Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ nhiều triển vọng tăng trưởng

Vneconomy 5 Ngày trước
Xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ nhiều triển vọng tăng trưởng - Ảnh 1
Xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ nhiều triển vọng tăng trưởng - Ảnh 2

Xin ông cho biết về thị trường Hoa Kỳ trong bức tranh xuất khẩu gỗ của nước ta?

Suốt nhiều năm qua, Hoa Kỳ luôn là thị trường số 1 cho xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Năm 2024, chúng ta xuất khẩu sang thị trường này đạt trên 8,8 tỷ USD, tăng 23,9% so với năm 2023, chiếm 55,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành. Trong đó, nhiều mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên.

Cụ thể, mặt hàng ghế ngồi đang dẫn đầu, với kim ngạch 2,78 tỷ USD, tăng 23,2%, chiếm 31,6%; tiếp đến là đồ nội thất bằng gỗ khác đạt 1,53 tỷ USD, tăng 16,1%, chiếm 17,4%; đồ gỗ nội thất phòng ngủ đạt 1,19 triệu USD, tăng 30,2%, chiếm 13,5%; bộ phận đồ gỗ đạt kim ngạch 1,18 triệu USD, tăng 30,3%, chiếm 13,4%; đồ gỗ nội thất phòng bếp đạt kim ngạch 1,0 tỷ USD, tăng 19,2%, chiếm 11,5%...

Đáng chú ý, năm 2024, xuất khẩu ván ghép, đồ mộc xây dựng sang Hoa Kỳ đạt trên 383,38 nghìn m3, với kim ngạch 376,85 triệu USD, tăng 19,1% về lượng và 27,1% về giá trị so với năm 2023. Giá trị xuất khẩu của mặt hàng này chiếm 4,3% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Với mặt hàng gỗ dán/gỗ ghép, đạt 310,73 triệu USD, tăng 17,2% về lượng và 10,1% về giá trị so với năm 2023. Giá trị xuất khẩu của mặt hàng này chiếm 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ.

Trong hai tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 2,45 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, Hoa Kỳ vẫn là thị trường dẫn đầu, với 1,3 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2024 và chiếm 53,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.

Xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ nhiều triển vọng tăng trưởng - Ảnh 3

Ông nhận định thế nào về thuận lợi, khó khăn và triển vọng tại thị trường Hoa Kỳ đối với ngành gỗ trong năm 2025?

Hiện nay, tín hiệu đơn hàng của các doanh nghiệp cho thấy thị trường Hoa Kỳ vẫn khả quan, nhiều triển vọng tăng trưởng. Theo các phân tích và dự báo, việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) tiếp tục thực hiện kế hoạch cắt giảm lãi suất trong năm 2025, sẽ tạo dư địa cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay mua nhà 30 năm tại Hoa Kỳ. Hiện số lượng giấy phép xây dựng nhà ở tại Hoa Kỳ đã và đang có sự phục hồi nhanh. Do đó, thị trường nhà ở tại Hoa Kỳ sẽ cải thiện hơn, qua đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ.

Báo cáo tháng 2/2025 của Statista (Hãng nghiên cứu thị trường về hơn 170 ngành công nghiệp) cho thấy doanh thu thị trường đồ nội thất tại Hoa Kỳ dự kiến sẽ đạt 274,27 tỷ USD vào năm 2025, tốc độ tăng trưởng hàng năm 3,82% từ năm 2025 đến năm 2029. Trong đó, phân khúc lớn nhất là đồ nội thất phòng khách, dự kiến sẽ có giá trị thị trường là 75,66 tỷ USD vào năm 2025.

Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ, các chính sách thuế, chính sách phòng vệ thương mại có nhiều thay đổi khó lường. Do vậy, bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách ở thị trường này cũng sẽ tác động rất lớn tới hoạt động đầu tư phát triển, sản xuất, kinh doanh cũng như kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam.

Thời gian vừa qua, Tổng thống Donald Trump tăng thuế đối với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc đã khiến lượng đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam hiện nay khá nhiều, bởi cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng đã tốt lên nhiều so với trước đây. Ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành gỗ cũng đã phát triển; người lao động khéo tay, sản xuất ra những sản phẩm đẹp, chất lượng tốt,… đây là những lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam so với các nước khác trong khu vực.

Bên cạnh những thuận lợi, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng chịu sức ép không ít khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Khi nước này tăng áp dụng thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm gỗ xuất khẩu của Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ khiến một số doanh nghiệp Trung Quốc tìm các biện pháp để lẩn tránh mức thuế trên, trong đó Việt Nam có thể được chọn là một trong những điểm đến. Rủi ro sẽ xảy ra, khi các mặt hàng của Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam lấy nhãn mác, xuất xứ sau đó xuất khẩu vào Hoa Kỳ.

Thực tế, một số sản phẩm gỗ của Việt Nam đã từng phải đối mặt với những vụ kiện gian lận thương mại tại Hoa Kỳ. Vì vậy, việc ngăn chặn và giải quyết gian lận thương mại kịp thời, hiệu quả có tính chất sống còn với ngành gỗ Việt Nam. Đề nghị các cơ quan quản lý cần tăng cường nguồn lực, kiểm tra, giám sát chặt chẽ khâu cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm xuất khẩu. Cần xây dựng kênh kết nối thông tin giữa các hiệp hội gỗ và cơ quan quản lý nhằm cập nhật thường xuyên thông tin về các dấu hiệu gian lận, từ đó, xác định các biện pháp can thiệp kịp thời.

Xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ nhiều triển vọng tăng trưởng - Ảnh 4

Theo ông, ngành gỗ cần có những giải pháp, chiến lược như thế nào để tận dụng được thuận lợi và hóa giải những thách thức tại thị trường Hoa Kỳ?

Các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất ở nước ta cần đổi mới mô hình để đáp ứng trước những thách thức.

Thứ nhất, đổi mới công nghệ có vai trò then chốt, việc áp dụng các phương pháp sản xuất tiết kiệm chi phí, giá cả phải chăng sẽ giúp khôi phục doanh số bán hàng, thúc đẩy tăng trưởng.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ tự động hóa, đầu tư vào thiết kế mẫu mã thích ứng nhanh với yêu cầu của đối tác nhập hàng. Nhờ vậy, thích ứng được với các yêu cầu cụ thể của từng đơn hàng, chủ động ứng phó với những biến động của thị trường, giảm lượng hàng tồn kho.

Thứ hai, xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các kho hàng thông minh cần được phát triển để nâng cao khả năng phản ứng nhanh chóng với những biến động về nhu cầu, rút ngắn thời gian giao hàng, kiểm soát chi phí vận chuyển.

Thứ ba, tính bền vững ngày càng trở thành một yếu tố cạnh tranh quan trọng. Hoa Kỳ có đạo Lacey, cấm buôn bán các loài cây và sản phẩm liên quan có nguồn gốc bất hợp pháp, bao gồm cả gỗ và các sản phẩm gỗ. Do vậy, đa phần các đơn vị nhập khẩu sản phẩm đồ gỗ tại Hoa Kỳ đều yêu cầu sử dụng gỗ từ rừng trồng hoặc gỗ có chứng chỉ.

Để có thể đáp ứng được nhu cầu của các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ, các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tại Việt Nam phải đạt được các chứng chỉ rừng bền vững như FSC, COC. Các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh đào tạo nhân viên, người lao động để nắm bắt kịp thời các quy chuẩn, quy định của Hoa Kỳ, để tránh việc bị điều tra chống bán phá giá và bị tăng thuế lên cao.

Thứ tư, chuyển đổi kỹ thuật số cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi trải nghiệm của khách hàng. Đơn cử, thiết lập các phòng trưng bày ảo trên không gian mạng, sẽ giúp khách hàng dễ dàng trải nghiệm và lựa chọn sản phẩm nội thất một cách tiện lợi và thú vị hơn.

Phát triển bền vững phải trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh, giúp doanh nghiệp tạo dựng hình ảnh tốt đẹp trong mắt người tiêu dùng và nâng cao giá trị thương hiệu. Do đó, chất lượng tốt hơn, giá cả phải chăng hơn, tính linh hoạt, độ bền và sự đổi mới sẽ là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.

Xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ nhiều triển vọng tăng trưởng - Ảnh 5

VnEconomy 27/03/2025 09:00

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 12-2025 phát hành ngày 24/3/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1308

Xuất khẩu sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ nhiều triển vọng tăng trưởng - Ảnh 6
Xem bản gốc