Chùa Từ Hiếu Huế hay còn gọi là tổ đình Từ Hiếu vẫn luôn là một trong những biểu tượng nổi tiếng ở Huế với không gian cổ kính, trầm mặc, ẩn chứa sau đó là câu chuyện về lòng hiếu thảo.
Ngoài khám phá các lăng tẩm nổi tiếng thì khi du lịch Huế du khách đừng quên tìm đến những ngôi chùa đẹp và cổ kính tại đây. Xứ Huế có rất nhiều ngôi chùa đẹp và chùa Từ Hiếu là một trong những điểm đến nổi bật được nhiều du khách ưa thích. Nơi đây không chỉ là một danh lam thắng tích có tuổi đời lâu năm với kiến trúc và không gian độc đáo, mà còn là thiên đường tuyệt vời để du khách tận hưởng những giây phút thư giãn, bình yên trong không gian tĩnh lặng của chốn Phật môn hay tìm hiểu những thông tin thú vị về lịch sử kiến hay những giai thoại. Hiện tại chùa Từ Hiếu Huế là một trong những điểm du lịch tâm lnổi tiếng nhất ở Cố Đô và là điểm dừng chân không nên bỏ qua.
Chùa Từ Hiếu Huế là danh lam thắng tích lâu đời. Ảnh: @_reemree.
Lịch sử lâu đời của chùa Từ Hiếu Huế
Chùa Từ Hiếu Huế nằm ở địa phận của thôn Dương Xuân Thượng 3, thuộc phường Thủy Xuân, thành phố Huế, ngôi chùa này đã có lịch sử hình thành từ lâu đời. Theo đó, chùa được khai sinh từ năm 1842, ban đầu chỉ là một Thảo Am An Dưỡng nhỏ. Chùa được Tổ sư Nhất Định vốn là tăng cang của chùa Giác Hoàng ở trong cung xây dựng lên để làm nơi tĩnh tu và để phụng dưỡng mẹ già.
Người ta kể lại rằng khi xây dựng am và phụng dưỡng mẹ, trong một lần bà cụ ốm nặng cần phải có thịt cá để bồi bổ, sư thầy đã chăm chỉ lo thuốc thang đồng thời đi bộ đến 5km để băng rừng mua cá về nấu cháo cho mẹ, mặc những lời đàm tiếu chê bai của người đời rằng hòa thượng nhưng lại ăn mặn. Với tấm lòng hiếu thảo của mình, hòa thượng hết lòng chăm sóc người mẹ già tại am nhỏ. Những lời đàm tiếu ngày càng lan xa và truyền đến tai của nhà vua Tự Đức, lúc này vua đã cho người đi tìm hiểu thông tin và khi biết được tường tận câu chuyện, ngài cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của hòa thượng nên đã ban sắc “Tứ từ Hiếu Tự”.
Chùa Từ Hiếu gắn liền với câu chuyện về tấm lòng hiếu thảo của Tổ sư Nhất Định. Ảnh: Nguyễn Hữu Thành Đạt.
Nhà sư Nhất Định viên tịch vào năm 1848 và ngôi thảo am mà ngài đã tu tập trong thời gian tại thế đã được mở rộng, tôn tạo để xây dựng lên chùa Từ Hiếu với ý nghĩa từ chính là “Đức lớn nhất của Phật và Hiếu là đầu hạnh của Phật”. Theo đó, nếu như không “Từ” thì không thể tiếp độ danh cứu muôn loài và nếu như không “Hiếu” thì có gì để đạt được thông cõi nhiệm ở đất trời.
Năm 1894, dưới thời vua Thành Thái các hòa thượng của chùa Từ Hiếu Huế và các Phật Tử, giác quan cũng đã tiếp tục trùng tu không gian, cảnh quan nơi đây. Sau đó, trụ trì của chùa là hòa thượng Huệ Minh lại tiếp tục cho trùng tu và xây dựng lên hồ Bán nguyệt trong khuôn viên của chùa Từ Hiếu. Năm 1962 hòa thượng Chơn Thiệp lại tiếp tục chỉnh trang và trùng tu ngôi chùa. Sau đó 9 năm Thượng Tọa Trí Niệm lại cho xây dựng trùng tu cửa tam quan, hồ bán nguyệt cùng với các khu vực mà ngôi chùa đã bị hư hỏng.
