Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Starlink hoạt động ra sao, phát huy ưu thế ở đâu tại Việt Nam?

Viettimes 3 Ngày trước

Starlink phù hợp với địa điểm nào ở Việt Nam?

Tập đoàn Space Exploration Technologies (SpaceX) của Hoa Kỳ, đơn vị cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh vừa được cho phép thí điểm có kiểm soát dịch vụ viễn thông sử dụng công nghệ vệ tinh quỹ đạo tầm thấp (Starlink) tại Việt Nam, với số lượng thuê bao tối đa là 600.000. Thời hạn thí điểm kéo dài đến ngày 1/1/2031, bao gồm cả dịch vụ cố định và di động trên toàn lãnh thổ nước ta.​

Đón nhận thông tin này, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam đánh giá, sự kiện đánh dấu bước phát triển trong quan hệ hợp tác khoa học công nghệ Việt - Mỹ; cho thấy sự hội nhập thế giới của Việt Nam, tạo niềm tin cho đối tác nước ngoài và thúc đẩy FDI.

vt-vu-hoang-lien-internet-day-2024-8718.jpg Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam. Ảnh: Đăng Khoa.

Việc cấp phép dịch vụ Internet vệ tinh còn cho thấy sự cởi mở của chúng ta về môi trường pháp lý, đón nhận xu hướng mới, sẵn sàng thử nghiệm cơ chế mới (sandbox) trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Internet vệ tinh sẽ bổ sung thêm một phương thức mới cho hạ tầng số quốc gia, tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia cạnh tranh và phát triển nền công nghiệp số quốc gia; đồng thời, cũng thách thức năng lực quản lý và khả năng tận dụng cơ hội của cơ quan quản lý, cũng như doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực viễn thông.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, Starlink sẽ phù hợp triển khai ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và ngoài biển của Việt Nam; hữu ích với các phương tiện giao thông di động rộng như hàng không, hàng hải, phù hợp trong các tình huống cấp thiết như bão lũ, thiên tai...

Còn theo ông Tyler Cooper, chuyên gia của BroadbandNow, tại các thành phố lớn, dịch vụ Starlink có thể phủ sóng các đô thị, nhưng hoạt động tốt nhất ở những khu vực có mật độ dân số thấp đến trung bình. Những thành lớn và đông dân không phải lựa chọn tối ưu cho công nghệ, vì băng thông giữa những người dùng trong một khu vực cục bộ được chia sẻ, nghĩa là hiệu suất sẽ bị ảnh hưởng khi hàng trăm người dùng cố gắng kết nối cùng một lúc. Tình trạng bóp băng thông có thể xảy ra ở những giờ cao điểm.

Đã phóng 6.376 vệ tinh vào quỹ đạo, có mặt ở 87 quốc gia

Starlink là hệ thống cung cấp dịch vụ Internet bằng vệ tinh, với tham vọng mang Internet tốc độ cao đến mọi ngóc ngách của hành tinh. Dự án này được phát triển bởi SpaceX – công ty tư nhân chuyên về hàng không vũ trụ do tỷ phú Elon Musk thành lập vào năm 2002.

Không giống với các dịch vụ Internet truyền thống vốn phụ thuộc vào cáp quang hoặc đường truyền mặt đất, Starlink hoạt động hoàn toàn dựa vào các tín hiệu vô tuyến truyền qua không gian vũ trụ.

Thay vì sử dụng vài vệ tinh lớn như các hệ thống trước đây, Starlink triển khai hàng chục ngàn vệ tinh nhỏ bay ở quỹ đạo thấp (Low Earth Orbit - LEO), chỉ cách mặt đất khoảng gần 500 km. Điều này giúp giảm thiểu độ trễ tín hiệu và tăng tốc độ truyền tải dữ liệu, tạo ra một mạng lưới kết nối ổn định và nhanh chóng hơn.

