trường.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, để “đẩy” tín dụng, năm nay, các Ngân hàng tập trung cho vay các dự án hạ tầng và cho vay bất động sản, đặc biệt là bất động sản ăn theo trục giao thông công cộng, các nhà ga, đô thị nhỏ… vệ tinh của các đại dự án. “Ngân hàng cần mở rộng tín dụng hướng vào các loại bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực, phát triển các nhà ga, các đô thị nhỏ gắn liền với các nhà ga, đường sắt”, ông Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh thêm.
Thị trường bất động sản Việt Nam năm 2024 đã bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực khi hàng loạt sàn môi giới bất động sản công bố kết quả doanh thu đạt hàng tỷ đô tiền hàng. Đầu năm 2025, tín hiệu giao dịch thành công trên mọi phân khúc chứng tỏ thị trường bất động sản phục hồi mạnh mẽ.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và bước vào năm 2025 với nhiều động lực tăng trưởng.
TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh các yếu tố như kinh tế vĩ mô ổn định, các đột phá thể chế và chính sách tiền tệ linh hoạt sẽ hỗ trợ thị trường phát triển. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực cũng lưu ý rằng cần thời gian để các chính sách pháp lý mới (như Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh Bất động sản 2023) đi vào thực tiễn.
Một số yếu tố quan trọng như chính sách tiền tệ linh hoạt, lãi suất cho vay giảm dần và sự hỗ trợ từ các gói kích thích kinh tế đã giúp cải thiện thanh khoản thị trường. Các Ngân hàng thương mại cũng có xu hướng nới lỏng hơn trong cấp tín dụng cho doanh nghiệp bất động sản có năng lực tài chính tốt, đồng thời dòng vốn từ nhà đầu tư cá nhân cũng dần quay trở lại.
Mặt khác, nhiều chủ đầu tư đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh theo hướng linh hoạt hơn, đưa ra các chính sách bán hàng hấp dẫn như giãn tiến độ thanh toán, giảm giá trực tiếp hoặc tăng ưu đãi vay vốn, giúp người mua tiếp cận nhà ở dễ dàng hơn. Dựa trên đà phục hồi này, các chuyên gia dự báo năm 2025 sẽ là thời điểm thị trường bất động sản có thể bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh hơn.
Một điểm sáng trong năm 2024 là sự phục hồi rõ nét ở nguồn cung căn hộ được cải thiện. Báo cáo mới nhất của CBRE cũng chỉ ra rằng, nguồn cung nhà ở, cho thuê văn phòng tại Hà Nội cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Thêm vào đó, theo Savills, tình hình giao dịch của thị trường bất động sản Hà Nội ở phân khúc căn hộ và biệt thự liền kề đã có sự khởi sắc.