Ngôi chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu. Ảnh: Xuân Bảo
>> Xem thêm: Khám phá Điện Thái Hòa Huế - biểu tượng của sự thịnh trị triều Nguyễn
Trong thời gian này, chùa Từ Hiếu Huế cũng là địa điểm dừng chân để an dưỡng khi tuổi già của các quan lại và thái giám dưới triều đại nhà Nguyễn. Tiếp đó, cũng từ ngôi tổ đình cổ kính này đã sản sinh ra những vị hòa thượng tài danh, có đóng góp to lớn cho Phật giáo trong nước và quốc tế, nổi bật là Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Chùa Từ Hiếu không chỉ là một nơi chốn tâm linh, mà còn là biểu tượng với câu chuyện về tấm lòng hiếu thảo, về đạo hiếu của con cái dành cho các bậc sinh thành. Cũng vì lẽ đó, đến hẹn lại lên vào dịp lễ Vu Lan báo hiếu thì ngôi chùa này trở thành điểm đến quen thuộc đối với các Phật tử, nơi mà những bông hoa cài áo được đeo trên ngực thể hiện tấm lòng biết ơn sinh dưỡng với các bậc sinh thành.
Những điều đặc biệt về chùa Từ Hiếu xứ Huế
Kiến trúc và không gian ấn tượng
Không gian của chùa Từ Hiếu Huế là sự kết hợp tuyệt đẹp giữa phong cách kiến trúc cổ kính và cảnh sắc thiên nhiên hữu tình. Đến đây, du khách sẽ có cảm tưởng như đang lạc vào một chốn bồng lai đích thực vừa hư ảo, vừa bình yên mang đến cảm giác tịnh tâm, nhẹ nhàng.
Từ thời điểm xây dựng cho đến tận ngày nay, chùa Từ Hiếu vẫn giữ được nét đẹp trầm mặc, cổ kính vốn có dẫu trải qua thời gian đằng đẵng và những lần trùng tu ở nhiều giai đoạn. Ngôi chùa nằm khuất mình dưới một rừng thông bát ngát, xung quanh có khe nước chảy rì rào, tạo nên một chốn Phật môn hữu tình. Dẫn lối vào chùa là một con đường đất phủ đầy bóng cây, trước cổng chùa có một ngôi tháp cao 3 tầng được xây dựng để làm nơi tàng trữ kinh tượng theo chỉ của nhà vua.
Con đường dẫn vào chùa Từ Hiếu. Ảnh: Bùi Anh Tuấn
Cổng của chùa Từ Hiếu Huế là kiểu vòm cuốn có hai tầng với mái che, phía trước con đường lát gạch dẫn vào chánh điện là một chiếc hồ bán nguyệt rộng lớn được trồng rất nhiều sen và nuôi cá cảnh. Không gian chính của chùa được xây dựng theo kiểu chữ Khẩu với 3 gian 2 chái, khu vực phía trước là điện thờ Phật, khu vực phía sau là Quảng Hiếu Đường, ở giữa được sử dụng để thờ Đức Thánh Quan, ở bên trái thờ hương linh Phật tử tại gia và khu vực bên phải là nơi thờ các vị Thái Giám.
Khu vực nhà Hậu làm án thờ tả quân đô thống Lê Văn Duyệt. Hai bên sân chùa được xây dựng thêm hai lầu bia ghi lại lịch sử của ngôi chùa theo các giai đoạn Trong khuôn viên của chùa Từ Hiếu Huế có nhiều lăng mộ của các vị phi tần dưới thời các Chúa Nguyễn.
