Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Doanh nghiệp vận tải biển tăng tốc đầu tư đội tàu mới

Vietstock 1 Ngày trước

Doanh nghiệp vận tải biển tăng tốc đầu tư đội tàu mới

Trong bối cảnh thị trường vận tải biển đang có nhiều biến động, các doanh nghiệp Việt Nam đồng loạt triển khai kế hoạch mua sắm tàu mới nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị phần.

Nhóm VIMC tái cơ cấu đội tàu sau nhiều năm "đứng yên"

Các doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc hệ thống Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đang tích cực triển khai kế hoạch gia tăng quy mô đội tàu sau khi rào cản pháp lý về cơ chế đầu tư được tháo gỡ.

Trước đây, do một số quy định chặt chẽ trong việc mua sắm tàu, nhiều đơn vị vận tải gặp khó khăn trong việc “trẻ hóa” đội tàu, khiến năng lực khai thác bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với những thay đổi trong chính sách, những công ty như Vosco hay Vinaship đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đẩy mạnh đầu tư mạnh mẽ.

Là đơn vị chủ chốt về vận tải biển của VIMC, Vận tải Biển Việt Nam (Vosco, HOSE: VOS) đặt mục tiêu cấp bách là mở rộng và hiện đại hóa đội tàu hàng rời sau nhiều năm “đứng yên”.

Hiện, Vosco đang quản lý 13 tàu với tổng trọng tải hơn 421 ngàn DWT. Sau khi tháo gỡ rào cản về cơ chế đầu tư, Công ty đã nhanh chóng mua và nhận bàn giao tàu Supramax Vosco Starlight vào tháng 1/2025 và tiếp tục ký hợp đồng mua thêm một tàu Supramax khác, dự kiến bàn giao vào tháng 4/2025.

Vosco cũng sẽ bán tàu hàng rời do Vosco Star đóng vào năm 1999 và có thể cân nhắc bán tiếp 2 tàu container khi thị trường thuận lợi.

Nếu kế hoạch hoàn tất, Vosco sẽ nâng số lượng tàu hàng rời lên 9 chiếc, trở thành một trong những doanh nghiệp sở hữu đội tàu hàng rời lớn nhất Việt Nam.

Ngoài ra, công ty con của VIMC đang cân nhắc điều chỉnh chiến lược đầu tư. Thay vì chỉ đóng mới 4 tàu Ultramax như kế hoạch ban đầu, Vosco có thể chọn phương án mua các tàu resale hoặc tàu đã qua sử dụng dưới 10 năm với mức giá tối đa 40 triệu USD/tàu. Đối với phân khúc tàu dầu sản phẩm, Doanh nghiệp cũng đề xuất cách tiếp cận tương tự, với mức đầu tư tối đa 52 triệu USD/tàu. Lợi thế của cách tiếp cận này là giúp rút ngắn thời gian đưa tàu vào khai thác.

Tàu Vosco Starlight - Nguồn: Vosco

Bên cạnh Vosco, Vận tải Biển Vinaship (UPCoM: VNA) cũng có kế hoạch gia tăng quy mô đội tàu sau hơn 10 năm không bổ sung thêm trọng tải. Hiện công ty có 5 tàu với tổng trọng tải 100 ngàn DWT, nhưng độ tuổi trung bình khá cao. Một số tàu Handysize 26-28 năm tuổi xuống cấp khá nghiêm trọng.

Trong năm 2025, Vinaship dự kiến mua thêm 2 tàu hàng khô đã qua sử dụng với trọng tải từ 30,000-35,000DWT và thanh lý tàu Vinaship Pearl với giá trị ước tính khoảng 60 tỷ đồng.

Tương tự, Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (UPCoM: VST) có kế hoạch đầu tư một tàu mới thuộc phân khúc Handysize, trọng tải 28,000-32,000DWT và đưa vào khai thác từ quý 4/2025. Tuy nhiên, Công ty cũng đang tìm cơ hội thanh lý tàu VTC Glory để tối ưu hóa danh mục tài sản.

Trong khi đó, Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (UPCoM: NOS) gặp khó khăn với đội tàu gồm 4 chiếc có tuổi đời trên 30 năm. Công ty không có kế hoạch đầu tư mới mà sẽ tập trung vào tái cơ cấu, phối hợp với các ngân hàng để xử lý tài sản bảo đảm đối với các tàu Phương Đông 05, Phương Đông 06 và Oriental Glory.

Vận tải xăng dầu không đứng ngoài xu hướng

Các công ty vận tải xăng dầu trong nhóm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng không nằm ngoài xu hướng “trẻ hóa” đội tàu.

