(Xây dựng) - Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt đến việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho người trẻ.
Nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ chưa đáp ứng nhu cầu
Ngày 3/4, tại Tọa đàm: “Bất động sản: Nhà ở cho người trẻ”, do Báo Người lao động tổ chức, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đã thông tin về thực trạng nhà ở hiện nay và đưa các ra giải pháp để người trẻ, người có nhu cầu có thể sở hữu được nhà ở.
![]() |
Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Bộ Xây dựng. Ảnh: Hoàng Triều |
Theo ông Lê Hoàng Châu, phân khúc nhà ở người trẻ dễ tiếp cận nhất là nhà ở xã hội và phân khúc thấp nhất của nhà ở thương mại, hay còn gọi là nhà vừa túi tiền. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cũng đang phát triển nhà ở vừa túi tiền.
Nhà giá rẻ khác nhà ở xã hội ở hai điểm: nhà ở xã hội được hưởng ưu đãi về tiền sử dụng đất, tín dụng và giới hạn lợi nhuận ở mức 10%. Tuy nhiên, nhà ở xã hội hiện nay không còn rẻ như trước, do giá bán đã bao gồm đầy đủ mọi chi phí. Vì vậy, giá nhà ở xã hội hiện nay chỉ thấp hơn giá nhà ở thương mại khoảng 15%.
Ông Lê Hoàng Châu thông tin, năm 2024, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh chỉ chấp thuận cho chủ đầu tư mở bán hơn 1.600 căn hộ hình thành trong tương lai, trong khi số lượng này đang giảm dần qua các năm. Từ năm 2021 đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh không có thêm nguồn cung nhà ở vừa túi tiền. Một số dự án hiện tại là những dự án đã hình thành từ trước và nhà đầu tư đang tối ưu hóa lợi nhuận từ các dự án này.
Về giá nhà, ông Lê Hoàng Châu nhận định thị trường đang chứng kiến tình trạng giá nhà tăng phi mã do nguồn cung khan hiếm trong khi nhu cầu lớn. Hiện nay, số lượng nhà ở xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh chỉ vào khoảng 6.000 căn, quá ít so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, ông cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cần đẩy mạnh gia tăng nguồn cung.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn Quốc hội và Chính phủ tiếp tục ban hành các nghị quyết, nghị định để tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản. Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở.
Tại toạ đàm, ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển đô thị Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo khảo sát, nhu cầu về nhà ở xã hội tại Thành phố, từ nay đến năm 2030 là khoảng 850.000 căn hộ. Do đó, việc Chính phủ giao Thành phố xây dựng 100.000 căn là hoàn toàn có căn cứ, nhưng rõ ràng con số đó vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu thực tế.
![]() |
Ông Phạm Đăng Hồ, Trưởng phòng Phát triển đô thị Sở Xây dựng. Ảnh: Hoàng Triều |
Riêng trong nhóm người trẻ, cũng có người thuộc diện được hưởng chính sách nhà ở xã hội, nhưng cũng có nhiều người không thuộc diện chính sách. Với những người không nằm trong đối tượng ưu tiên thì họ buộc phải tiếp cận phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ. Nhưng hiện nay, phân khúc này lại chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể như với nhà ở xã hội.
Vì vậy, việc phát triển nhà giá rẻ hiện nay phụ thuộc rất nhiều vào cái tâm của doanh nghiệp, vào việc họ có sẵn sàng tiết giảm lợi nhuận để tạo ra sản phẩm phù hợp với người mua hay không.
“Sắp tới, tôi nghĩ chúng ta cần tập trung vào chính sách phát triển nhà ở thương mại giá phù hợp, với những hình thức linh hoạt như bán, thuê và thuê mua. Với người trẻ, cũng cần chia ra hai nhóm rõ ràng: có khả năng tài chính và chưa có khả năng tài chính. Nhóm chưa đủ khả năng thì nên tiếp cận thông qua hình thức thuê, và hiện nay Nhà nước cũng đang xây dựng chính sách để phát triển thị trường nhà ở cho thuê, đặc biệt hướng đến nhóm người trẻ”, ông Phạm Đăng Hồ nhấn mạnh.
Về tín dụng, Trưởng phòng Phát triển đô thị Sở Xây dựng cho rằng cần có các gói vay ưu đãi tương tự như đang áp dụng với chủ đầu tư nhà ở xã hội, để hỗ trợ cả người mua nhà lẫn doanh nghiệp.
Nhiều giải pháp để người trẻ, người có nhu cầu sở hữu nhà ở
Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản Bộ Xây dựng nhận định thị trường bất động sản từ cuối năm 2024, đặc biệt là đầu năm 2025, đã có sự phục hồi và phát triển tương đối tích cực, nhờ vào các chính sách tháo gỡ khó khăn được Quốc hội và Chính phủ ban hành.
![]() |
Tọa đàm: “Bất động sản: Nhà ở cho người trẻ”. |
Bên cạnh đó, Chính phủ cùng các Bộ, ngành cũng rất tích cực trong việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản. Các Tổ công tác của Chính phủ thường xuyên đôn đốc, làm việc trực tiếp tại các địa phương, đặc biệt là ở những khu vực trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.
Gần đây, Chính phủ đã tổ chức hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn trong phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp và người trẻ. Tại hội nghị, Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu trong Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội.
Việc phát triển nhà ở xã hội cũng đã được giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển phân khúc này.
Để đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, bên cạnh các chính sách ưu đãi, rất cần có nguồn vốn hỗ trợ ổn định. Hiện nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang được triển khai.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở, hướng đến việc phát triển nhà ở giá rẻ một cách bền vững.
Bộ Xây dựng hiện đang nghiên cứu và chuẩn bị trình Chính phủ, để tiếp tục trình Quốc hội một nghị quyết thí điểm về chính sách nhà ở xã hội, trong đó có nhiều ưu đãi hơn về thủ tục đầu tư, lãi suất vay cũng như mở rộng đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, các quy trình liên quan sẽ được rút ngắn nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.
Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt đến việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho người trẻ. Trong thời gian qua và sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tổ chức nhiều đoàn công tác nhằm đôn đốc việc triển khai các dự án tại địa phương.