Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars), hiện nay, nguồn cung trên thị trường bất động sản đang dần phục hồi. Tuy nhiên, mặt bằng giá bán chung vẫn ở mức cao, đặc biệt căn hộ chung cư có xu hướng tăng mạnh tại những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM… Do đó, để góp phần "hạ nhiệt" giá bán và đẩy mạnh thực hiện mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhiều địa phương, nhiều chủ đầu tư đã quan tâm, chú trọng vào phát triển nhà ở xã hội.
DÀNH NHIỀU QUỸ ĐẤT CHO NHÀ Ở XÃ HỘI
Mới đây, Sở Xây dựng thành phố TP.Đà Nẵng vừa công bố danh mục 5 khu đất có tổng diện tích hơn 3,6ha, để thực hiện đấu thầu dự án xây dựng nhà ở xã hội năm 2024-2025.
Các khu đất được lựa chọn gồm: khu đất A2-4, đường Ngũ Hành Sơn và đường dẫn lên cầu Tiên Sơn tại phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, diện tích 0,71ha; khu đất số 10 Trịnh Công Sơn ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu 0,57ha; khu đất hiện trạng khu chung cư Hòa Minh phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê 0,82ha; khu đất A1-7, đường Chu Huy Mân phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà 0,48ha và khu đất B3 thuộc Khu E (giai đoạn 1) – Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ 1,06ha.
Tương tự, tỉnh Thanh Hóa cũng quyết định bố trí hàng chục khu đất triển khai dự án nhà ở xã hội trong năm 2025. Theo đó, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã thông qua Nghị quyết về quyết định danh mục các khu đất thực hiện đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, trên địa bàn TP.Thanh Hóa có 11 khu đất; thị xã Nghi Sơn có 2 khu đất; huyện Thọ Xuân 2 khu đất và huyện Yên Định 1 khu đất. Trong đó, 11 khu đất trên địa bàn TP.Thanh Hóa dự kiến xây dựng dự án Nhà ở xã hội tại phường Lam Sơn (diện tích 0,42ha); nhà ở xã hội phường Quảng Hưng (diện tích 0,97ha); khu nhà ở xã hội Lô A - TM3 Khu đô thị Đông Hương (diện tích 1,44ha); nhà ở xã hội khu đô thị phía Đông đại lộ Bắc Nam 1,16ha; nhà ở xã hội phường Phú Sơn 1,64ha; nhà ở xã hội tại Khu tái định cư phường Quảng Thành 0,63ha…
Ngoài ra, năm 2025, tỉnh Hải Dương sẽ khởi công xây dựng 7 dự án phát triển nhà ở xã hội, tương ứng khoảng 4.515 căn hộ. Theo đó, quý 1, tỉnh khởi công 1 dự án, tương ứng 390 căn hộ; quý 2, khởi công 1 dự án, tương ứng 1.479 căn hộ; quý 3, khởi công 2 dự án, tương ứng 1.730 căn hộ; quý 4, khởi công 3 dự án, tương ứng 916 căn hộ.
Riêng Hà Nội, UBND TP vừa cập nhật danh mục 72 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trong kế hoạch phát triển nhà giai đoạn 2021 - 2025 (đợt 4). Đáng chú ý, đợt này có 8 dự án nhà ở xã hội được cập nhật với tổng diện tích sàn là 255.722m2, khoảng 1.583 căn hộ. Trong đó, địa bàn huyện Thường Tín có 5 dự án; quận Long Biên 2 dự án; quận Hoàng Mai 1 dự án.
Hiện nay, dữ liệu mới nhất từ Bộ Xây dựng cho biết năm 2024, cả nước có 28 dự án với quy mô 20.284 căn đã hoàn thành (tăng 46% so với năm 2023 (tương đương 6.420 căn); 23 dự án với quy mô 25.399 căn đã được cấp phép, khởi công xây dựng (tăng 13% so với năm 2023, tương đương 3.000 căn); số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư là 113 dự án, tương đương 142.450 căn (tăng 101% so với năm 2023).
CẦN RÚT NGẮN THỜI GIAN THỰC HIỆN THỦ TỤC
Nói về công tác phát triển nhà ở xã hội, nhiều chuyên gia đánh giá Chính phủ đã phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 –2030 và đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn gặp khó khăn.
Chia sẻ với báo chí gần đây, ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM Xây dựng Lê Thành, cũng cho biết nhà ở xã hội là phân khúc nhận được sự quan tâm lớn từ Trung ương đến địa phương. Song doanh nghiệp vẫn đối mặt với thách thức khi triển khai, đầu tư xây dựng, thanh kiểm tra, hậu kiểm và thậm chí cả việc phê duyệt giá bán nhà ở xã hội...
“Doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư, thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng nhưng sau đó lại gặp trở ngại trong quá trình kiểm toán tài chính, qua nhiều vòng thủ tục… tốn nhiều thời gian. Vì thế, đề xuất cơ quan quản lý cần tạo điều kiện để doanh nghiệp rút ngắn thời gian chờ đợi thủ tục pháp lý, tập trung vào sáng tạo và ứng dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm nhà ở xã hội có chất lượng cao với giá thành hợp lý”, đại diện doanh nghiệp bộc bạch.
Từ thực trạng trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), đề xuất trước mắt, Bộ Xây dựng cần xem xét trình Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét trình cấp có thẩm quyền xem xét cho phép Quốc hội ban hành “Nghị quyết thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội”, để thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới”.
Trong “Nghị quyết thí điểm” này, Hiệp hội đề nghị quy định “Việc chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 80 của Luật Nhà ở, thì cơ quản lý nhà ở cấp tỉnh chuẩn bị hồ sơ và trình UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội mà không phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư; cơ quản lý nhà ở cấp tỉnh có trách nhiệm lập hồ sơ và lấy ý kiến thẩm định của cơ quan nhà nước có liên quan về nội dung dự án và lập báo cáo trình UBND cấp tỉnh theo quy định tại các điểm a, b, đ, e khoản 1, khoản 2, các điểm b, c, d khoản 4 và khoản 5 Điều 69 của Luật Nhà ở”.
Về lâu dài, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng xem xét trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung nội dung đề xuất trên đây vào điểm c khoản 4 Điều 84 Luật Nhà ở 2023 để thống nhất một đầu mối là Cơ quan quản lý nhà cấp tỉnh (Sở Xây dựng) thực hiện thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội” để rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục hành chính.