Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Báo Tin tức 15 Giờ trước
Chú thích ảnh Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan. Ảnh tư liệu: Dương Giang/TTXVN

Cuộc làm việc nằm trong chuỗi hoạt động giám sát, lấy ý kiến đóng góp, hoàn thiện Dự án Luật, hướng tới xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời kỳ mới.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan mong muốn lắng nghe các ý kiến đóng góp về dự án Luật từ đội ngũ cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn những người gắn bó chặt chẽ với thực tiễn và có khả năng dự báo chính sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá, đây là thời điểm nhìn lại vai trò của khoa học xã hội trong phát triển quốc gia. Khoa học xã hội và khoa học tự nhiên có thế mạnh riêng nhưng cần gắn kết, bổ trợ lẫn nhau để tạo nên sự phát triển toàn diện. Ở cả hai lĩnh vực này, cần có cơ chế rõ ràng để thu hút nhân tài, đặc biệt là người Việt ở nước ngoài; đồng thời, nâng cao năng lực nghiên cứu, mở rộng hợp tác quốc tế và đẩy mạnh hội nhập.

Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các nhà, nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý cần tiếp tục có những cống hiến cho sự phát triển của nền khoa học nước nhà, từ đó góp phần tạo nền tảng vững chắc cho việc hoạch định chính sách và phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Việc xây dựng, ban hành Luật này nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, cộng đồng và trong các cơ quan quản lý nhà nước; mở ra không gian phát triển mới cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tháo gỡ vướng mắc về thể chế, pháp luật nhằm tạo môi trường thuận lợi phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc tham vấn các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với dự thảo Luật là rất cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường mong muốn, Viện Hàn lâm đóng góp các ý kiến cụ thể nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; kiến nghị những chính sách về thu hút nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, qua đó, góp phần bảo đảm sự hài hòa các yếu tố về khoa học và xã hội trong dự án Luật.

Trình bày báo cáo góp ý chi tiết đối với Dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đức Minh cho rằng, dự thảo luật hiện hành chưa phản ánh đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 193/2025/QH15 của Quốc hội. Đặc biệt, vai trò của khoa học xã hội trong dự án Luật vẫn còn khiêm tốn.

PGS.TS Nguyễn Đức Minh cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về bắt buộc công bố kết quả nghiên cứu qua phương tiện truyền thông đại chúng do chưa phù hợp trong trường hợp có liê

n quan đến bí mật nhà nước hoặc quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời, đề nghị bổ sung cơ chế đầu tư có trọng tâm nhằm tạo ra các sản phẩm thuộc quyền sở hữu công nghiệp, nhất là công nghệ tiên tiến. Đối với nghiên cứu cơ bản tại đại học, cần chuyển từ cách tiếp cận “chuyển dịch” sang “hỗ trợ và đầu tư có chọn lọc”; một số quy định liên quan đến cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), đề xuất mở rộng phạm vi thử nghiệm cho cả quy trình, bổ sung các tiêu chí lựa chọn đề án, cơ chế báo cáo, trách nhiệm quản lý và đặc biệt là cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tham gia thử nghiệm, bao gồm minh bạch rủi ro, đồng ý tự nguyện và bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp; quy định về chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài...

Nêu ý kiến tại cuộc làm việc, một số đại biểu cho rằng, việc sử dụng ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học và công nghệ cần có một cơ chế riêng, tách biệt với cơ chế sử dụng ngân sách truyền thống cho các hoạt động công vụ hành chính. Các quy định hiện hành về phân bổ và quyết toán ngân sách chưa phù hợp với tính đặc thù của hoạt động khoa học, gây khó khăn cho các nhà nghiên cứu trong việc tiếp cận và triển khai đề tài. Do đó, dự án Luật cần có cơ chế ngân sách linh hoạt, thuận lợi hơn, phù hợp với đặc thù nghiên cứu, sáng tạo.

Đánh giá cao các ý kiến góp ý vào dự án Luật, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, sẽ tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu trong quá trình thẩm tra dự án Luật; mong muốn các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ Viện Hàn lâm tiếp tục đồng hành với cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội.

Xem bản gốc