Vận tải Xăng dầu VIPCO (HOSE: VIP) có kế hoạch mua tàu dầu/hóa chất MR 40,000-55,000DWT với 2 phương án là mua tàu đã qua sử dụng thế hệ Eco (5-10 năm tuổi) với mức đầu tư tối đa 45 triệu USD hoặc đóng mới với chi phí tối đa 52.5 triệu USD.

Một doanh nghiệp liên quan là Vận tải Hóa Dầu VP (UPCoM: VPA) cũng đang nghiên cứu phương án mua tàu chở nhựa đường mới, do các tàu hiện tại đã hoạt động hơn 10 năm và liên tục thua lỗ những năm gần đây.

Bên cạnh đó, Vận tải Xăng dầu đường Thủy Petrolimex (HOSE: PJT) dự kiến đầu tư khoảng 250 tỷ đồng để mua tàu dưới 10,000DWT nhằm thay thế các tàu đã thanh lý.

Hệ thống PVTrans đầu tư mạnh vào tàu dầu/hóa chất

Với thế mạnh ở lĩnh vực vận tải dầu khí, đặc biệt nhu cầu vận chuyển cao từ các đối tác lớn như BSR, PVGas… các đơn vị thành viên thuộc Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans) đang đẩy mạnh đầu tư vào các tàu chở dầu, hóa chất và LPG, nhằm duy trì vị thế đầu ngành vận tải hàng lỏng.

Vận tải Sản Phẩm Khí Quốc tế (Gas Shipping, HOSE: GSP) vừa ký hợp đồng vay 260 tỷ đồng từ một ngân hàng để tài trợ cho việc mua tàu. Theo kế hoạch, GSP sẽ đầu tư 1 tàu LPG tải trọng khoảng 5,000CBM với tổng mức đầu tư 15 triệu USD, đồng thời xem xét mua thêm 1 tàu LPG hoặc tàu dầu/hóa chất trị giá 24 triệu USD.

Nếu kế hoạch này thành công, đội tàu của GSP sẽ tăng lên 11 chiếc, tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu trong phân khúc LPG.

Trong khi đó, Vận tải Dầu khí Thái Bình Dương (PVTrans Pacific, HOSE: PVP) dự kiến chuyển tiếp kế hoạch đầu tư 1 tàu Aframax và 1 tàu MR sang năm 2025. Công ty cũng để ngỏ khả năng đầu tư thêm từ 1-3 tàu, tùy thuộc vào điều kiện thị trường.

Một đơn vị khác trong hệ thống PVTrans, Vận Tải Và Tiếp Vận Phương Đông Việt (UPCoM: PDV), vừa hoàn tất thu về 230 tỷ đồng từ đợt chào bán thêm cổ phiếu. Khoản vốn này sẽ dùng để mua thêm 1 tàu chở dầu/hóa chất hoặc tàu hàng rời, cũng như nâng cấp đội tàu hiện có.

Vận tải biển Global Pacific (HNX: PCT) - một doanh nghiệp từng do PVTrans, PVGas góp vốn thành lập - vừa nhận 1 tàu dầu/hóa chất mới ngay đầu năm 2025, nâng đội tàu đang sở hữu lên con số 5. Lãnh đạo PCT cho biết, sẽ đóng mới 4 tàu trọng tải khoảng 26,000DWT với tổng mức đầu tư khoảng 4.9 ngàn tỷ đồng.

Một tàu trong hệ thống của PVTrans - Nguồn: PVTrans

Hải An, Gemadept mở rộng đội tàu container

Không chỉ các doanh nghiệp vận tải dầu khí và hàng rời, lĩnh vực vận tải container cũng đang chứng kiến sự mở rộng đáng kể.

Trước sức ép cạnh tranh từ các cảng khu vực Hải Phòng tăng mạnh trong 5 năm qua, đồng thời nhằm đảm bảo nguồn hàng cho cảng Hải An, lãnh đạo Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HOSE: HAH) liên tục đầu tư tàu mới với 3 chiếc cỡ 1,800TEU và 1 loại cỡ 3,500TEU nhận về trong năm 2024.

Hãng vận tải này cũng vừa tiếp nhận tàu container HAIAN ZETA vào đầu năm 2025, nâng tổng số tàu container lên 17 chiếc với sức chở 28,200TEU, chiếm khoảng 68% tổng sức chở của đội tàu container Việt Nam. Sắp tới, Hải An cho biết, có thể mua thêm 1-2 tàu cũ khi có cơ hội.

"Ông lớn" cảng biển Gemadept (HOSE: GMD) cũng không đứng ngoài khi công bố kế hoạch mua thêm 2 tàu trọng tải 1,800TEU, nâng tổng số tàu lên 6 chiếc.

Tử Kính

FILI

- 12:00 14/04/2025

Xem bản gốc