(Xây dựng) - Nhà ở xã hội xanh không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là cơ hội đầu tư lâu dài và có lợi nhuận. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức trong việc cân bằng giữa chi phí đầu tư, lợi nhuận và tính bền vững. Vì yếu tố xanh luôn đi kèm với việc tăng chi phí khiến các chủ đầu tư càng quan ngại hơn khi xem xét đến mô hình mới này. Đây cũng là chủ đề được thảo luận sôi nổi trong Hội thảo khoa học “Mô hình nhà ở xã hội xanh – Thách thức và Cơ hội” diễn ra chiều 2/4, tại Hà Nội
Hội thảo do Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST, Bộ Xây dựng) tổ chức, đã tạo ra một diễn đàn sôi động cho các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách nhằm thúc đẩy quá trình xây dựng và chuyển đổi mô hình nhà ở xã hội hiện hữu sang hướng bền vững hơn.
![]() |
Toàn cảnh Hội thảo. |
Nhà ở xã hội xanh xu hướng tất yếu
Một trong những trọng tâm của hội thảo là các giải pháp công nghệ xây dựng bền vững và đòn bẩy tài chính giúp tối ưu hóa chi phí, đẩy nhanh tiến độ xây dựng mà vẫn đảm bảo chất lượng.
Phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học, ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: Trong những năm qua, Bộ Xây dựng đã triển khai nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, trong đó có việc nghiên cứu và đề xuất thành lập Quỹ nhà ở quốc gia để tạo nguồn lực bền vững, hỗ trợ tài chính cho các dự án nhà ở giá rẻ. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã từng bước đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào kế hoạch kinh tế - xã hội của mình, góp phần tăng tốc độ triển khai các dự án trên cả nước, nhằm thực hiện Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.
![]() |
Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Trong bối cảnh đó, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ xây dựng hiện đại là một giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, giảm chi phí và rút ngắn thời gian xây dựng nhà ở xã hội. Việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới, thân thiện với môi trường, các giải pháp thiết kế thông minh, tối ưu hóa không gian và đặc biệt là các tiêu chuẩn, quy chuẩn về công trình xanh, như nội dung chính của hội thảo hôm nay, là hướng đi tất yếu. Điều này không chỉ giúp chúng ta xây dựng nhanh hơn, hiệu quả hơn mà còn tạo ra những ngôi nhà ở xã hội thực sự chất lượng, an toàn, bền vững và có chi phí vận hành hợp lý cho người dân. Trong đó, các công nghệ mới như kết cấu lắp ghép, vật liệu xanh, thiết kế thông minh đang mở ra cơ hội lớn để chúng ta xây dựng các khu nhà ở xã hội có chất lượng cao, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường.
Theo ông Vương Duy Dũng, để thúc đẩy nhà ở xã hội, có 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như sau: “Đưa chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội vào hệ thống chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; Lập kế hoạch triển khai Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, yêu cầu địa phương cam kết thực hiện; Bố trí quỹ đất và quy hoạch nhà ở xã hội hợp lý, với hơn 9.737 ha đất đã được quy hoạch trên cả nước; Thúc đẩy triển khai dự án nhà ở xã hội, với hơn 655 dự án đã và đang được triển khai từ năm 2021 đến nay; Huy động nguồn vốn và cơ chế tài chính, bao gồm chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng và nghiên cứu các giải pháp bổ sung như Quỹ nhà ở quốc gia”.
Bên cạnh đó, đối với mục tiêu giảm phát thải các-bon của ngành Xây dựng, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam, thì hiện nay, ngành Xây dựng sử dụng khoảng 35% - 40% tổng năng lượng tiêu thụ quốc gia, trong đó chủ yếu là tiêu thụ điện. Đối với các công trình xây dựng tại Việt Nam, mức độ lãng phí năng lượng khá lớn, tuy nhiên cũng có nhiều tiềm năng về sử dụng năng lượng hiệu quả. Việc này sẽ giúp giảm chi phí vận hành và giảm lượng khí thải CO2, mang lại lợi ích về môi trường, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Do đó, xây dựng công trình, tòa nhà xanh, tiết kiệm năng lượng đang là xu hướng phát triển mà ngành Xây dựng đang hướng tới, với các công trình thiết kế thông minh, thân thiện môi trường, tiết kiệm điện năng đã và đang được xây dựng đưa vào vận hành trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Trong đó, các dự án, công trình nhà ở xã hội phát thải các-bon thấp là một phần không thể thiếu. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, yêu cầu đặt ra cho nhà ở xã hội không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu ở cơ bản mà còn phải hướng tới các mô hình nhà ở xã hội xanh, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
Tuy nhiên, để các dự án nhà ở xã hội thực sự hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tế và đảm bảo chất lượng lâu dài, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống khung kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thiết kế - thi công - nghiệm thu là cần thiết.
