Quảng trường Ba Đình Hà Nội gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của Thủ đô. Ngày nay, nơi này trở thành điểm thăm quan của du khách thập phương mỗi khi đến với mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Nhắc tới những điểm đến lịch sử của Hà thành chắc chắn không thể bỏ qua Quảng trường Ba Đình Hà Nội. Cùng theo chân Du lịch Việt Nam khám phá quảng trường này xem có gì đặc biệt nhé.
1. Quảng trường Ba Đình Hà Nội và những thông tin cần biết
1.1. Vị trí
Quảng trường Ba Đình Hà Nội ở đâu hay vị trí chính xác của Quảng trường Ba Đình là điều mà nhiều người thắc mắc khi đang lên kế hoạch cho chuyến đi của mình. Cụ thể, quảng trường nằm ở trung tâm thành phố, trên con đường Hùng Vương, Phường Điện Biền, Quận Ba Đình, TP Hà Nội.
Quảng trường Ba Đình Hà Nội nằm ở trung tâm thành phố. Ảnh: Tantuyetphoto
Quảng trường Ba Đình có diện tích rộng lớn, nằm ngay trong nội đô nên rất dễ tìm kiếm. Hiện tại, đây là quảng trường lớn nhất Việt Nam, nơi diễn ra những sự kiện trọng đại và những buổi diễu hành vào các dịp lễ lớn của đất nước.
Như vậy, sau khi biết Quảng trường Ba Đình Hà Nội ở đâu, còn chần chờ gì nữa mà không lập team với hội bạn thân tới đây khám phá thôi nào. Chắc chắn, Quảng trường Ba Đình Hà Nội sẽ không khiến bạn thất vọng đâu.
1.2. Hướng dẫn di chuyển
Do nằm ở vị trí trung tâm nên việc di chuyển tới Quảng trường Ba Đình cực dễ dàng. Bạn có thể tới đây bằng bất kỳ phương tiện nào, từ xe máy tới ô tô, xe bus công cộng hay xe công nghệ, xích lô...
Bạn có thể di chuyển tới Quảng trường Ba Đình Hà Nội một cách dễ dàng. Ảnh: Ngô Phúc Yên
Theo kinh nghiệm của những người đi trước, tùy vị trí xuất phát mà du khách lựa chọn cung đường đi cho hợp lý. Nếu khởi hành từ Hồ Gươm, bạn di chuyển theo đường Tràng Thi – Điện Biên Phủ - Lê Hồng Phong – Ông Ích Khiêm là tới. Đường đi đẹp, tuy nhiên, sẽ dễ tắc đường vào giờ cao điểm.
Từ các điểm thăm quan khác của Hà Nội như chùa Trấn Quốc, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu – Quốc Tử Giám ra Quảng trường Ba Đình Hà Nội cũng khá gần, chỉ mất vài phút đi xe. Ngoài ra, nếu chọn phương tiện công cộng, du khách có thể tham khảo xe bus số 22A, 23, 45, 50, E09.
Tới Quảng trường Ba Đình Hà Nội khám phá ngay thôi nào. Ảnh: Nguyễn Ngọc Tú
Một trải nghiệm tuyệt vời khác đó là bạn có thể đi xích lô để tới thăm quan quảng trường. Cách này được nhiều du khách nước ngoài yêu thích, vừa được ngắm nhìn quảng trường vừa được dạo phố phường Thủ đô.
1.3. Hướng dẫn gửi xe ở Quảng trường Ba Đình
Bên cạnh đó, việc đi Quảng trường Ba Đình gửi xe ở đâu cũng là vấn đề khiến nhiều bạn trẻ thắc mắc. Hiện tại có 5 địa điểm tập kết, trông giữ phương tiện cho khách thăm quan.
- Vị trí 1: Bãi giữ xe trong Khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh (số 19A, 19B phố Ngọc Hà, quận Ba Đình)
- Vị trí 2: Điểm giữ xe công cộng Ngọc Hà (đối diện số nhà 174 phố Ngọc Hà, quận Ba Đình)
- Vị trí 3: Bãi đỗ xe của Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long (số 19C phố Hoàng Diệu, quận Ba Đình). Sau đó, bạn đi bộ tầm 1km để tới quảng trường
Gần Quảng trường Ba Đình Hà Nội có nhiều bãi gửi xe nên bạn có thể yên tâm. Ảnh: Trương Đình Minh
Đi Quảng trường Ba Đình gửi xe ở đâu với phương tiện cá nhân thì bạn tham khảo ba vị trí có thu phí bên trên. Với các phương tiện ôtô từ 29 chỗ trở lên chờ đón khách có thể gửi tại 2 vị trí dưới đây, không thu phí; lái xe tự trông giữ phương tiện:
- Vị trí 4: Đường Yên Phụ theo chiều từ Cầu Chương Dương đi Cầu Nhật Tân (đoạn từ đối diện số nhà 122A đường Yên Phụ đến đối diện số nhà 42 đường Yên Phụ, thuộc quận Ba Đình,).
