Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Tích cực tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội

Báo xây dựng 4 Tuần trước

(Xây dựng) – Ngày 6/3 tới đây, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Hội nghị được kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố.

Tích cực tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội
Từ năm 2021 đến nay, các địa phương trên cả nước đã hoàn thành đầu tư 103 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng hơn 66.700 căn hộ.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 27/2/2025 giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội trong năm 2025 và các năm tiếp theo đến năm 2030 để các địa phương bổ sung vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, chỉ tiêu nhà ở xã hội các địa phương phải hoàn thành giai đoạn 2025 - 2030 là 995.445 căn hộ. Cụ thể, năm 2025 hoàn thành 100.275 căn hộ; năm 2026 là 116.347 căn hộ; năm 2027 là 148.343 căn hộ; năm 2028 là 172.402 căn hộ; năm 2029 là 186.917 căn hộ; năm 2030 là 271.161 căn hộ.

Theo kế hoạch, Hội nghị toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội sẽ được tổ chức vào ngày 6/3 tới tại Hà Nội, trực tuyến đến 63 điểm cầu tại các địa phương trên cả nước.

Mục tiêu của hội nghị là tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội và thực hiện Đề án Xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà cho người thu nhập thấp và công nhân trong giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng có báo cáo về phát triển nhà ở xã hội và thực hiện Đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội; đề xuất mời các doanh nghiệp lớn về bất động sản để tham mưu cho Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội và thực hiện đề án trên.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có báo cáo về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; báo cáo về giải ngân nguồn vốn 120.000 tỷ đồng cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sớm hoàn thành dự án phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư; Ngân hàng Nhà nước cũng được Thủ tướng yêu cầu báo cáo về đề xuất cho người trẻ dưới 35 tuổi được vay ưu đãi dài hạn.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường được có báo cáo về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án liên quan đến pháp luật về đất đai như xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất...

Bộ Tài chính được yêu cầu báo cáo ảnh hưởng của chính sách thuế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đấu thầu...

Hội nghị dự kiến có sự tham gia trực tiếp của 200 đại biểu là chuyên gia, đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn trên cả nước như Vingroup, Sungroup, Novaland, Hưng Thịnh Land, Becamex IDC Bình Dương, CEO Group, Him Lam, Capital House, Capitaland, Viglacera, HUD, Ecopark…

Số liệu từ Bộ Xây dựng cho biết tại báo cáo gửi tới Thủ tướng trước thềm hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội, từ năm 2021 đến nay, các địa phương trên cả nước đã hoàn thành đầu tư 103 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng hơn 66.700 căn hộ. Riêng trong năm 2024 cả nước hoàn thành xây dựng 28 dự án với gần 21.900 căn hộ, tăng 58% so với năm 2023.

Xem bản gốc