Viện trưởng Viện IBST Nguyễn Hồng Hải nhận định: Các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn không chỉ đảm bảo an toàn kết cấu mà còn định hướng cho việc áp dụng các giải pháp thiết kế tối ưu, sử dụng vật liệu phù hợp, tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian thi công. Thiếu đi một hệ thống tiêu chuẩn rõ ràng, đồng bộ, chúng ta sẽ khó có thể kiểm soát được chất lượng, tối ưu hóa nguồn lực và đảm bảo tính bền vững cho các công trình nhà ở xã hội.
![]() |
Viện trưởng Viện IBST Nguyễn Hồng Hải phát biểu tại Hội thảo. |
Hiện, Viện IBST đã và đang tập trung vào việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, vật liệu thân thiện với môi trường và giải pháp thiết kế tối ưu nhằm hỗ trợ quá trình phát triển nhà ở xã hội xanh. Để triển khai thành công mô hình này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính và cộng đồng cư dân.
Công nghệ xây dựng bền vững và chiến lược tài chính cho nhà ở xanh
Tại Hội thảo, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã nhấn mạnh về các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thiết kế nhà ở phát thải các-bon thấp, các giải pháp công nghệ...
Các chuyên gia từ các trường đại học hàng đầu, bao gồm Đại học Melbourne và Đại học Curtin, đã trình bày về Mạng lưới Nghiên cứu giảm các-bon (RNDBI) và tiềm năng tín chỉ các-bon cho các dự án nhà ở xanh, phát thải các-bon thấp. Đại diện Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cũng chia sẻ về các cơ chế tài chính giúp các nhà phát triển và nhà đầu tư tiếp cận thị trường nhà ở xã hội xanh.
Cũng tại Hội thảo, Xi măng Fico-YTL, một trong những đơn vị tiên phong trong ngành Vật liệu xây dựng xanh, đã chia sẻ cách họ thực hành các sáng kiến giảm dấu chân các-bon, đặc biệt là dòng sản phẩm ECOCem - Xi măng phát thải các-bon thấp giúp giảm từ 30% - 70% lượng CO2 so với xi măng Portland truyền thống mà không tăng giá bán. Bên cạnh đó, Công ty cũng đưa kiến nghị về việc sớm ban hành Tiêu chuẩn Công trình Xanh quốc gia nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở xã hội.
Đại diện từ G8A đã giới thiệu các mô hình đầu tư sáng tạo, cân bằng giữa tính kinh tế, bền vững và công năng trong phát triển nhà ở xã hội xanh. Mô hình là minh chứng cho sự khả thi của việc phát triển nhà ở xã hội bền vững tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các công nghệ nhà ở theo hướng mô đun hoá, thiết kế điển hình cũng được đề quan tâm, giới thiệu ví dụ như công nghệ nhà lắp ghép thép nhẹ PN hay công nghệ lắp ghép mô đun toàn khối được Viện Khoa học công nghệ xây dựng giới thiệu trong “Hướng dẫn thiết kế nhà lắp ghép mô đun toàn khối”. Đây là bước tiến quan trọng giúp các dự án nhà ở xã hội xanh đạt mục tiêu Net Zero các-bon.
Nhà đầu tư và phát triển dự án là nhân tố then chốt trong thúc đẩy nhà ở xã hội xanh
Sự tham gia tích cực của các nhà phát triển bất động sản đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn e ngại do biên lợi nhuận thấp và thủ tục hành chính phức tạp. Để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia. Bộ Xây dựng đã nâng mức lợi nhuận tối đa cho các dự án nhà ở xã hội từ 10% lên 12%, nhằm tạo động lực mạnh mẽ hơn cho các nhà đầu tư.
Hội thảo kết thúc bằng một phiên thảo luận, nơi các chuyên gia trao đổi về những cải cách chính sách quan trọng, vai trò của khu vực tư nhân trong đổi mới bền vững, thách thức tài chính và cơ hội hợp tác giữa giới học thuật, doanh nghiệp và chính phủ. Hội thảo khoa học "Mô hình nhà ở xã hội xanh – Thách thức và Cơ hội" đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy chiến lược nhà ở bền vững tại Việt Nam. Các bên liên quan đã tái khẳng định cam kết triển khai công nghệ xây dựng giảm các-bon, đổi mới chính sách và các ưu đãi tài chính, nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang mô hình nhà ở xã hội bền vững.