(Xây dựng) – Bộ Tài chính cho biết, đến cuối năm 2024, có 11.034 cơ sở nhà đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả và không đúng mục đích. Vậy khối tài sản này sẽ được xử lý như thế nào cho phù hợp?
![]() |
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) thông tin các nội dung liên quan kiểm kê tài sản công. |
Nhiều nhà đất dôi dư sau kiểm kê
Đây là thông báo mới nhất vừa được Bộ Tài chính thông tin. Cụ thể, theo kết quả thực hiện Tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý, tính đến cuối năm 2024, có 11.034 cơ sở nhà đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích. Trong đó có 3.780 cơ sở nhà đất có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền, còn lại 7.249 cơ sở nhà, đất chưa có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền.
Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản về đẩy mạnh rà soát, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích. Theo đó, các Bộ ngành, địa phương có nhà đất dôi dư phải xây dựng và ban hành Kế hoạch xử lý tài sản dôi dư. Trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải cập nhật thường xuyên các cơ sở nhà đất phát sinh mới vào Kế hoạch. Nội dung Kế hoạch cũng phải xác định rõ nội dung công việc, trách nhiệm của các tổ chức cá nhân trong từng khâu.
Ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, tại Văn bản số 2950/BTC-QLCS, Bộ Tài chính đã đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, đánh giá xác định nguyên nhân trong việc để các cơ sở nhà đất không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích. Xác định cụ thể nguyên nhân của từng cơ sở chưa thể xử lý được do cơ chế chính sách hay do khâu tổ chức thực hiện, công tác quy hoạch… từ nguyên nhân đó để kiến nghị, tìm ra giải pháp cụ thể.
Xử lý như thế nào?
Trước thực tế nhiều nhà đất dôi dư, sử dụng không đúng mục đích, ông Nguyễn Tân Thịnh kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với trường hợp chậm, không thực hiện theo đúng kế hoạch; đề nghị các Bộ, ngành địa phương trước ngày 05/4/2025 có báo cáo về Bộ Tài chính bước 1. Sau này sẽ báo cáo định kỳ hàng quý để có giải pháp hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, để giải quyết dứt điểm các vấn đề về nhà đất dôi dư.
![]() |
Nhiều trụ sở công không sử dụng gây lãng phí. (Ảnh: TL) |
Về việc hướng dẫn xử lý tài sản công khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, đây là vấn đề lớn, bởi khi tổ chức sắp xếp lại bộ máy, hệ thống chức danh chức vụ, danh mục cơ quan đơn vị có sự thay đổi, dẫn tới thay đổi trong quản lý, sử dụng tài sản công.
“Bộ Tài chính sẽ theo sát tình hình, tiến độ sắp xếp lại các cơ quan đơn vị, để chuẩn bị các văn bản báo cáo các cấp có thẩm quyền ban hành ngay sau khi chính thức các phương án về tổ chức bộ máy được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Qua đó làm căn cứ cho các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan đơn vị thực hiện việc bố trí, sử dụng tài sản, sắp xếp xử lý tài sản dôi dư”, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết.
Nhằm chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, trên cơ sở tổng hợp từ các địa phương, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, các tài sản công không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, trong đó tập trung vào khối nhà đất, trụ sở của các cơ quan, đơn vị.
Thực tế thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ động báo cáo, tham mưu trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về các vấn đề nêu trên. Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 114/2024/NĐ-CP ngày 15/9/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Mới đây nhất là Nghị định số 50/2025/NĐ-CP ngày 28/2/2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Tại các văn bản này đã hướng dẫn cụ thể việc xử lý đối với tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại hệ thống tổ chức bộ máy. Quy định rõ các trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia tách, giải thể, chấm dứt hoạt động…. thì tài sản sẽ thực hiện thế nào.
Thời điểm cuối năm 2024, Bộ Tài chính cũng có nhiều văn bản hướng dẫn về sắp xếp, xử lý tài sản công khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, mới đây, cuối tháng 2/2025, Bộ cũng tiếp tục có văn bản hướng dẫn về các nội dung này.
Để đảm bảo thời gian kiểm đếm thực tế tài sản, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo kiểm kê của Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và kế hoạch kiểm kê của Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương khi có sự thay đổi cơ cấu tổ chức bộ máy, phân công nhiệm vụ.
Chỉ đạo các đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp tổ chức bộ máy đẩy nhanh tiến độ thực hiện tổng kiểm kê và bàn giao các công việc đã và đang triển khai liên quan đến công tác tổng kiểm kê cho cơ quan, đơn vị (mới) sau khi thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy.
Các đơn vị các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp là đối tượng kiểm kê thuộc phạm vi quản lý hoàn thành công tác kiểm kê thực tế và nhập dữ liệu vào Phần mềm Tổng kiểm kê tài sản công, bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, logic của số liệu; thời hạn hoàn thành trước ngày 31/3/2025.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đối tượng kiểm kê thực hiện rà soát kỹ tính logic, chính xác của số liệu tài sản trước khi duyệt báo cáo của đơn vị kiểm kê. Việc duyệt báo cáo kiểm kê cần phải được thực hiện kịp thời, ngay sau khi đối tượng kiểm kê gửi báo cáo trên Phần mềm Tổng kiểm kê tài sản công…