Cổng tam quan dưới bóng cây xanh. Ảnh: Trường Bùi
Lối đi nhỏ trên hồ dẫn ra một chiếc đình nhỏ. Ảnh: Trường Bùi
Sân chánh điện của chùa Từ Hiếu. Ảnh: ST
Bài trí bên trong của chánh điện chùa. Ảnh: ST
Điều khiến nhiều du khách tò mò khi đến với môi trường này là nghĩa trang an nghỉ của 24 vị thái giám triều Nguyễn, đây là một địa điểm rất nổi tiếng. Tương truyền thái giám Châu Phước Năng là một trong những người có nhiều đóng góp trong việc tu sửa và xây dựng ngôi chùa, ông có số phận bất hạnh khi về già không có người thân bầu bạn. Chính vì vậy, ông đã kêu gọi các vị thái giám ở trong triều đình cùng nhau đóng góp để mở rộng thảo am xưa, với mong muốn sau này khi mất đi thì còn có nơi để được thờ tự hương khói. Cũng chính từ đó mà sau khi các vị thái giám chết thì được chôn cất ở một ngọn đồi nhỏ nằm bên cạnh chùa Từ Hiếu .
Nghĩa trang của các vị Thái Giám triều Nguyễn. Ảnh: guille_Alonso
Nếu như trước đây những ngôi mộ này thường ít được biết tới, chỉ có nhà chùa hằng năm cứ vào tháng 11 Âm lịch sẽ tổ chức hiệp kỵ để cúng viếng cho các vị thái giám thì sau này khu nghĩa trang của các vị thái giám đã được biết đến nhiều hơn và nhiều Phật tử du khách khi đến chùa cũng tìm đến đây để thắp hương bày tỏ sự tiếc thương.
Nhìn chung không gian của chùa Từ Hiếu Huế mang nét cổ kính, trầm mặc và yên tĩnh đặc trưng của một ngôi chùa cổ. Cũng chính vì thế mà nơi đây đã trở thành địa điểm dừng chân quen thuộc của người Huế vào các ngày lễ, ngày nghỉ. Đây cũng là một trong những điểm đến đón du khách trong nước và quốc tế đông nhất ở xứ Huế.
>> Xem thêm: Khám phá tour du lịch Huế HOT nhất hiện nay
Nơi an nghỉ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Gắn liền với chùa Từ Hiếu Huế còn là câu chuyện về Thiền sư Thích Nhất Hạnh, người thường được các Phật tử gọi với cái tên thân thương là Sư Ông Làng Mai, cũng là người hướng dẫn tâm linh có ảnh hưởng trên toàn thế giới. Thiền sư Thích Nhất Hạnh đến tu học tại chùa Từ Hiếu từ năm 16 tuổi, ngài xuất gia với người thầy là thiền sư Thanh Quý Chân Thật, dòng Lâm Tế Chánh Tông, phái Liễu Quán.
Thời điểm mới vào chùa, Thiền sư Thích Nhất Hạnh được gọi là Điệu Sung, sau khi thọ năm giới thì ông nhận pháp danh là Trừng Quang, pháp tự là Phùng Xuân. Thời kỳ này cuộc sống của Thiền sư rất giản đơn, không điện, không nước máy, hàng ngày sư làm những công việc như chăm sóc vườn, quét sân, gánh nước, đốn củi, chăn bò tiếp nhận sự dạy dỗ và rèn luyện của sư thầy Thanh Quý Chân Thật và các huynh đệ, đây là khoảng thời gian thiền sư được sống trong sự bình an và ấm áp.
