
Những cánh đồng lúa 2 vụ
Những ngày tháng 3, dưới nắng vàng như rót mật, trên nhiều cánh đồng ở biên giới xã Ia Mơ (huyện Chư Prông, Gia Lai) đầy ắp tiếng cười của bà con thu hoạch lúa vụ Đông Xuân. Ít ai ngờ, những cánh đồng đất đai nứt nẻ vào mỗi mùa khô nay tràn ngập màu vàng óng ả của lúa, kênh mương bê tông nước chảy ngập tràn.

Vác từng bao lúa chất lên xe công nông, mồ hôi đầm đìa, ông Rmah Hinh (45 tuổi, làng Klã, xã Ia Mơ) phấn khởi nói: “Trước đây, mùa khô đất này chỉ bỏ hoang do không có nước. Hàng năm, bà con làm được một vụ lúa nhờ nước trời, năng suất không cao. Từ khi có kênh thủy lợi ra tới cánh đồng làng Klã, nhiều hộ dân đã biết trồng lúa 2 vụ. Mùa này nhà tôi trồng 3 sào lúa nước, thu được 29 bao lúa. Năm nay không còn lo đói nữa".
Chia sẻ niềm vui vụ mùa, chị Siu Thoai (24 tuổi, làng Klã, xã Ia Mơ) cười nói: “Vụ này nhà mình trồng 5 sào lúa nước nên không còn lo thiếu gạo ăn khi mùa mưa tới. Nhờ có nguồn nước tưới, gần 2 năm nay nhà mình đã thoát nghèo, đã biết trồng lúa 2 vụ trong năm”.
Hoà cùng niềm vui được mùa lúa của bà con, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Ia Mơ phấn khởi cho biết: Nhờ có công trình thủy lợi Ia Mơr mà đời sống của người dân nơi đây đã thay đổi rất nhiều. Toàn xã có tỷ lệ đồng bào DTTS hơn 84%. Trước đây tỉ lệ hộ nghèo chiếm 60%, nay còn khoảng 25%.
Mặc dù bà con trồng được lúa 2 vụ/năm, nhưng do thiếu nước nên cuộc sống vẫn nhiều khó khăn. Bởi hiện nay, cánh đồng phụ thuộc vào nguồn nước tưới từ công trình hồ thủy lợi Ia Mơr.
Phát huy công năng thuỷ nông Ia Mơr
Xã Ia Mơ hiện có có 260 ha trồng được lúa 2 vụ/năm, trong khi diện tích tự nhiên trên 43 ngàn ha. Hiện nay vẫn còn có 6 thôn, làng trên địa bàn có nhiều cánh đồng vẫn chưa có kênh dẫn nước đến nơi. Khi có nước đầy đủ người dân chắc chắn sẽ chủ động phát triển mô hình kinh tế đa canh, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo.

Đại công trình thủy nông Ia Mơr được xây dựng với vốn đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Theo thiết kế, công trình hồ thủy lợi Ia Mơr có diện tích mặt nước hơn 2.800ha, là một trong những đại công trình thủy lợi của Tây Nguyên. Công trình thủy lợi này dự kiến sẽ tạo nguồn cấp tưới cho hơn 14.000ha đất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai và 4.000ha đất nông nghiệp của huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.
Hiện tại, công trình thủy lợi Ia Mơr đã hoàn thành giai đoạn 2, với việc xây dựng các tuyến kênh chính Đông, chính Tây và đã triển khai xây dựng được khoảng 10,5km hệ thống kênh nhánh nhỏ, 6km hệ thống kênh bơm đưa nước về đến ruộng người dân. Tuy nhiên, một số đoạn chưa thể đầu tư xây dựng hệ thống kênh nhánh khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp của người dân vẫn “khát” khô.

Nói về nguyên nhân dự án thủy lợi Ia Mơr chưa phát huy được hết năng lực tưới, ông Hoàng Bình Yên, Phó trưởng Ban quản lý dự án thủy lợi Ia Mơ (thuộc Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng thủy lợi 8, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết: Năm 2007, dự án công trình thủy lợi Ia Mơr có giá trị đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng được khởi công xây dựng, đáp ứng tưới hơn 14.000 ha ở hai tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk.
Tuy nhiên, do vướng chuyển đổi đất rừng hơn 4.700 ha nên nhiều vùng tưới đến nay vẫn còn khô khát. Vừa qua, Ban Quản lý đã có kiến nghị và được UBND tỉnh tiếp thu, trình HĐND tỉnh Gia Lai thông qua nghị quyết chuyển đổi 4,57 ha rừng để thực hiện kênh nhánh xuyên rừng, dẫn nước đến các cánh đồng ở xã Ia Mơ.
Tới đây, Ban quản lý sẽ sớm báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường phê duyệt dự án xây dựng 10 tuyến kênh nhánh dẫn nước dài hơn 30 km, vốn khoảng 209 tỉ đồng. Dự kiến sẽ khởi công vào quý 3/2025 và hoàn thành cuối năm 2026, đảm bảo vùng tưới 2.105 ha.
Tại kỳ họp chuyên đề thứ 25 (ngày 1/3), HĐND tỉnh Gia Lai ban hành nghị quyết quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng 4,57 ha để xây dựng dự án hệ thống kênh nhánh công trình thuỷ lợi Ia Mơr, huyện Chư Prông. Quyết định hứa hẹn mang lại nhiều đổi thay cho người dân vùng biên giới. Ông Hoàng Bình Yên, Phó trưởng Ban quản lý dự án thủy lợi Ia Mơr bày tỏ: “Lâu nay do vướng đất rừng nên công trình vẫn chưa phát huy tối đa năng lực. Vì vậy, đây là một tín hiệu mừng cho bà con vùng biên giới Chư Prông, sớm có nước phục vụ nông nghiệp trồng lúa nước từ 2 - 3 vụ/năm, nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng cuộc sống”.