Sáng nay (16/7), tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 và các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2025.
Tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết Trung ương, Quốc hội, Chính phủ trước đó xác định năm nay GDP phải tăng 8% trở lên. Chính phủ đưa ra con số cụ thể là cả nước cần đạt mức tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng 8,3 - 8,5%, tạo đà để đạt mức hai chữ số trong giai đoạn 2026 – 2030, qua đó đạt 2 mục tiêu chiến lược phát triển 100 năm. Chính phủ cũng sẽ có một nghị quyết mới về giao chỉ tiêu, điều hành kịch bản tăng trưởng.
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu thảo luận đánh giá về khả năng đạt được mức tăng trưởng trên, muốn đạt được mục tiêu này thì phải làm gì, từ đó xác định các trụ cột, động lực tăng trưởng; đồng thời nhấn mạnh các bộ ngành, cơ quan, tập đoàn, thành phần kinh tế đều phải nỗ lực, tiến lên.

Thủ tướng nhấn mạnh, đây là mục tiêu rất khó và có nhiều thách thức rất lớn nhưng chúng ta không thể không làm và mục tiêu này cũng không phải bất khả thi. Nếu chúng ta không thực hiện được mục tiêu này trong năm 2025 thì sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng những năm tới và 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra.
Bộ Tài chính xây dựng 2 kịch bản gì để tăng trưởng kinh tế?

Trong 6 tháng đầu năm 2025, GDP của Việt Nam tăng 7,52%, mức cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2011 – 2015. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã tham mưu xây dựng 2 kịch bản cho cả năm nay.
Theo đó, kịch bản 1, GDP năm nay tăng 8%. Cụ thể, nếu tăng trưởng quý III đạt 8,3% so với cùng kỳ, tương đương với kịch bản tại Nghị quyết 154/NQ-CP; quý IV cần đạt 8,5% (cao hơn kịch bản 0,1%). Quy mô GDP cả năm của nước ta khoảng trên 508 tỷ USD, GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.
Với kịch bản 2, GDP năm nay tăng 8,3 - 8,5%. Bộ Tài chính ước tính tương ứng tăng trưởng quý III đạt 8,9 - 9,2% và quý IV là 9,1 - 9,5%. Các mức này đều cao hơn kịch bản cũ lần lượt 0,6 - 0,9% và 0,7 - 1,1%. Do đó, quy mô GDP năm 2025 sẽ khoảng trên 510 tỷ USD và GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.020 USD.
Tương ứng với 2 kịch bản trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ Tài chính đã dự kiến kịch bản tăng trưởng của các địa phương và tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước.
Bộ trưởng cho biết: "Các kịch bản tăng trưởng phụ thuộc vào hiệu quả triển khai các chính sách, giải pháp, nhất là trong huy động và sử dụng các nguồn lực cho tăng trưởng".
Để đạt mục tiêu đề ra là từ 8,3 – 8,5%, Bộ Tài chính cho rằng, các địa phương cần đạt tốc độ tăng trưởng năm 2025 cao hơn so với mục tiêu tại Nghị quyết số 25/NQ-CP, đặc biệt là các địa phương đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước như: Hà Nội tăng 8,5% (cao hơn 0,5%), TP HCM 8,5% (cao hơn 0,4%), Quảng Ninh 12,5% (cao hơn 1%), Thái Nguyên 8% (cao hơn 0,5%)… Tương tự, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cần tăng trưởng cao hơn khoảng 0,5% so với chỉ tiêu đầu năm.
Đối với kịch bản tăng trưởng năm 2026, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ kiến nghị tiếp tục rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng ngành, lĩnh vực và địa phương, bảo đảm tăng trưởng kinh tế cả nước năm 2026 đạt 10% trở lên.
Về giải pháp cho kịch bản tăng trưởng, theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện đầy đủ, hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Lãnh đạo chủ chốt, Quốc hội, Nghị quyết số 192/2025/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 154/NQ-CP, số 205/NQ-CP và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng… nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 8,3 -8,5% năm 2025 và từ 10% trở lên năm 2026.
Ngoài ra, nhà điều hành cần thúc đẩy đầu tư, huy động vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng cuối năm khoảng 111 tỷ USD, cao hơn 3 tỷ USD so với kịch bản trước đó.
Trong đó, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm đạt khoảng 28 tỷ USD (tương đương với khoảng 700 nghìn tỷ đồng). Các bộ, ngành, địa phương phải giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2025 và số vốn được giao bổ sung từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách năm 2024 (khoảng 152.700 tỷ đồng). Theo như kịch bản này, đầu tư tư nhân khoảng 60 tỷ USD, cao hơn khoảng 3 tỷ USD so với kịch bản tăng trưởng kinh tế cả nước 8%; thu hút FDI đạt 18,5 tỷ USD, vốn FDI thực hiện khoảng 16 tỷ USD; đầu tư khác khoảng 7 tỷ USD.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 (khoảng 16%) trong trường hợp cần thiết, bảo đảm vốn tín dụng cho các ngành, lĩnh vực, dự án ưu tiên. Ngành ngân hàng cũng cần thực hiện hiệu quả các gói 500.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số, gói tín dụng cho vay người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở xã hội.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Tài chính cũng nhấn mạnh giải pháp về thúc đẩy tiêu dùng, khai thác thị trường trong nước, tăng xuất khẩu, phát triển thương mại hài hòa với các nước, tạo các động lực tăng trưởng mới.