Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

#Oscar2025: Đường đua “Best Actress” – 30 chưa phải là Tết!

Đẹp 1 Tháng trước

Ở chặng cuối của hành trình Oscar 2025, ngỡ như tượng vàng “Nữ diễn viên xuất sắc nhất” đã nằm gọn trong tay Demi Moore. Thế nhưng “đòn bẩy” BAFTA lại khiến cái tên Mikey Madison trở nên triển vọng hơn bao giờ hết. Chưa kể, Fernanda Torres cũng đang âm thầm thuyết phục Viện Hàn Lâm với những quân bài chưa lật. 3 nữ diễn viên, 3 màn thể hiện xuất thần, 3 câu chuyện riêng biệt – đường đua “Best Actress” đang cho thấy sự gay cấn nghẹt thở đến phút trót.

Demi Moore – Thế thượng phong đang bị lung lay?

Không ngoa khi nói, với “The Substance”, Demi Moore như được tái sinh một lần nữa. Trong phim, đại minh tinh Hollywood đã có màn hóa thân “thần sầu” với vai diễn Elizabeth Sparkle, một ngôi sao hết thời. Đứng trước ngưỡng cửa tuổi già và sự tàn nhẫn của ngành giải trí, Elizabeth chọn tìm đến một giải pháp cực đoan mang tên: “Thần Dược”. Loại thuốc diệu kỳ này hứa hẹn hồi sinh vẻ đẹp xuân thì cho Elizabeth, nhưng đồng thời ẩn sâu bên trong nó lại là những hiểm họa khôn lường và âm mưu đen tối đe dọa xé nát bản ngã của cô. Khoảnh khắc phiên bản trẻ trung và xinh đẹp hơn được sản sinh ra cũng là lúc một cuộc chiến nội tâm dữ dội trong Elizabeth bắt đầu. 

Vai diễn của Demi Moore đặt ra câu hỏi: “Liệu chúng ta có thể đánh đổi bản thân đến đâu để đạt được sự hoàn hảo?”

Suốt 141 phút, nhân vật chính bị cuốn vào một hành trình nghẹt thở, không có lấy một phút ngơi nghỉ để tận hưởng hạnh phúc. Không cam chịu phận “quá đát”, Elizabeth Sparkle điên cuồng tìm mọi cách níu giữ tuổi xuân. Có thể nói, cô bị ám ảnh bởi cái đẹp, bởi một thời huy hoàng đã xa, đến mức sẵn sàng đánh đổi tất cả, dù là chính bản thân mình. Loạt pha biến đổi kinh dị, rùng rợn xuất phát từ chính nội tâm và cơ thể con người cũng chính là cơ hội để Demi Moore phá bỏ những giới hạn trong diễn xuất của mình – giúp cô mang về đến 3 chiếc cúp quan trọng: “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” tại Quả Cầu Vàng, Critics Choice và Screen Actors Guild Awards. Chuỗi chiến thắng này cũng thiết lập vị trí thượng phong của đại minh tinh trên hành trình chinh phục “trùm cuối”: Oscar.

Demi Moore mang về 3 chiếc cúp quan trọng: “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” tại Quả Cầu Vàng, Critics Choice và Screen Actors Guild Awards.

Không chỉ có tín hiệu tốt từ các lễ trao giải tiền đề, dường như lịch sử cũng đang đứng về phía Demi Moore khi “gu” của Viện Hàn Lâm là những ứng viên “có câu chuyện”. Nhìn lại màn song đấu “bất phân thắng bại” giữa Cate Blanchett và Dương Tử Quỳnh hai năm về trước, tượng vàng đã thuộc về tay nữ diễn viên “Everything Everywhere All at Once”, người châu Á đầu tiên chiến thắng ở hạng mục “Best Actress”. Từ bị gắn mác là “thiếu tính hàn lâm” thời đỉnh cao nhan sắc, đến màn đáp trả “vô tiền khoáng hậu” ở tuổi lục tuần – có lẽ không một đối thủ nào sở hữu một câu chuyện truyền cảm hứng hơn Demi Moore tại Oscar năm nay.

Mikey Madison – Màn bứt phá của “Ngựa đen” 

Để nói ai có khả năng cản đường ngôi sao “Thần Dược” trong hành trình chạm tay đến chiếc tượng vinh quang bậc nhất của diễn xuất, thì đó chính là Mikey Madison. Từ một gương mặt ít được biết đến, cô nàng sinh năm 1999 đã chứng minh tiềm năng vượt trội khi có màn hóa thân xuất thần trong tác phẩm của đạo diễn Sean Baker, “Anora”.

Trong phim, Mikey Madison vào vai Ani – một vũ nữ thoát y sinh sống và làm việc ở New York. Cuộc đời tưởng chừng bế tắc của Ani bỗng “rực sáng” khi cô gặp Vanya – con trai một tỷ phú người Nga. Tình yêu giữa hai con người đến từ hai thế giới hoàn toàn khác biệt đã khiến cô nàng nuôi hy vọng về một tương lai “màu hồng”. Tuy nhiên, đời chẳng bao giờ như mơ. Do nghề nghiệp của bản thân, Ani nhanh chóng vỡ mộng khi phải đối mặt với sự phản đối kịch liệt từ gia đình Vanya.

Tưởng như là một câu chuyện “Lọ Lem” kinh điển, bi kịch của “Anora” lại là cao trào để Mikey Madison khoe ra nội lực diễn xuất. Ẩn sau vẻ ngoài mạnh mạnh mẽ và bất cần của Ani là một tâm hồn chịu nhiều thương tổn, và nữ diễn viên đã bộc lộ một cách sâu sắc cái sự nghẹt thở đến tuyệt vọng – phản chiếu hình ảnh của hàng triệu phụ nữ đang vật lộn để tồn tại trong một xã hội đầy bất công ngoài kia.

Bi kịch của “Anora” lại là cao trào để Mikey Madison khoe ra nội lực diễn xuất.

Giành được 25 giải thưởng diễn xuất chỉ trong một năm, thành tích có thể coi là hiếm có đối với một diễn viên trẻ, cái tên Mikey Madison chỉ thực sự được nhắc đến nhiều trên đường đua Oscar sau bước ngoặt tại giải BAFTA. Màn xướng tên đầy ngỡ ngàng này đã làm đứt chuỗi chiến thắng liên tiếp của đối thủ Demi Moore, đẩy sự gay cấn của cuộc đua lên đến cao trào.

Mikey Madison dành chiến thắng ở hạng mục “Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại BAFTA.

Kể cả khi Demi đã “gỡ” lại bằng chiếc cúp Screen Actors Guild Awards, nhiều tín đồ điện ảnh vẫn đặt cược vào ngôi sao “Anora”. Bởi trái với đường đua của các nam diễn viên chính, tỉ lệ nữ chủ nhân giải SAG tiếp tục được công nhận bởi Viện Hàn Lâm chỉ là 3/6 (từ năm 2018-2024). Hơn nữa, khi mà màn thể hiện của các diễn viên quá ngang tài ngang sức, cán cân có xu hướng nghiêng về bộ phim được đánh giá cao hơn. Trong bối cảnh “Anora” đang là ứng cử viên cực kỳ sáng giá cho “Best Picture”, chiến thắng ở tuổi 26 của Mikey Madison không phải là điều không thể.

Fernanda Torres – Ẩn số khó lường

Tuy nhiên, đừng quên ẩn số khó lường nhất của đường đua “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” Oscar năm nay – Fernanda Torres với “I’m Still Here”. Dựa trên một câu chuyện có thật, bộ phim kể về cuộc sống nhiều biến động của “Eunice Paiva” cùng năm đứa con sau sự biến mất bí ẩn của người chồng cựu nghị sĩ Đảng lao động Brazil Rubens Paiva. Bất chấp căn bệnh Alzheimer đang ngày càng trở nặng, Eunice quyết tâm đi tìm chồng, khám phá sự thật về cái chết của ông và ghi chép lại toàn bộ sự việc để truyền lại cho hậu thế.

Ở một vai diễn được đánh giá là cực kỳ khó nhằn, Fernanda Torres đã diễn xuất tinh tế đến mức người xem phải quan sát kỹ từng biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ cơ thể, thì mới giải mã được trọn vẹn những tầng cảm xúc cô đang truyền tải. Đó là lí do tại sao, một cách vô cùng xứng đáng, Torres đã trở thành nữ diễn viên người Brazil thứ hai được đề cử “Best Actress” tại Oscar sau 26 năm. Điều thú vị ở đây là, người đầu tiên được đề cử không ai khác chính là mẹ cô – bà Fernanda Montenegro.

Fernanda Torres dành chiến thắng tại Quả Cầu Vàng,hạng mục “Nữ diễn viên xuất sắc nhất – phim chính kịch”.

Gọi Fernanda Torres là một ẩn số, vì chúng ta không thể dựa vào các giải tiền Oscar để đoán định. Dành chiến thắng song song với Demi Moore tại Quả Cầu Vàng (hạng mục “Nữ diễn viên xuất sắc nhất – phim chính kịch”), nhưng cô lại không nằm trong phạm trù đề cử của BAFTA, SAG hay Critic’s Choice.

Ngược lại, xét đến khía cạnh khác, còn có thể thấy được hai lợi thế của nữ diễn viên Brazil so với đối thủ. Đầu tiên, dù “càn quét” khắp các lễ trao giải, “The Substance” vẫn là một bộ phim thuộc dòng body-horror, một thể loại có phần xa lạ với sở thích của Viện Hàn Lâm, và vai “Eunice Paiva” dường như cũng tiệm cận với “truyền thống” Oscar hơn nhân vật “Elizabeth Sparkle”. Thứ hai, Fernanda Torres đang được hưởng lợi từ chiến thuật thông minh của studio phát hành – Sony Pictures Classics: sức mạnh của thời điểm. Chính thức ra rạp vào ngày 17/01/2025, với ưu thế của một kẻ nhập cuộc cuối cùng, ấn tượng còn mới mẻ mà “I’m Still Here” để lại trong lòng những cử tri có thể ảnh hưởng không nhỏ đến quyết định của họ.

“30 chưa phải là Tết” là câu nói chính xác nhất để miêu tả diễn biến của cuộc đua giữa những “nữ diễn viên xuất sắc nhất” tại Oscar 2025. Màn tái sinh rực rỡ của kẻ “chiếu dưới”, sự vụt sáng của tài năng thế hệ mới, hay người con gái viết tiếp giấc mơ của mẹ? Liệu câu chuyện nào sẽ được cả thế giới “ăn mừng” vào đêm trao giải tới đây?

Xem bản gốc