- Vị trí 5: Phố Nghi Tàm theo chiều từ Cầu Chương Dương đi Cầu Nhật Tân (đoạn đối diện từ số nhà 88 đến số nhà 302 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ).
Đi Quảng trường Ba Đình gửi xe ở đâu không phải vấn đề khó khăn. Các điểm gửi xe đều gần với cổng vào quảng trường, thuận tiện cho mọi đối tượng tới thăm quan, du lịch Quảng trường Ba Đình Hà Nội.
>>Xem thêm: 7 công trình biểu tượng của Hà Nội, gắn liền với hình ảnh Thủ đô
1.4. Quảng trường Ba Đình Hà Nội và những điều đặc biệt
1.4.1. Lịch sử Quảng trường Ba Đình
Quảng trường Ba Đình đã chứng kiến biết bao lịch sử thăng trầm của đất nước. Trước đây, quảng trường là khu vực cổng Tây của Kinh thành Thăng Long. Đến năm 1894, Thực dân Pháp xây một vườn hoa nhỏ rồi đặt tên là Rond Point Puginier, theo tên một linh mục người Pháp. Xung quanh vườn hoa có xây dựng biệt thự, công trình công sở.
Quảng trường Ba Đình Hà Nội đã chứng kiến lịch sử thăng trầm của Thủ đô. Ảnh: Cao Văn Thiện
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chính phủ nước Việt Nam quyết định đổi tên Quảng trường Rond Point Puginier thành Quảng trường Ba Đình. Bác sĩ Trần Vai Lai - Thị trưởng TP. Hà Nội từ ngày 20/7 đến ngày 19/8/1945 cảm phục nghĩa quân Đinh Công Tráng anh dũng chống Pháp ở căn cứ Ba Đình huyện Nga Sơn, Thanh Hóa nên đã quyết định đặt tên này như một sự ngưỡng mộ và tri ân đặc biệt.
Quảng trường Ba Đình Hà Nội từng có nhiều tên gọi khác. Ảnh: Báo Lao động
Quảng trường Ba Đình Hà Nội còn có tên là Quảng trường Độc Lập, Quảng trường Hồng Bàng. Trong đó, tên gọi Quảng trường Hồng Bàng được Pháp sử dụng trong thời gian tạm chiếm đến ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954. Sau đó, Ủy ban hành chính Hà Nội đã đề xuất tên gọi Quảng trường Độc Lập nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên tên Quảng trường Ba Đình.
1.4.2. Quảng trường Ba Đình và sự kiện lịch sử
Quảng trường Ba Đình gắn liền với sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam. Vào lúc 14h ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình.
Quảng trường Ba Đình Hà Nội là nơi Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập. Ảnh: tcdulichtphcm
Mùa thu nắng chiếu dịu dàng trên Quảng trường Ba Đình lịch sử. Đông đảo tầng lớp nhân dân tập trung tại quảng trường để lắng nghe lời tuyên bố về sự độc lập của nước nhà. Đúng 14h, buổi lễ bắt đầu, trên nền nhạc Tiến quân ca hào hùng, lá cờ đỏ sao vàng từ từ được kéo lên ngọn cột cờ. Từ đây, đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Ngày 2/9/1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, Lễ Truy điệu cũng diễn ra tại Quảng trường Ba Đình.
Quảng trường Ba Đình là nơi diễn ra nhiều cuộc mít tinh lớn hoặc tiếp đón, chào mừng các phái đoàn quốc tế thăm Việt Nam. Có thể thấy, Quảng trường Ba Đình Hà Nội có thể chứa tới hàng chục nghìn người, là nơi diễn ra các sự kiện long trọng, các sự kiện lớn, gắn liền với lịch sử Hà thành.
1.4.3. Trải nghiệm ở Quảng trường Ba Đình
Theo kinh nghiệm thăm quan Quảng trường Ba Đình Hà Nội, tới đây, du khách sẽ được hòa mình vào không gian trang nghiêm, rộng lớn, thoáng đãng. Đây là điểm du lịch Hà Nội không thể bỏ qua, điểm chụp ảnh, thăm quan quen thuộc của nhiều người.