Theo dữ liệu cập nhật từ BroadbandNow và BuiltIn, tính đến tháng 11/2024, Starlink đã phóng 6.376 vệ tinh vào quỹ đạo thấp của Trái Đất. Mục tiêu cuối cùng của SpaceX là triển khai 42.000 vệ tinh, phủ sóng toàn cầu và khắc phục tình trạng mất kết nối ở những khu vực mà hạ tầng truyền thống không thể vươn tới. Tính đến đầu năm 2025, con số này vẫn đang tiếp tục tăng nhanh mỗi tháng với hàng chục lần phóng.

Theo thống kê của trang worldpopulationreview.com, hiện tại Starlink đã có mặt ở 87 quốc gia và có kế hoạch mở rộng thêm. Tuy nhiên, một số quốc gia như Nga, Trung Quốc, Cuba và Triều Tiên không nằm trong khu vực cung cấp dịch vụ.

Cách thức hoạt động của Starlink

starlink 1.jpg Starlink hiện đã có mặt tại 87 quốc gia trên thế giới

Hệ thống Starlink vận hành dựa trên nguyên lý truyền tín hiệu qua vệ tinh – một công nghệ đã tồn tại từ nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của Starlink nằm ở quy mô và cách thức triển khai.

Các trạm mặt đất sẽ truyền tín hiệu Internet lên vệ tinh thông qua sóng vô tuyến. Sau đó, vệ tinh sẽ chuyển tiếp tín hiệu này đến người dùng trên Trái Đất thông qua ăng-ten Starlink lắp đặt tại nhà hoặc trên phương tiện di chuyển. Mỗi vệ tinh Starlink có trọng lượng khoảng 260 kg với thiết kế dẹt, nhỏ gọn, cho phép mỗi lần phóng tên lửa Falcon 9 có thể mang theo tới 60 vệ tinh.

Điểm nổi bật là các vệ tinh mới nhất của Starlink được tích hợp công nghệ liên lạc bằng laser, cho phép các vệ tinh truyền dữ liệu trực tiếp cho nhau mà không cần qua các trạm mặt đất. Điều này không chỉ tăng tính linh hoạt mà còn giảm thiểu nguy cơ gián đoạn kết nối khi trạm mặt đất gặp sự cố.

Những lợi thế vượt trội

So với các đối thủ trong lĩnh vực Internet vệ tinh như OneWeb, HughesNet, Viasat hay Project Kuiper của Amazon, Starlink sở hữu nhiều lợi thế nổi bật, bao gồm:

Số lượng vệ tinh lớn: Thay vì phụ thuộc vào vài vệ tinh lớn ở quỹ đạo cao, Starlink triển khai hàng chục ngàn vệ tinh nhỏ ở quỹ đạo thấp, đảm bảo phủ sóng rộng khắp và giảm thiểu độ trễ.

Độ trễ thấp: Với khoảng cách bay chỉ gần 500 km so với mặt đất, Starlink đạt được độ trễ chỉ khoảng 20 mili giây, gần bằng với mạng cáp quang truyền thống.

Khả năng mở rộng: Công ty SpaceX có lợi thế khi sở hữu năng lực phóng vệ tinh chủ động. Nhờ các chuyến phóng định kỳ bằng tên lửa Falcon 9, Starlink dễ dàng mở rộng mạng lưới mà không phụ thuộc vào bên thứ ba.

Công nghệ laser hiện đại: Giảm phụ thuộc vào trạm mặt đất, tăng tốc độ truyền tải dữ liệu giữa các vệ tinh.

Khả năng phục vụ khi di chuyển: Starlink đã được cấp phép cung cấp dịch vụ cho các phương tiện đang di chuyển như ô tô, tàu thủy, máy bay và xe RV (nhà di động).

Tốc độ Internet của Starlink

starlink 3.jpg

Tốc độ truy cập Internet từ Starlink đang ở mức ấn tượng. Dịch vụ này cung cấp tốc độ tải xuống trung bình từ 90 Mbps đến 150 Mbps tùy khu vực. SpaceX dự kiến sẽ nâng tốc độ lên gấp đôi trong tương lai gần.

Theo báo cáo của Ookla Speedtest trong quý I/2022, Starlink ghi nhận tốc độ tải xuống trung bình cao nhất tại Lithuania với 160 Mbps. Tại Mỹ, tốc độ đạt khoảng 91 Mbps, ở Canada là 97 Mbps, và tại Australia là 124 Mbps. Ở khu vực Bắc Mỹ, Starlink tại Mexico có tốc độ cao nhất với 105,91 Mbps.

Tuy nhiên, tốc độ tải lên (upload) trong cùng thời kỳ ghi nhận xu hướng giảm, từ 16,29 Mbps xuống còn 9,33 Mbps tại Mỹ. Dù vậy, với độ trễ thấp và tốc độ tải xuống ổn định, Starlink vẫn là lựa chọn hàng đầu cho những khu vực khó tiếp cận Internet.

Vào tháng 10 năm 2023, Starlink đã được thử nghiệm tại khu vực Hòa Lạc (Hà Nội) với tốc độ đo được khoảng 200 Mbps.

Chi phí dịch vụ Starlink

Hiện tại, Starlink cung cấp 3 gói dịch vụ chính:

Starlink Internet (Cá nhân): Dành cho hộ gia đình, với chi phí 110 USD/tháng, kèm phí mua thiết bị đầu thu là 599 USD.

Starlink Business (Doanh nghiệp): Tốc độ cao hơn, ăng-ten mạnh hơn, phù hợp cho tổ chức hoặc doanh nghiệp lớn. Giá dịch vụ là 500 USD/tháng, phí thiết bị khoảng 2.500 USD.

Starlink RV (Di động): Cho phép người dùng sử dụng Internet khi đang di chuyển, thích hợp cho xe RV, tàu thủy, máy bay. Gói dịch vụ có giá 135 USD/tháng và phí thiết bị là 599 USD.

đia thu tín hiệu vệ tinh Starlink.jpg Đĩa thu tín hiệu vệ tinh của Starlink

Khi đăng ký dịch vụ, người dùng sẽ nhận được bộ thiết bị Starlink gồm: đĩa thu tín hiệu vệ tinh, bộ gắn đĩa, bộ định tuyến Wi-Fi và các dây cáp cần thiết. Người dùng cần lắp đặt đĩa thu ở nơi thoáng đãng để nhận tín hiệu từ các vệ tinh. Ứng dụng Starlink hỗ trợ tìm vị trí lắp đặt tối ưu.

Starlink được thiết kế để hoạt động ổn định trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa lớn, tuyết rơi dày, mưa đá, gió mạnh và nhiệt độ cao. Mưa nhẹ, mây mù thường không ảnh hưởng đến tín hiệu, nhưng thời tiết xấu nghiêm trọng có thể gây gián đoạn tạm thời. Đĩa thu tín hiệu được trang bị chức năng sưởi để làm tan băng tuyết, đảm bảo dịch vụ liên tục.

Tương lai của Starlink

Dù sở hữu nhiều ưu thế, Starlink vẫn đối mặt với không ít thách thức. Việc triển khai hàng chục ngàn vệ tinh đặt ra lo ngại về ô nhiễm không gian, nguy cơ va chạm giữa các vệ tinh và ảnh hưởng đến quan sát thiên văn.

Ngoài ra, chi phí dịch vụ vẫn còn khá cao so với thu nhập của người dân ở nhiều khu vực đang phát triển. Đây là bài toán kinh tế mà SpaceX cần giải quyết nếu muốn hiện thực hóa mục tiêu phổ cập Internet toàn cầu.

Tuy vậy, tiềm năng của Starlink là không thể phủ nhận. Nếu dự án đạt được quy mô đầy đủ, nó sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách con người tiếp cận Internet – không còn giới hạn bởi hạ tầng mặt đất, địa lý hay khoảng cách. Internet tốc độ cao sẽ trở thành một dịch vụ cơ bản và phổ quát như điện hay nước sạch.

Xem bản gốc