Chùa Từ Hiếu là nơi Thiền sư Thích Nhất Hạnh xuất gia tu học. Ảnh: ST
Vào năm 1947, sau khi được thọ 10 giới sa di thì Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được thầy gửi đến Phật Học Đường báo Quốc học ở thành phố Huế, tại đây ông lại tiếp tục tu học. Năm 1949, thiền sư cùng hai người bạn rồi Huế vào Sài Gòn để tiếp tục con đường tu học của mình, trên đường đi ông đã khẳng định hạnh nguyện trở thành một vị Bồ Tát của hành động và chọn cho mình một tên mới là Nhất Hạnh, tức hành động duy nhất và bắt đầu từ đó người ta thường biết tới ông là Thích Nhất Hạnh.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có hơn 4 thập niên hoạt động xa quê hương, đến tháng 10 năm 2018 thì sư ông trở về chùa Từ Hiếu Huế, nơi bản thân ông đã xuất gia và tu học với tâm nguyện sống ở đây cho đến khi viên tich. Ngày 22/1/2022 Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch tại thất Lắng Nghe, hưởng thọ 97 tuổi và 72 năm hạ lạp. Với sự trở về của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, chùa Từ Hiếu Huế được biết đến nhiều hơn và rất nhiều Phật tử yêu mến thiền sư cũng đã tìm đến ngôi chùa này để tham quan bái Phật.
Hướng dẫn đến chùa Từ Hiếu
Chùa Từ Hiếu Huế cách trung tâm thành phố chỉ 5km với cung đường rất thuận tiện. Chính vì vậy, du khách có thể dễ dàng đến đây với nhiều loại phương tiện khác nhau như xe đạp xe máy hoặc ô tô.
Nếu xuất phát từ trung tâm thành phố Huế, du khách chỉ cần đi theo đường Điện Biên Phủ sau đó di chuyển vào đường Lê Ngô Cát và đi thẳng khoảng 2 km thì sẽ thấy tổ đình Từ Hiếu, rẽ vào đó thì đến được chùa Từ Hiếu Huế. Con đường đến với chùa Từ Hiếu từ trung tâm thành phố Huế không quá xa, đặc biệt với cung đường này bạn sẽ đi qua rất nhiều ngôi chùa nổi tiếng của Huế như chùa Từ Đàm, Chùa Thiên Minh hay đi qua Đàn Nam Giao. Đặc biệt từ con đường Lê Ngô Cát dẫn vào chùa Từ Hiếu, du khách sẽ có cảm tưởng như đang lạc bước ở Đà Lạt bởi cung đường rất đẹp thơ mộng với rừng thông xanh và bầu không khí mát mẻ.
Du khách có thể đến chùa Từ Hiếu khá thuận tiện. Ảnh: Nguyễn Hữu Thành Đạt
Lưu ý cần biết khi đến chùa Từ Hiếu Huế
Chùa Từ Hiếu Huế là một trong những điểm đến tâm linh có vai trò rất quan trọng, chính vì vậy khi tham quan tại đây, du khách hãy lưu ý lựa chọn trang phục phù hợp, kín đáo lịch sự, không nên lựa chọn các trang phục hở hang, không phù hợp khi đến chùa.
Khi đến viếng chùa bạn cũng hãy lưu ý không nên đội mũ nón trong khi lễ Phật. Đồng thời chùa là nơi thanh tịnh, chính vì vậy trong quá trình tham quan hạn chế nói chuyện đùa nghịch hoặc phát ngôn những câu từ không chuẩn mực.
Ở chùa Từ Hiếu Huế không có dịch vụ ăn uống hay quán nước, chính vì vậy nếu như tham quan chùa vào mùa hè bạn hãy lưu ý mang theo nước uống để sử dụng khi cần.
Nên mặc trang phục lịch sự khi đến chùa Từ Hiếu. Ảnh: stylistkhucmanhquan
Là một danh lam thắng tích có lịch sử lâu đời và vẻ đẹp kiến trúc độc đáo chùa Từ Hiếu Huế vẫn luôn là điểm đến thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là vào các dịp lễ lớn còn có cả các vị thiền sư đến từ khắp nơi về thăm chùa. Đến đây bạn không chỉ được thưởng ngoạn phong cảnh tuyệt đẹp, khám phá những câu chuyện thú vị về lịch sử, con người mà còn tìm được cảm giác bình yên, thanh tịnh để thả trôi hết những muộn phiền của cuộc sống.
Hồng Thọ - dulichvietnam.com.vn
Ảnh: Internet