Quảng trường Ba Đình Hà Nội không chỉ quen thuộc với người dân mà còn với cả khách du lịch. Ảnh: My Baritone
Ngoài ra, nhiều du khách tới quảng trường để chứng kiến giây phút thượng cờ và hạ cờ thiêng liêng diễn ra đều đặn hàng ngày. Trong đó, thượng cờ diễn ra vào 6h sáng và hạ cờ diễn ra vào 21h. Khoảng khắc lá cờ dần dần được kéo lên hay hạ xuống khiến ai nấy cũng trào dâng một cảm xúc khó tả.
Lăng Bác được xây dựng chính tại vị trí của Kì đài năm xưa nơi Bác đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Theo kinh nghiệm du lịch Quảng trường Ba Đình Hà Nội, hầu như ai tới đây cũng đều mong muốn được một lần vào thăm Bác.
Đừng quên viếng Lăng Bác khi tới Quảng trường Ba Đình Hà Nội. Ảnh: Đặng Giang
Lăng Bác được khởi công ngày 2/9/1973, khánh thành ngày 29/8/1975. Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng mãnh liệt của Quảng trường Ba Đình Hà Nội. Đồng bào cả nước, kiều bào hay bạn bè quốc tế mỗi khi tới Thủ đô đều ghé thăm Lăng Bác. Trước lăng là khuôn viên quảng trường có 168 ô cỏ bốn mùa tươi tốt.
Năm 1990, Bảo tàng Hồ Chí Minh - công trình văn hóa tưởng niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành, đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người. Bạn có thể kết hợp thăm quan cả Nhà sàn của Bác trong chuyến du lịch Hà Nội. Du khách chú ý diện trang phục lịch sự khi ghé thăm quảng trường và Lăng Bác.
Chứng kiến những giờ phút thiêng liêng tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội. Ảnh: Trương Đình Minh
Trải qua lịch sử thăng trầm, Quảng trường Ba Đình trở thành niềm tự hào dân tộc và cũng là cái tên gần gũi, thân thương với biết bao người con Hà thành nói riêng, người dân cả nước nói chung.
>>Xem thêm: Cẩm nang du lịch Hà Nội từ A-Z
2. Các điểm đến gần Quảng trường Ba Đình
2.1. Cột cờ Hà Nội
Địa chỉ: Số 28A, Phố Điện Biên Phủ, Quận Ba Đình, TP Hà Nội
Cột cờ Hà Nội được xây dựng từ năm 1805, hoàn thành năm 1812 dưới triều nhà Nguyễn. Hiện tại, công trình nằm trọn trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, trở thành số ít công trình còn nguyên vẹn, không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Tính cả cột thép treo cờ, kỳ đài này cao hơn 40m, gồm 3 phần: Chân đế, thân cột và vọng lâu.
Cột cờ Hà Nội gắn liền với hình ảnh Thủ đô. Ảnh: Nguyễn Lê Phương Thảo
Trải qua hơn 200 năm tồn tại, Cột cờ Hà Nội như một minh chứng cho lịch sử oanh liệt của Thủ đô. Năm 1989, cột cờ đã được công nhận là di tích cấp quốc gia. Để từ từ dưới lên trên đỉnh, bạn cần đi qua 105 bậc cầu thang và ngắm nhìn cảnh quan một phần Thủ đô. Cách Quảng trường Ba Đình Hà Nội không xa, đây sẽ là điểm đến lý tưởng cho chuyến vi vu của bạn.
2.2. Hồ Tây
Du lịch Hà Nội mà bỏ qua Hồ Tây rộng lớn thì quả là thiếu sót. Hồ nước ngọt tự nhiên này được đánh giá là nơi ngắm nhìn cảnh hoàng hôn xuất sắc bậc nhất Thủ đô. Do đó, cứ vào tầm chiều mát, nhiều bạn trẻ lại rủ nhau dạo quanh Hồ Tây và chiêm ngưỡng cảnh mặt trời lặn đầy lãng mạn.
Dọc Hồ Tây cũng có nhiều quán cà phê, hàng ăn uống với view xịn xò hướng thẳng ra mặt hồ. Bạn có thể dừng chân tại bất kỳ quán nào trên đường Nguyễn Đình Thi, Trích Sài... để ngắm Hồ Tây và thưởng thức đồ uống, đồ ăn ngon. Hay đơn giản việc đạp xe dạo quanh hồ, lang thang trên con đường Thanh Niên rộng rãi, tràn ngập cây xanh cũng đủ chill rồi đúng không nào?
Trên đây là thông tin và cẩm nang du lịch thăm quan Quảng trường Ba Đình Hà Nội cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến