Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Cần thiết đổi mới phương pháp lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia

Báo xây dựng 1 Ngày trước

(Xây dựng) – Đó là ý kiến của TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam về điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong bối cảnh đất nước đang khẩn trương thực hiện tinh gọn bộ máy tổ chức, hướng đến mục tiêu tăng trưởng 2 con số, việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia làm nền tảng, định hướng điều chỉnh các quy hoạch ngành quốc gia, vùng, địa phương, xây dựng đô thị, nông thôn… là hết sức cần thiết.

Cần thiết đổi mới phương pháp lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia
TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam.

Nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 52/NQ-CP ngày 18/3/2025.

Việc điều chỉnh quy hoạch hướng đến mục tiêu phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực đất đai đáp ứng các yêu cầu tăng trưởng liên tục đạt 2 con số, bảo đảm quốc phòng, an ninh, gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo nền tảng để đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.

Việc điều chỉnh quy hoạch cũng sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, trong đó ưu tiên cho việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, công nghiệp, dịch vụ, phát triển đô thị, duy trì hợp lý diện tích đất trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, chuyển đổi linh hoạt diện tích đất có hiệu quả thấp; đảm bảo diện tích đất các loại rừng, tỷ lệ che phủ rừng, hệ sinh thái tự nhiên, phòng chống thiên tai.

Ngoài ra, điều chỉnh quy hoạch còn hướng đến mục tiêu tiếp tục thực hiện khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất chưa sử dụng vào sử dụng; hạn chế tình trạng suy thoái đất; cải tạo, phục hồi diện tích đất bị thoái hóa gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Cần thiết đổi mới phương pháp lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia
Việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là hết sức cần thiết. Ảnh: chinhphu.vn

Theo TS.KTS Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, để đạt được những mục tiêu nêu trên, việc điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần phải lưu ý một số điểm quan trọng.

Thứ nhất là ổn định chính thức (có hiệu lực pháp lý) việc sáp nhập một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thứ hai là rà soát chiến lược và quy hoạch phát triển các ngành lĩnh vực kinh tế quốc gia có liên quan đến sử dụng đất đai.

Thứ ba là rà soát hạn mức sử dụng đất cho các địa phương của Trung ương trước sáp nhập tỉnh, thành phố.

Thứ tư là làm rõ thực trạng sử dụng đất quốc gia đến cuối năm 2024; làm rõ các nhu cầu sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ năm là đổi mới cách tiếp cận và phương pháp lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải thể hiện tinh thần phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, tích hợp với các quy hoạch khác, lấy quy hoạch xây dựng làm trung tâm.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý khi điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần có cơ chế mở, linh hoạt để điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng đất phục vụ các công trình cấp bách tại đồng bằng sông Cửu Long chưa thể dự báo được; đổi mới tư duy quản lý đất nông nghiệp, đất lúa theo hướng tiếp cận toàn diện về an ninh lương thực, thực phẩm, đổi mới công nghệ, thích ứng biến đổi khí hậu…

Xem bản gốc